Kỳ cuối: Năm nào mẹ cũng bị bắt vô tù

02:03, 05/03/2019

Men theo con đường ở Rạch Súc, chúng tôi tìm đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp (mẹ Tư) ở ấp Hòa Thạnh (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân). Mẹ Tư là chị ruột của thương binh Nguyễn Hoàng Ái (chú Năm Ái- PV) cùng là con gái của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai. 

Men theo con đường ở Rạch Súc, chúng tôi tìm đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp (mẹ Tư) ở ấp Hòa Thạnh (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân). Mẹ Tư là chị ruột của thương binh Nguyễn Hoàng Ái (chú Năm Ái- PV) cùng là con gái của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai.

Trong ngôi nhà tinh tươm, vách tường treo 2 hàng bằng khen, huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công thẳng tắp, mẹ Tư cười hiền hòa, nói: “Mấy chục năm rồi nhưng có những chuyện không thể nào quên”.

Mẹ Tư bồi hồi nhắc lại những câu chuyện không thể nào quên.
Mẹ Tư bồi hồi nhắc lại những câu chuyện không thể nào quên.

Vợ chồng đồng lòng làm cách mạng

Mẹ Tư năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện bi hùng của một thời mưa bom, bão đạn. Một thời năm nào cũng bị bắt vô tù, nhà ở thì không biết cất bao nhiêu cái… Trí nhớ của mẹ minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn nhưng đôi mắt thì “Chỉ còn lại nửa con, do ảnh hưởng của bom cay năm 1973”.

Câu chuyện của mẹ Tư như một bài ca không bao giờ quên của đất nước, bắt đầu kể chưa được bao lâu thì mẹ lấy khăn để lau nước mắt. Những giọt nước mắt không bao giờ cạn khi kể về chồng, về con đã anh dũng ra đi.

Sinh ra trong gia đình nông dân, có truyền thống cách mạng, 16 tuổi, mẹ Tư trở thành giao liên. Công việc của mẹ Tư là gác đường cho du kích, vẽ ám hiệu,… việc gì cách mạng giao là làm.

Mẹ Tư cười thật tươi: “Không ổn định công tác ở bất kỳ nơi nào, cần là tui đi, từ vùng này qua vùng kia, có khi qua tới Cần Thơ. Năm nào cũng bị lính bắt ít nhất 1 lần, mà may là sớm được thả ra”.

Mẹ Tư cùng chồng là liệt sĩ Lê Hoàng Phương nên duyên nhờ sự mai mối của anh em cùng làm cách mạng. Lễ tuyên hôn của mẹ là lễ đầu tiên trong vùng với sự hăm hở chứng kiến của cả ngàn người là một kỷ niệm ngọt ngào trong cuộc đời mẹ.

Mẹ Tư kể: “Anh chị em có gì góp nấy, người bánh trái, người dừa nạo... Vừa làm lễ mà vừa thấp thỏm sợ máy bay, nghe tiếng máy bay là tắt đèn, trùm mền lại, xong cái lễ tuyên hôn hổng nhớ phải trùm mền mấy lần”.

Nhắc lại khoảng ký ức đẹp đẽ, mẹ Tư rơm rớm nước mắt: “Thời đó có biết trang điểm là gì đâu, vợ chồng bận bộ đồ bà ba đen vải tám mà làm lễ luôn”.

Ký ức về ông Lê Hoàng Phương sống lại trong mẹ là một người chồng yêu nước, thương vợ, thương con. Mẹ Tư trầm ngâm: “Ngày ổng còn sống, tui không nhớ rõ ruộng mình nằm chỗ nào. Có 7 công một mình ổng chăm nom, tui ở nhà lo chăm con nhỏ”.

Những năm ác liệt, đồng đội người hy sinh, người thì chiêu hồi, ông Phương vẫn bền gan, vững chí. Mẹ Tư rưng rưng: “Một lần đầu năm 1968, ổng về nằm sải lai, hổng ăn hổng uống.

Ổng kể vừa chôn 11 người bị giặc khui hầm giết, con gái thì tụi nó thẻo vú, con trai thì thẻo tai rồi giết…”. Rồi ông bàn với mẹ, nếu mình bị giặc bắt sẽ chia đôi trái lựu đạn với chúng.

Vượt qua những nỗi đau “đứt ruột”

Ngày 21/5/1968, ông Phương bị điệp viên chỉ điểm, giặc bố và giết chết giữa đồng. Hay tin chồng chết, mẹ cùng gần 50 anh em tìm khắp đồng mà không thấy xác.

Mãi đến ngày hôm sau, lùa bầy trâu đi tìm mới phát hiện. Gương mặt ông Phương bị đánh sưng “như cái thúng giê, tui nhận ra ổng nhờ cái ngón giò có mụt ruồi”. Mẹ xúc động: “Ổng chết bỏ lại 3 đứa con nhỏ, tui thì mang thai đứa con út mới 3 tháng!”

“Chắc máu làm cách mạng ở trong tim, trong gan”, con trai thứ hai của mẹ là Lê Văn Tuấn, 12 tuổi đã theo cậu Năm (Năm Ái) làm giao liên, học làm y tá. 17 tuổi thì tự nguyện đăng ký qua chiến trường Campuchia. “Tui lo lắm, nói cho con nghe, khuyên nó ở lại vậy mà nó động viên ngược lại tui.

Câu nói của nó khiến tui xúc động, nín thinh để nó đi: “Con đi cùng lắm chỉ chết 1 mình thôi, nếu Pol Pot xuống chỗ mình thì chết hết cả dòng họ”.

Gần 3 tháng sau, mẹ Tư nhận được tin con hy sinh. “Tui đi tới nơi tìm xác con, không cầm được nước mắt “Thằng Hai gãy giò, gãy tay nằm ở dưới mương”- mẹ Tư lặng lẽ lau vội giọt nước mắt.

Những mất mát hy sinh quá lớn liên tục xảy ra của chồng, của con của anh em làm mẹ Tư sống như người mất hồn.

Mẹ Tư kể: “Có những ngày tôi sống mà như chết rồi!”- mẹ Tư nói tiếp- “Nhà có 3 con heo, gà vịt bị bắt hết, thiếu người ta 20.000đ mà bị cắt lấy 4 công đất.

Nhà để đèn leo lét, tui nằm đó nhịn đói, nghĩ trong bụng thôi chết cho rồi”. Chỉ những người có cùng một nỗi đau mới hiểu được nỗi lòng người mẹ, mẹ Tư vực dậy nhờ lời khuyên từ má Ba Thiêu, cũng là mẹ Việt Nam anh hùng ở xóm Kinh Mới- Rạch Súc này.

Mẹ Tư kể: “Má Ba đến ngủ chung với tui, thì thầm to nhỏ. Má nói: “Mầy nhìn nhà tao đi, 6-7 cái Bằng Tổ quốc ghi công oằn cả bàn thờ… tao có chết được đâu. Mầy chết rồi 3 đứa nhỏ ai nuôi?”

Tình yêu thương của một người mẹ đã giúp mẹ Tư có thêm sức mạnh, vượt qua những nỗi đau đứt ruột. “Lầm lũi mần ruộng để nuôi con, cầm cái phảng mà nước mắt tuôn tuôn ngoài ruộng, có bầu đến tháng thứ 9 mà tui vái ông trời cho tui đừng sanh vì sợ sanh rồi nghỉ thì hổng nuôi nổi con”.

Những ngày tháng khó khăn, mẹ Tư đi lượm gạo giã của người ta được nửa lon, đem về nấu cháo cho mấy đứa con nhỏ, người lớn thì đào củ chuối ăn để sống qua ngày.

Gian khó không ngăn được người mẹ của 4 con làm cách mạng. Mẹ nhớ những lần đi làm nhiệm vụ phải ngụy trang “trây mủ lá môn dính đầy tay chân rồi giả đò bán lá môn nuôi con để được tha”.

Tháng 11 nước cạn, mẹ Tư chuyển gạo vô vùng cho anh em, đẩy ghe gạo thì gặp giặc, mà bỏ gạo vô ống trúm cho bộ đội mình thì ít quá, chia ra được có nửa lon”.

Vậy là một lần mẹ làm liều, nửa khuya hì hục đẩy nguyên ghe gạo an toàn vào cứ, vì thương anh em “húp cháu không làm sao đánh giặc nổi”.

Bao nhiêu mất mát, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã đổi lấy hòa bình độc lập cho dân tộc. Mẹ Tư nhớ ngày hòa bình, nhớ những lần chiến thắng trở về không còn người thân để đón mà “miệng cười nhưng nước mắt rơi”.

Chúng tôi thưa mẹ Tư ra về, nghe văng vẳng câu chuyện của mẹ, của chú Năm còn đó. Câu chuyện của những người anh hùng chân đất, sẵn sàng sống chiến đấu bảo vệ quê hương, để cho chúng ta ngày hôm nay thừa hưởng độc lập, hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Chiến tranh không chỉ cướp đi cha, chồng, con, anh, em, của mẹ Tư. Chiến tranh còn để đó cho mẹ nỗi lo: “Con gái thứ tư đang sống cùng viên đạn M79 trong phổi!”

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh