Gặp "tiên ông" tóc dài hơn 3 mét, 70 năm chưa cắt lần nào!

02:06, 24/06/2018

Đi tu theo truyền thống gia đình và tự nhận mình theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa, cho rằng nuôi tóc là cách thể hiện hiếu nghĩa với cha mẹ, nên suốt 70 năm qua ông Tám Nhơn chưa một lần dám cắt tóc. 

 

     

    Nhìn cụ Tám như một tiên ông đắc đạo.
    Nhìn cụ Tám như một tiên ông đắc đạo.

    Đi tu theo truyền thống gia đình và tự nhận mình theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa, cho rằng nuôi tóc là cách thể hiện hiếu nghĩa với cha mẹ, nên suốt 70 năm qua ông Tám Nhơn chưa một lần dám cắt tóc. 

    Ông lý giải nếu cắt tóc là bất hiếu và sẽ bị “bề trên” trách phạt. Ông Tám Nhơn từng có hai mươi năm “du hành” tầm sư tu đạo, sau đó là bốn mươi năm tu hành tại gia, ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an. Suốt quãng đường tu đó, ông coi mái tóc quý giá không khác gì tính mạng của mình. 

    Lạ lùng hơn là dù trọn đời niệm Phật, song ông Tám Nhơn chỉ dám nhận mình là ông đạo tu theo Phật, bởi, ông lý giải rất hồn nhiên rằng: “Tu Phật khó lắm các chú ơi, nên tui chỉ dám tu tiên, tu đạo thôi”.

    Đi tìm 3 ông tiên tóc rồng bên rạch Ông Hổ

    Từ lâu, người dân xã Đông Hoà (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã quen với gia đình có ba ông đạo kỳ lạ: Cụ Nguyễn Văn Dày, Nguyễn Văn Chiến (thường gọi là Tám Nhơn) và Nguyễn Văn Tiên. Hỏi bất cứ người dân Đông Hoà nào, họ cũng nói rành rọt: “Ba “tiên ông” tóc rồng ở ấp Dầu, dân tui gọi là ba ông đạo tiên, ông nào cũng có mái tóc rồng nặng đến mấy ký trên đầu. Trong ba ông đạo tiên đó có ông Tám Nhơn là tóc dài nhất”.

    Chúng tôi còn đang huơ hoải vì đường dài mà không gặp ai để hỏi thăm thì thấp thoáng thấy bóng một cụ ông chống gậy, lưng còng gập như dấu hỏi nhưng bước thoăn thoắt, trên vai khoác cái tay nải màu nâu, trên đầu cũng là cái khăn nâu lùm lùm. Cụ ngước mắt: “Tui là Tám Nhơn nè. Các chú chờ tui lát, tui qua thằng Năm Lượm (người con thứ 4 của cụ Tám, năm nay đã 63 tuổi – PV) xin cơm”.

    Nói rồi cụ bước phăm phăm vào nhà ông Năm lấy tô cơm, chút rau xong, lại khoác tay, chống gậy, chân đất bước trên lộ bê tông nóng ran. Trên đường về, cụ Tám tạt qua gian tạp hoá nhà bà Sáu Thuỷ (người con thứ 5 của cụ, năm nay 58 tuổi) lấy mấy lon nước ngọt, đôi gói bánh về tiếp “khách đường xa”.

    Ba anh em cụ Tám đều để tóc dài, từ trái qua cụ Tám Nhơn, cụ Út Tiên, cụ Hai Dày.
    Ba anh em cụ Tám đều để tóc dài, từ trái qua cụ Tám Nhơn, cụ Út Tiên, cụ Hai Dày.

    Qua con ngõ nhỏ ẩm thấp chỉ thấy xanh rì xiết bao tán cây. Cụ Tám chỉ vào mái lều, bên dưới là chiếc ghe giữa đám đất sình lầy: “Chú em tui sống ở đó, ổng tên Út Tiên. Cũng sống một mình và ngày ngày tụng kinh niệm Phật tu hành như tui, nhưng tui còn có đàn con, chớ ổng có mình ên à, ổng không có lấy vợ. Giờ là ổng gần chín chục tuổi.

    Các chú chớ có vô nha, ổng không như tui, tui thì ai đến chơi cũng được, có khách đến nhà là tui vui. Mà ổng thì khác quá, ổng không thích tiếp xúc với ai bao giờ, khách lạ ổng càng không ưa, vô là ổng đuổi đó. Trên tui với ổng còn có ông anh Nguyễn Văn Dày, mà ổng mất 4 năm nay rồi. Lúc mất, ổng được 92 tuổi lận, nhiều hơn tui hiện tại, năm nay tui 91”.

    Nhà cụ Tám Nhơn nằm sát rạch Ông Hổ, dưới bụi tre rất lớn, quanh nhà cây cối rậm rạp. Cụ Tám chỉ ngôi nhà nhỏ, lợp brô-xi măng khoe: “Nhà tình thương người ta xây tặng tui đó. Đất này cỡ hai trăm năm trước ông cố tui đến lập nghiệp, vẫn đầy rừng hoang và thú dữ, cọp beo từng đàn từ rừng lội ra sông Tiền tìm nước uống, chúng đi mòn đường lún đất thành kênh rạch.

    Con rạch này tên rạch Ông Hổ là vì thế. Ông cố tui chức bá hộ, quản lý cả cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đến đời cha tui thì chỉ còn vài chục công (vài chục nghìn mét vuông) đất ven rạch Ông Hổ này, mấy anh em của cha trồng trái cây. Đàn con, cháu tui giờ vẫn trồng trái cây, chúng chăn nuôi, buôn bán thêm, cũng có mấy đứa đi làm công nhân bên thành phố Mỹ Tho”, cụ Tám kể chuyện rõ ràng, mạch lạc.

    Hễ cắt tóc là gặp tai ương

    Nói chuyện một hồi, cụ Tám dỡ mái tóc trên đầu cho chúng tôi xem. Mái tóc dài ngoẵng, cụ phải vòng quanh người, cầm trên cả hai tay hệt như những người làm xiếc quấn con trăn lớn. Tóc của cụ, phần gần đầu rất dày và trắng như cước, càng về phía đuôi, tóc càng mỏng và càng sẫm màu, có đoạn ngà ngà, có đoạn như màu râu ngô.

    Vừa nâng mái tóc, cụ vừa kể: “Ngày nhỏ mấy anh em tui đều để đầu ba chỏm như mọi đứa trẻ khác, đến khi tụi tui cỡ chừng 10 tuổi thì mới dưỡng tóc. Hồi tui 17 tuổi, vì thầy giáo có nói nên tui xin cha mẹ cho cắt tóc, mà cắt xong là tui lăn ra bịnh, người mềm như cọng bún, mắt thì hoa, đầu thì nhức. Tai ương ập đến sợ lắm.

    Cha mẹ đưa tui đi khám thầy lang, mà thầy lang khám không ra bịnh, ổng chỉ biết cho thuốc bổ, thuốc an tịnh tâm về uống để cải thiện ăn ngủ. Tui vẫn oặt oẹo, hoa mắt nhức đầu suốt mấy năm, đến khi tóc dài dần dần là bịnh tui cũng dần đỡ. Đến một bữa tui căng cái võng vô hai gốc cây nằm ngủ, mà buổi trưa chớ không có phải buổi đêm, tui thấy có ông lão đứng ở đầu võng, râu tóc ổng dài, ổng cúi xuống vuốt tóc tui nói “tóc dài đẹp lắm đó con”.

    Lúc thức giấc, tui kể cho cha tui nghe, cha tui bảo con yêu tóc mình quá nên nằm mơ lung tung thôi mà. Tuy nhiên, ông cũng bảo, tốt nhất từ giờ không có được cắt tóc nữa. Tóc tui là dưỡng từ ngày đó cho tới tận bây giờ luôn”.

    Ngôi nhà tình thương bà con dựng lên cho cụ Tám ở.
    Ngôi nhà tình thương bà con dựng lên cho cụ Tám ở.

    Cụ Tám kể thời gian đầu tóc bị dính bết lại rất khó chịu và thấy vướng víu, lúc dài quá dài, phải quấn lại thành từng vòng đội trên đầu như thể đội đá. Bà con chòm xóm xung quanh chỉ trỏ, dị nghị, có người ái ngại nói nhà cụ “có ba anh em mà tưng tưng (ý nói không bình thường) cả thảy. Nhưng dần dần các cụ cũng quen với cảm giác đội tóc như đội đá trên đầu, quen luôn cả với những ánh nhìn kém phần thân thiện của bà con.

    Năm cụ Tám 30 tuổi, đã có 7 người con, cụ rời gia đình sang cồn Phụng (xã Tân Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) theo ông đạo Dừa “cầu nguyện cho hoà bình, cho quốc thái, dân an”. Ông cùng anh và em trai ở đó gần 20 năm, đến ngày thống nhất đất nước thì ba anh em rời cồn Phụng về lại ấp Dầu tu tại gia, đến giờ đã ngoài 40 năm.

    Tu theo đạo Dừa, nhưng cụ Tám luôn nói mấy anh em trong gia đình mình theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa, cụ giải thích việc hễ cắt tóc là ốm bằng cái nhìn của người theo đạo: “Anh em tui, cha tui, ông cố tui đều theo Tứ ân hiếu nghĩa, ngoài ơn cha mẹ, còn ơn tổ quốc, ơn đồng bào, ơn tổ tiên. Theo đó việc dưỡng tóc là cách thể hiện hiếu nghĩa với cha mẹ, nếu cắt tóc là phạm vào bất hiếu và dễ bị đấng “bề trên” trách phạt”.

    91 tuổi vẫn đọc sách, xâu kim, tự may vá

    Năm nay đã 91 tuổi, song đôi mắt cụ Tám vẫn rất tinh, cụ đọc sách không cần kính, và vẫn tự tay xỏ kim, may vá lại đồ. Dăm năm trước cụ còn vác cuốc làm vườn, hăng hái, khoẻ mạnh không kém đàn con cháu. Bao năm qua cụ vẫn sống một mình, tự phục vụ bản thân. Từ ngày cụ bà mất, mỗi tuần một lần, bà Sáu Thuỷ thay mẹ qua trợ giúp cụ gội đầu một lần, không phải cụ yếu không làm được, mà vì tóc cụ quá dài nên cần có người hỗ trợ.

     Bà Sáu Thuỷ cũng tu tại gia như cha.
    Bà Sáu Thuỷ cũng tu tại gia như cha.

    Không chỉ bà con xứ ngày, mà ngay cả những khách phương xa vì tò mò mà đến như chúng tôi, rất nhiều người có chung câu hỏi: “Liệu có phải tóc các cụ càng dài thì càng trường thọ và khoẻ mạnh không?” Cụ Tám cười hiền từ: “Tui không có biết. Tui chỉ biết sức khoẻ của mấy anh em tui đều liên quan đến mái tóc. Tui chỉ cần đưa lọn tóc đuôi ra trước mặt để nhìn xem màu sắc là tui biết sức khoẻ, tâm trạng của mình ngày hôm đó có tốt hay không.

    Ông Hai Dày anh tui mất năm 92 tuổi, mà năm ổng 89 tuổi tóc bỗng đổi màu từ ngà ngà trắng sang nâu nâu, xong tóc ổng còn tự nhiên rụng dần. Đến khi qua tết, ổng sang tuổi 92 thì đầu ổng trụi mất nhiều tóc lắm, tui thấy lòng không yên và nói với mọi người đó là điềm xấu. Nhưng mọi người đâu có tin, tới khi tóc ổng rụng gần hết thì ổng qua đời”.

    Bà Sáu xác nhận: “Từ nhỏ đến giờ tui chưa thấy bác Hai, chú Út hay cha tui đi bịnh viện bao giờ. Xưa, khi mấy anh em cha tui còn trẻ, mỗi lần gội đầu là cả ba người ngồi sắp hàng gỡ tóc để gội cho sạch. Sau mấy lần, cả ba người đều chóng mặt, nhức đầu nên không ai dám gỡ phần tóc kết dính ra gội nữa, các cụ chỉ gội phần tóc sát da đầu cho sạch sẽ, mà kỳ lắm, phần tóc kết không gội nhưng cũng không thấy hôi bao giờ. Cha tui thì thỉnh thoảng lỡ làm ướt toàn bộ tóc là bị cảm lạnh, còn mái tóc phải hong cả ngày mới khô, nên gần bốn chục năm rồi cha tui không dám làm ướt tóc, mỗi lần tắm gội là cụ cẩn thận lắm”.

    Mỗi ngày dậy sớm cầu kinh cho “ông đi qua bà đi lại”

    Cu Tám Nhơn nói gia đình mình theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa nên để tóc dài, không bao giờ cắt. Song chúng tôi, người viết bài này từng đến Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), là cái nôi của đạo Tứ ân hiếu nghĩa. Nam giới ở đó chỉ mặc đồ bà ba, búi tóc củ hành chứ không thấy ai nuôi tóc dài mấy mét như những người trong gia đình cụ Tám.

    Mấy anh em, cha con nhà cụ từng sang cồn Phụng (xã Tân Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) theo đạo Dừa, nên dựa vào hình thức, có thể thấy dễ dàng là các cụ nuôi tóc dài theo “giáo chủ” đạo dừa. Điều đó có lẽ không quan trọng, mà cái đáng nói ở đây là các cụ nuôi tóc với niềm tin có phần ngây thơ vào đấng “bề trên”, song lại đáng trân trọng ở chỗ ngày ngày các cụ tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, cầu bình an cho người đi chợ, cho khách bước chân lên xe đò đi đến nơi xa.

    PV: Xin được hỏi cụ tu hành đã bao nhiêu năm rồi?

    Cụ Tám Nhơn: 70 năm. Ngày tui chỉ “độ” bữa cơm trưa lúc chính ngọ với rau tương. Tui hành theo pháp của Thích Ca.

    Ông có tu ở cồn Phụng (theo ông Đạo Dừa) ngày nào không?

    - Có, tui ở bển 20 năm rồi về đây tu tại gia.

    Sao anh em cụ lại quyết tâm rời quê hương đi lập đạo?

    - Tui đi để kêu cầu cho đất nước, giang sơn. 3 anh em tui đi suốt, để tu hành và cầu nguyện, từ cái hồi Pháp nó còn chiếm đóng. Ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23.11.1940, lúc đó tui mới 13 tuổi. Tui vẫn thuộc bài hát về khởi nghĩa 23.11 mà: Mùa thu này ngày 23 ta ra đi tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền/ Thuốc súng kém chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước/ Nóp với giáo mang ngang vai mà thân trai nào kém oai hùng (Bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn - PV). Hồi đó không khí khởi nghĩa rợp trời, quân dân đi rần rần.

    Cụ bắt đầu ăn chay từ khi nào?

    - 15 tuổi là bắt đầu tu hành theo cha mẹ, bắt đầu ăn chay cho tới giờ luôn. Vì gốc cha mẹ tui là đã tu hành rồi, nên cha mẹ cho ăn gì thì tui ăn nấy. Nhà tui tu đến 5 - 6 đời rồi, 2 đứa con 1 trai, 1 gái hiện giờ của tui là Năm Lượm, Sáu Thuỷ cũng tu, ăn chay, không lập gia đình. Bữa ăn hồi đó là ăn canh dừa, dừa nấu với bí, với khoai, với dĩa muối ớt. Hồi xưa Pháp đô hộ đâu có gì mà ăn.

    Ông đã 91 tuổi và khoẻ mạnh, minh mẫn, ông có nghĩ sức khoẻ của ông tốt là do ăn chay trường không?

    - Đúng đó, ngày tui chỉ ăn có một bữa lúc chính ngọ. Rồi tui uống bột các loại đỗ, các loại ngũ cốc, người ta mang tới chi tui thì tui uống chớ tui không có làm các loại bột đó. Tui cũng có lương của người cao tuổi, mà ngày tui chỉ ăn một bữa hết không có bao nhiêu, người ta cũng hay mang đồ ăn uống cho tui nữa, nên tiền lương đó nhiều khi tui cũng dành để phát tâm giúp đỡ những người khó khăn, hoặc ai mà đến xin lộc là tui cũng cho.

    Xin phép “bề trên” rồi mới cho người khác chạm vào tóc

    Mái tóc của cụ để trong bao lâu rồi mà dài và dày thế này ạ?

    - Hồi 17 tuổi đi học trường Pháp, tui để tóc dài dài, thầy hỏi tui con gái hay con trai, tui nói tui con trai. Thầy nói con về xin mẹ, xin cha hớt đi, sau này mãn học thì con để lại. Tui mới về xin cha mẹ cho hớt. Ngoài 20 tuổi tui bắt đầu để lại, đến năm 1960-1961 thì tóc nó đanh lại, rồi sau một đêm đến sáng thấy nó cứng ngắc luôn đến giờ. Ơn trên cho nên hổng dám gỡ, hổng dám phá, hổng dám cắt, hổng dám làm gì hết.

    Trước ở đây còn có bà Tư, tóc bả dài 5 thước, bả may cái bao dồn vô; chớ không cho rờ, không cho chụp hình như tui đâu. Bả chỉ ở nhà vì bị liệt nên tự tóc của bả đanh lại chớ không có được ơn trên vì làm công quả như tui, tui là do mấy năm công quả rồi quyết tâm tu hành nên mới được ơn trên cho tóc đanh lại. Mấy vị mà giờ tóc còn đanh là mấy vị đều có căn, đều được ơn trên nhà Phật đó.

    Tóc trên đầu cụ bạc trắng hết rồi?

    - Ừa, bạc trắng hết rồi. Mấy nay người ta thấy tui người ta kêu tui là ông tiên, mà tui cũng thấy giống thật, tóc tui bạc trắng mà dài, có kém gì Khương Tử Nha đâu. Tóc tui giờ dài tới 4 thước.

    Có bao giờ cụ thử gỡ tóc không?

    - Trời ơi nó dính lại gỡ làm sao được. 6 chục năm nay là bỏ tóc trong bao hẳn rồi, không có gỡ ra được nữa. Hồi mới đầu còn chấy chớ giờ cũng hổng còn chấy luôn.

    Một ngày cụ tụng kinh thế nào?

    - Tứ thời theo Tỵ - Ngọ - Mẹo - Dậu, giờ nào kinh nấy.

    Sáng mấy giờ cụ tụng kinh?

    - 3 giờ tui dậy tụng để cầu cho bà con đi chợ sớm buôn bán tốt tươi, cầu cho những người đi xe đò đường xa an toàn. Tới 6 giờ lại tụng cho những người đi làm công ty, những người ra vườn lao động, cho đám trẻ đến trường.

    Cụ tụng kinh gì, thưa cụ?

    - Tụng kinh nhà Phật, kinh Di Đà. Mình như ông đạo tiên thôi, chớ theo đạo Phật thì dễ gì mà thành Phật được.

    Khi chúng tôi tò mò muốn xem và chụp ảnh mái tóc kỷ lục Việt Nam của cụ Tám, cụ thành tâm làm lễ, xin phép bề trên. Xong bao nhiêu thủ tục mới lặng lẽ “bế” “con rồng” cuồn cuộn từ đỉnh đầu mình ra, với vẻ mặt đầy tự hào và nụ cười đắc đạo...

    Bà Sáu Thuỷ, con gái cụ Tám Nhơn cho biết: “Ba má tui ăn chay trường từ xưa. Hồi má tui còn, ông bà ăn ngày 2 bữa lúc 12 giờ trưa và 6 giờ chiều. Má tui qua đời năm 2010, từ đó ba tui chỉ ăn ngày 1 bữa lúc chính ngọ, mỗi bữa ổng ăn một chén cơm, chút rau luộc chấm tương”. Ông Lê Văn Vân, cán bộ xã Đông Hoà cho biết: “Cụ Tám Nhơn sống thọ là nhờ ăn uống thanh đạm, điều độ, sống chan hoà với mọi người, không tham, sân si, và đặc biệt là tinh thần các cụ luôn thoải mái, nhẹ nhõm”.

    Theo LĐO

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh