Được hỗ trợ, tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập và tham gia công tác xã hội; đồng thời đảm bảo thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và nuôi dạy chăm sóc con cái… Đó là những mong muốn thiết thực của công nhân lao động (CNLĐ) nữ.
CNLĐ nữ mong muốn được quan tâm nhiều hơn về các chế độ, chính sách như: tiền lương, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần. |
Được hỗ trợ, tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập và tham gia công tác xã hội; đồng thời đảm bảo thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và nuôi dạy chăm sóc con cái… Đó là những mong muốn thiết thực của công nhân lao động (CNLĐ) nữ.
Vừa bước vào xưởng của một công ty may tại Khu công nghiệp Hòa Phú, chúng tôi liền bị thu hút bởi tiếng ồn của những chiếc máy may. Ở đó, các công nhân- phần lớn là phụ nữ- đều tập trung vào công việc của mình.
Chị Lâm Thị Kim H. (xã Phú Lộc- Tam Bình) cho biết: Chị làm thợ thủ công cũng gần 6 năm nay. Công việc ở đây không cần bằng cấp cao, chỉ cần có tay nghề là làm được việc. So với khi mới vào công ty làm thì lương có cao hơn, các chế độ chăm lo cho CNLĐ nữ cũng được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, theo chị, công nhân may thường ngồi một chỗ, tưởng chừng nhàn hạ nhưng cũng mệt nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe lắm và hay bị bệnh nghề nghiệp. Hàng ngày, phải ngồi từ 8 đến gần 10 tiếng, tháng này qua tháng khác với tư thế đầu cúi, bụng gập nên giờ thì tối nào cũng đau ê ẩm, nhức mỏi 2 cánh tay…
Không chỉ LĐ chân tay vất vả, phía sau dây chuyền sản xuất, đời sống của những CNLĐ nữ cũng còn lắm lo toan, nhất là đối với những chị em có hoàn cảnh khó khăn.
Như câu chuyện của chị Nguyễn Thùy Trang (xã Hòa Phú- Long Hồ) gia đình có 2 mẹ con, mẹ chị sức khỏe yếu nên tất cả chi tiêu trong gia đình, cộng thêm tiền thuốc men đều trông chờ vào lương công nhân ít ỏi hàng tháng của chị.
Trong khi đó vật giá thì lại leo thang nên gia đình chị phải gói ghém mới đủ sống. “Tôi chỉ mong không ốm đau, có sức khỏe và được làm thêm giờ, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống”- chị chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết M. (xã Tân Lộc- Tam Bình) thì làm công nhân đã hơn 5 năm. Mỗi ngày nếu không tăng ca thì chị làm 8 tiếng, thu nhập cũng được vài triệu đồng/tháng. Chồng của chị thì làm thợ hồ. Hàng tháng, vợ chồng chị thu nhập khoảng 8 triệu đồng.
Theo chị, dù vợ chồng không phải lo chuyện nhà ở nhưng phải khéo chi tiêu dữ lắm mới đủ vì vừa lo tiền ăn uống, đám tiệc, cho 2 đứa con đi học cộng với tiền xăng đi làm mỗi ngày… đủ thứ phải chi tiêu.
“Không chỉ tôi mà nhiều CNLĐ khác đều có chung một mong muốn là tiền lương khá hơn, chi phí sinh hoạt ổn định để CNLĐ có khoản tích lũy nâng cao chất lượng cuộc sống”- chị trần tình.
Nhìn chung, hiện nay các doanh nghiệp, công ty có sự quan tâm, phối hợp cùng chính quyền thực hiện tốt các chế độ chính sách cho LĐ nữ về thực hiện chế độ nghỉ thai sản, khám sức khỏe, tham gia BHXH, BHYT, chi trả tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ bữa ăn ca, hỗ trợ tiền giữ trẻ…
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho LĐ nữ theo quy định pháp luật như: việc bố trí thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi có nơi, có lúc chưa phù hợp; việc thực hiện trang bị dụng cụ bảo hộ LĐ, để bảo đảm an toàn vệ sinh LĐ chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật trong LĐ nữ còn hạn chế…
Hơn 50% CNLĐ nữ đang làm việc trong khu công nghiệp là người ngoài tỉnh, phải thuê nhà trọ khi đồng lương cơ bản chỉ đáp ứng trang trải các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu của cuộc sống giờ lại thêm khoản chi phí nuôi giữ trẻ đã đặt thêm gánh nặng cho nữ CNLĐ.
Đó là chưa kể LĐ nữ khó có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hay học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề…
Vì thế, vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà giữ trẻ, siêu thị hay chợ công nhân, vấn đề an toàn thực phẩm… là vấn đề được các chị em trăn trở.
Nhiều chị em tâm tư: “Hổng biết khi nào CNLĐ mới được hỗ trợ nơi ở?” Hay có chị bộc bạch: “Đi làm về khoảng 6 giờ tối nếu ghé các “chợ cóc” ven đường thì thực phẩm không còn tươi ngon, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn… Vì thế CNLĐ nữ chúng tôi mong muốn có một siêu thị phục vụ CNLĐ, không những bình ổn giá mà đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đồng thời mong muốn các cấp chính quyền quan tâm xúc tiến xây dựng thêm trường mầm non tại khu công nghiệp này để CNLĐ có nơi gửi trẻ, an tâm lao động sản xuất”- chị công nhân Nguyễn Thị Kiều Trinh bày tỏ.
Chị Nguyễn Tuyết Loan- công nhân Công ty TNHH Tỷ Xuân- cho hay: Hàng ngày, cứ sáng sớm chị đi làm và về tới nhà khi trời sụp tối. Những khi tăng ca thì về muộn hơn. Thời gian rảnh, chị nghỉ ngơi để tái tạo sức LĐ và giữ con.
Chị chia sẻ: Làm công nhân ít có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần lắm. Ngày thì làm việc ở công ty, về nhà phải lo con cái rồi đi ngủ để lấy sức ngày mai đi làm việc tiếp.
CNLĐ nữ nhiều khi không có cơ hội tiếp cận thông tin hay những thay đổi của đời sống văn hóa xã hội. Vì thế chị mong muốn “được tạo điều kiện nhiều hơn để CNLĐ có thể tham gia các hoạt động vui chơi, văn nghệ thể thao… để có thể giảm áp lực công việc cũng như nâng cao đời sống tinh thần”.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 39.800 CNLĐ, trong đó CNLĐ nữ chiếm khoảng 73,5%. Đây là lực lượng góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Vì thế, họ cần được ưu tiên nhiều hơn về các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe để qua đó họ có thể nâng cao tay nghề và năng suất LĐ.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin