Cho đến nay, mỗi khi anh em chúng tôi ngồi tại Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh (số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3) nói chuyện xưa, chuyện nay ở Nam Bộ thì không ai không nhắc đến Sơn Nam.
Nhà văn Sơn Nam. Ảnh: Internet |
Cho đến nay, mỗi khi anh em chúng tôi ngồi tại Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh (số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3) nói chuyện xưa, chuyện nay ở Nam Bộ thì không ai không nhắc đến Sơn Nam.
Lúc còn sống, rảnh rỗi là ông lội bộ đến Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, ngồi hàn huyên với anh em chúng tôi, uống vài ly “cuốc lủi” tại “ngôi nhà chung” 81 Trần Quốc Thảo. Khi đó, có ai hỏi hay bàn về chuyện lễ lạt, cúng bái, phong tục tập quán xưa và nay của Nam Bộ thì ông thông thuộc như lòng bàn tay.
Thoắt đó mà đã đến ngày giỗ 10 năm của ông- “nhà Nam Bộ học” đáng kính mà cho đến bây giờ chưa ai “qua mặt” được ông.
Mộc mạc đầy chất Nam Bộ của Sơn Nam
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài (có lần tôi hỏi, ông cho hay, khi khai sinh gia đình do ít quan tâm, ghi “trại” ra Phạm Minh Tày), sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đông Thái (huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá).
Có biệt tài và tâm huyết mà ở phương Nam ít ai sánh bằng, gần 50 năm trong nghề cầm bút, ông đi và viết về những điều dân dã đời thường của vùng Nam Bộ và đã để lại lòng thành kính trong người Nam Bộ.
Thuở nhỏ, những năm học tiểu học ở Rạch Giá, rồi trung học ở Cần Thơ đã cho ông thêm nhiều cảm nhận đời thường của đời sông nước. Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông tốt nghiệp bậc Thành chung và đi theo lớp trí thức Sài Gòn hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc và người dân Nam Bộ từng gắn bó như ông.
Cho đến cuối đời, với hơn 44 đầu sách (với hơn 10 ngàn trang sách) đã được in ra, trong đó rất nhiều tập khảo cứu quý giá như: “Đất Gia Định xưa”, “Chuyện xưa tích cũ”, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, “Nguyễn Trung Trực- người anh hùng dân chài”… cùng với hơn 400 truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết và truyện vừa, 20 biên khảo về Nam Bộ đất và người.
Sơn Nam được biết đến như một nhà văn và còn được bạn đọc Nam Bộ gọi là nhà văn hóa, “nhà Nam Bộ học”, một cuốn từ điển sống về Nam Bộ đầy chân chất, hiền lành như thuở đất trời Nam Bộ trong “Hương rừng Cà Mau” trước năm 1961.
Trong giới nghiên cứu văn hóa của nước ta, ông là người nghiên cứu, khảo cứu có nhiều công trình văn hóa, địa chí nhất về vùng Nam Bộ, đã để lại dấu ấn của một “ông già Nam Bộ” sâu nặng nhất từ các nhà văn, nhà báo, các nhà nghiên cứu đến các ông già nông dân miệt vườn cũng nhớ đến tên nhà văn Sơn Nam.
Khi ông chưa ngã bệnh, chúng tôi đến thăm nhà văn trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại một con hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh). Gặp ai vào thăm, Sơn Nam cũng cười hóm hỉnh- một nụ cười đầy chất hài của nông dân Nam Bộ, nơi ông sinh ra và thấm vào từ trang sách.
Nhà văn Sơn Nam qua đời ở tuổi 83. Trước đó, ông vừa bị tai nạn giao thông nên ông rất yếu, tự mình khó đi lại được thong thả hay vui vẻ với bạn đọc yêu quý ông như trước đó. Thế mà khi anh em làm báo đến thăm, tuy ông nằm trên giường tiếp chuyện một cách khó khăn, song điều mà ai cũng vui là nụ cười móm mém vẫn ánh lên “nét rất” Sơn Nam của ông.
Trên gương mặt, nụ cười ấy hiện lên nét hóm hỉnh và tinh nghịch trong đời sống và văn đàn khi gợi lại những câu chuyện về con người về Nam Bộ và đất rừng U Minh- nơi ông đã trải qua nhiều năm trước giải phóng và để lại bao nhiêu trang viết như xương thịt mà ông yêu quý.
Nhiều lần ông tâm sự: “Một người thật sự muốn đến và luôn đi lữ hành mọi vùng đất Nam Bộ, là phải đi từ ngọn nguồn đường nét văn hóa Nam Bộ bao la, để hiểu, để nghĩ suy cho đúng- nên từ khi cầm bút tới nay ngoài 80 rồi, tôi vẫn không từ bỏ ý định đó, dù nay sức khỏe không cho phép mình đi nhiều nơi xa”.
Đất với đời trong tác phẩm Sơn Nam
Lúc sinh thời, nhà văn kể cho chúng tôi: Năm 1952, tập truyện vừa đầu tiên “Bên rừng Cù lao Dung” và “Ký sự Tây đầu đỏ” đã nhận được giải nhất và giải nhì của giải thưởng Văn nghệ Cửu Long do Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ tổ chức trong kháng chiến. Qua những tác phẩm đầu tay này, bằng lối hành văn giản dị, gần gũi với nhiều nét của phương ngữ Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam luôn muốn khắc họa hình ảnh về những nông dân tham gia kháng chiến. Phong cách Sơn Nam, phong cách đặc sắc rừng U Minh là vậy.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia cắt thành 2 miền. Sơn Nam ở lại miền Nam, rồi ông cũng bị giam vào cái gọi là Trung tâm Cải huấn của chế độ Ngô Đình Diệm khi áp dụng chính sách trả thù những người kháng chiến cũ. Khi được chính quyền Sài Gòn trao trả tự do, ông tham gia viết bài cho các tờ báo có xu hướng yêu nước, mà tại miền Nam hay gọi là “thân cộng” như “Nhân Loại”, “Lẽ Sống”, “Tiếng Chuông”.
Đây là thời kỳ ông thật sự tìm và chọn chí hướng sáng tác của mình với những đề tài dã sử để né tránh sự đàn áp của chính quyền mà vẫn gửi gắm được tình cảm yêu nước và ngợi ca chí khí bất khuất, oai hùng của dân tộc, của con người Việt Nam. Các khảo cứu văn hóa lúc này như: “Chuyện xưa tích cũ”, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, “Nguyễn Trung Trực- người anh hùng dân chài”.
Tới năm 1960, ông lại bị bắt giam vào nhà tù Phú Lợi hết 18 tháng. Và đó cũng là thời gian manh nha cho sự ra đời tập truyện ngắn nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau” vào năm 1961. Tập truyện này được đánh giá rất cao và xem như là đã định hình phong cách khảo cứu về văn hóa Nam Bộ.
Ngoài sáng tác văn học, một loại hình sáng tác khác của Sơn Nam đã để lại một dấu ấn rất có giá trị về mặt lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Đây là những loại tác phẩm văn hóa, mà bạn đọc cả nước không thể quên được như: “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn Gia Định xưa”, “Bến Nghé xưa”, “Miền Nam đầu thế kỷ XX”, “Thiên Địa Hội” và “Cuộc Minh Tân”, “Phong trào Duy Tân Bắc- Trung- Nam”...
Sơn Nam viết: “Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất và là sở trường của tôi”.
Miền Nam giải phóng, Sơn Nam là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục đi và chăm sáng tác tiểu thuyết, truyện vừa như: “Chuyện tình một người thường dân”, “Ngôi nhà mặt tiền”, “Âm dương cách trở”,... cùng nhiều thể loại khảo cứu, văn hóa dân dã khác cho người Nam Bộ dễ tiếp thu nét văn hóa đặc sắc của mình.
Sơn Nam cho chúng tôi xem bản thảo 4 tập hồi ký vừa mới hoàn thành: “Từ U Minh đến Cần Thơ”, “Ở Chiến khu 9”, “20 năm giữa lòng đô thị” và “Bình An”. Đây không chỉ là chuyện kể về cuộc đời một con người, mà còn phản ánh một giai đoạn lịch sử của nhiều quê hương vùng đất Nam Bộ.
Một số tác phẩm của Sơn Nam cũng được các nhà làm phim trong nước và nước ngoài dựng thành kịch bản phim như: “Cây huê xà” (Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, 2002), “Mùa len trâu” (hợp tác của Hãng phim Giải phóng Việt Nam và 3 bên Production- Pháp và Novak- Bỉ, 2003).
Bộ phim “Mùa len trâu” đã giành được giải cao trong các Liên hoan tại Brazil, Thụy Sĩ, Pháp, Bắc Mỹ (tại Chicago) và Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương, như là lời nhắn gửi của ông tới nông dân Việt Nam.
Suốt trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Sơn Nam lăn lộn khắp rừng U Minh và tứ giác Long Xuyên. Vừa hoạt động trong vùng, vừa đi và viết. Đây là những năm tháng ông cảm nhận sâu sắc những phẩm chất quý giá của người dân Nam Bộ trung thực, chất phác, hào sảng và tình nghĩa dung hòa.
Cuộc đời Sơn Nam là nối kết của những chuyến đi bộ, đi du nhập thực tế, những nghiên cứu điền dã sâu xa để như ông vẫn nói: đi là một kiểu đọc sách trực tiếp vào đời. Đi để hiểu, cảm nhận cảnh vật, con người từ hơi thở cuộc sống tới ngôn từ để rồi gửi gắm cảm xúc của mình vào những trang viết thành hồn, thành chất sống đầy tính cách của người Nam Bộ.
Sơn Nam đã đi xa giới văn đàn miền Nam chúng ta 10 năm nay. Nhìn gia tài ông, tôi cứ ngỡ ông đã làm nhiều thơ lắm, song như ông nói trong một lần ngồi với chúng tôi ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, là chỉ làm một bài thơ duy nhất để lại, đó là bài làm lời tựa cuốn “Hương rừng Cà Mau” xuất bản công khai ở Sài Gòn năm 1961, khi đế quốc Mỹ lê máy chém đi tìm diệt Cộng sản ở khắp mọi vùng của quê hương ông:
… Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã đi qua
Ray rứt mãi lòng ta
Nắng mưa miền cổ thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
Sơn Nam- nhà văn đầy chất Nam Bộ hơn cả người Nam Bộ- đã giã từ chúng ta và trên văn đàn hay nghiên cứu về Nam Bộ chưa ai theo kịp bước chân ông, như giới nghiên cứu Nam Bộ thừa nhận.
PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin