Đôi điều cảm nhận về bài thơ "Tri ân"

Cập nhật, 23:02, Chủ Nhật, 03/03/2019 (GMT+7)

Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ, nhưng trong tình cảm của con người, lòng biết ơn sẽ đọng lại mãi mà không có dòng thời gian nào xóa đi được. Điều này là một nét đẹp đạo đức trong tâm tính của người Việt Nam

Chính vì vậy mà sau khi đọc bài thơ “Tri ân” của cô Văn Lệ Trinh đăng trên Tạp chí Văn học nghệ thuật Cửu Long (số 120 tháng 6/2017), tôi không khỏi bồi hồi xúc động trước tấm lòng của cô đối với người con ưu tú của đất Vĩnh Long anh hùng.

Người ta bảo “Tiếng thơ chính là tiếng lòng”. Vì thế bài thơ “Tri ân” của cô Lệ Trinh không chỉ là tiếng lòng của cá nhân cô, mà đó là tiếng lòng của người dân Vĩnh Long đối với bác Hai Phạm Hùng:

“Thắp nén hương thơm nghe trào dâng xúc cảm

Trước chân dung người- đầy yêu kính bác Hai ơi!

Thế hệ hôm nay mãi mãi nhớ ơn người

Cuộc đời bác- hai lần mang án tử”

Bài thơ gây niềm xúc động ngay từ đầu, bởi lời xưng hô nghe rất giản dị, gần gũi thân thương như một đứa con, đứa cháu, trong gia đình Nam Bộ với người thân đáng kính là “bác Hai”, kết hợp với thán từ “ơi” nghe thật ngọt ngào khó tả, khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của tác giả không còn kiềm nén được sự xúc động khi đứng trước anh linh của bác Hai Phạm Hùng.

Thông thường, tình cảm của con người trào dâng khi người mà ta yêu quý đã đi xa mãi mãi với “nén hương thơm” được thắp lên trong không khí trang nghiêm thành kính. Nhưng tác giả đã nói rõ với người đọc là chính mình đang bùi ngùi khi nghĩ đến công ơn và cuộc đời kiên trung bất khuất của người bị “hai lần mang án tử”.

Vì vậy, khi đọc đoạn đầu của bài thơ, ta hiểu cô không chỉ xúc động vì sự yêu kính mà còn cả lòng tự hào, biết ơn vô hạn đối với bác Hai Phạm Hùng. Cảm xúc ấy càng dâng trào và lan sang người đọc trước những nét đẹp đáng quý của người cách mạng yêu nước, kiên gan và đầy nghĩa khí:

“Yêu lắm quê hương- Người viết tiếp dòng lịch sử

Dũng khí kiên gan giữ gìn hồn thiêng dân tộc núi sông

Côn Đảo xà lim khóa chặt bao cùm gông

Vẫn hiên ngang lấy thân mình chở che đòn roi cho đồng chí”

Từ âm điệu nhẹ nhàng, tình cảm thiết tha, đoạn thơ đã chuyển sang âm điệu rắn rỏi làm mờ đi cái “bi” của một thời mà người chiến sĩ đã trải qua “Côn Đảo”, “xà lim”, “gông cùm”. Tất cả điều đó có sá gì đối với một người “hai lần mang án tử”.

Chính lòng yêu quê hương, đất nước đã tạo nên một dũng khí để có thể “viết tiếp dòng lịch sử” hào hùng của dân tộc. Nó được ngưng đọng trong ý chí của người tù cách mạng, để thực hiện trọng trách nặng nề mà vẻ vang “giữ gìn hồn thiêng dân tộc núi sông”.

Cái bản lĩnh, cái ý chí còn được thể hiện qua một cử chỉ cao thượng, một hành động cao thượng mà không phải người bình thường nào cũng có được “lấy thân mình chở che đòn roi cho đồng chí”.

Một hành động không chỉ gây nên cảm xúc mạnh, một ấn tượng mạnh mà còn tạo nên sự nể phục trong lòng người đọc đối với người Cộng sản. Và chính nét đẹp trong nhân cách của bác Hai Phạm Hùng đã có một tác dụng to lớn trong việc rèn luyện bản lĩnh, ý chí của thế hệ con người Việt Nam:

“Ôi tình bác chứa chan sắt son, chí khí

Thắp lửa niềm tin hun đúc vạn trái tim

Vì tự do ấm no muôn nhà giấc ngủ bình yên

Cuộc đời bác giản đơn, sáng trong một lòng tận tụy”

Lời thơ như một khúc tâm tình xen lẫn niềm xúc động qua từ “ôi” đặt ở đầu câu, khi tác giả nhận ra rằng bác Hai Phạm Hùng chính là người Cộng sản chân chính. Lòng kiên trung của bác Hai Phạm Hùng như ngọn lửa rực sáng hun đúc thêm sức mạnh của hàng vạn trái tim người Việt Nam yêu nước.

Sự hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên trung của người cách mạng không phải vì lợi ích của cá nhân hay vì địa vị danh vọng mà là vì “tự do ấm no muôn nhà giấc ngủ bình yên”. Còn riêng Bác thì vẫn “Cuộc đời bác giản đơn, sáng trong một lòng tận tụy”.

Khi đất nước được thống nhất, đặc biệt là lúc công cuộc cách mạng của nhân dân ta đang giành được nhiều thắng lợi, người Vĩnh Long không chỉ biết ơn Đảng mà còn tri ân bác Hai Phạm Hùng:

“Qua thuở gian lao- hân hoan cờ sao lộng lẫy

Hửng nắng bình yên- non nước thăng hoa

Vĩnh Long tự hào vang mãi khúc hoan ca

Đời có bác sắc xuân về phơi phới”

Đoạn thơ trên như là một khúc “hoan ca”, reo vui xen lẫn với tâm trạng ngất ngây, tràn đầy niềm tự hào trước hình ảnh của đất nước trong sự nghiệp đổi mới được diễn đạt qua hàng loạt từ ngữ có giá trị biểu cảm cao “lộng lẫy”, “hoan ca”, “phơi phới”…

Các câu thơ được trình bày đối ứng làm ta có cảm giác từng cặp câu như một câu đối trong căn nhà tràn ngập niềm vui hạnh phúc của mùa xuân với “cờ hoa lộng lẫy”, “non nước thăng hoa”, “sắc xuân phơi phới”, làm cho lòng người đọc cũng thấy thăng hoa với khung cảnh rực rỡ sắc màu, tràn ngập niềm vui sống, hân hoan với niềm hạnh phúc.

Trong niềm vui đó, người Vĩnh Long tự hào về đất nước và tự hào với bác Phạm Hùng. Chính bác Hai Phạm Hùng đã đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho dân tộc “Đời có bác sắc xuân về phơi phới”. Sức sống tươi trẻ của đất nước được tác giả dẫn ra rõ ràng cụ thể:

“Đất nước hôm nay vững bước chào ngày mới

Từng viên gạch hồng đắp xây công trình nhà máy tầng cao

Đường rộng thênh thênh bốn mùa xanh tươi hoa trái ngọt ngào

Gió thoảng hương, đồng reo mùa lúa trổ

Từng đàn em nhỏ miệt mài bên tranh vở

Bên ngôi trường xanh thông thoáng ước mơ

Hạnh phúc chảy tràn quanh đây đẹp như thơ

Như dòng sữa tựa phù sa nồng nàn tháng năm bồi đắp”

Các câu thơ đến đây đột ngột dài ra, có câu lên đến mười hai chữ, nhưng vẫn tạo được sự hợp lý trong cách diễn đạt, bởi ta có cảm giác như các công trình mà đất nước ta tạo dựng được trong thời đổi mới không dừng lại ở “công trình nhà máy tầng cao”, “mùa xanh tươi hoa trái ngọt ngào”, “đồng reo mùa lúa trổ”… mà đã và đang nối tiếp kéo dài ra mãi. Thật tự hào, thật hạnh phúc biết bao khi con người được sống trong cuộc sống tươi đẹp, văn minh.

Có lẽ lòng tác giả cũng đang hân hoan, ngất ngây lắm trước cuộc sống mới, nên cô đã sử dụng đến hai biện pháp so sánh liền kề nhau- “như dòng sữa”, “tựa phù sa”- để diễn tả niềm hạnh phúc lớn lao như vậy.

Thế hệ trẻ hôm nay, đang tận hưởng những giá trị tinh thần và vật chất được tạo ra từ thế hệ đi trước, trong đó có bác Hai Phạm Hùng. Với lòng biết ơn vô hạn, khổ thơ cuối cùng làm ngưng đọng lòng tri ân bằng một lời hứa của thế hệ trẻ hôm nay:

“Bước tiếp chân người

Thế hệ hôm nay trái tim hồng vẫn hòa chung nhịp đập

Cùng sát vai mở trí xây dựng quê hương

Mạnh mẽ đi lên- bác ngọn đuốc soi đường

Trong sâu lắng chúng con hoài tưởng nhớ” 

Hình ảnh so sánh ngầm “trái tim hồng” để diễn tả lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay là được thừa hưởng từ thế hệ đi trước. Phải phát huy lòng yêu nước ấy bằng cách đoàn kết “hòa chung nhịp đập”, “cùng sát vai”, luyện tài trí, bản lĩnh “mạnh mẽ đi lên” xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, đó là lòng tri ân đối với bác Hai Phạm Hùng.

Bài thơ “Tri ân” không phải là bông hoa giàu hương sắc, nhưng rất có ý nghĩa. Nó không chỉ có giá trị ngợi ca cuộc đời cách mạng kiên trung của bác Hai Phạm Hùng, mà qua đó còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ trẻ hôm nay với những tiền nhân đi trước.

Qua bài thơ, ta rất trân trọng tấm lòng của tác giả, phải có lòng yêu kính và sự am hiểu về cuộc đời của bác Hai Phạm Hùng lắm mới viết được một bài thơ thành công như vậy.

MINH ĐIỀN