Sò voi một thuở

09:05, 15/05/2018

 "Sò voi, sò cò, sò dẹo.... hôn", tiếng rao quen thuộc làm tôi nhớ về một thuở sò voi.

 

 “Sò voi, sò cò, sò dẹo.... hôn”, tiếng rao quen thuộc làm tôi nhớ về một thuở sò voi.

Ngày ấy bọn trẻ con vùng nông thôn chúng tôi nào đâu dám nghĩ đến chuyện được ăn sò huyết, có chăng chỉ là sò voi mà thôi. Sò được chở trên xuồng đi dọc các con kinh và tiếng rao đến tận đồng sâu cỏ cháy cũng có thể nghe được. Dạo đó con sò lớn hơn bây giờ, giá rất rẻ. 

Ngày trước nhà tôi ăn sò voi đến nỗi vỏ sò có thể lấp cái ao bên hông nhà. Đi đám ở quê, buổi chiều trước đám chính, chủ nhà đem sò voi ra nhậu là coi như nhà đó thếch khách “bèo”. Còn giờ, đám nào mà nhậu bằng sò voi là “sang chảnh”.

Sò voi giờ vẫn là món ăn
Sò voi giờ vẫn là món ăn "khoái khẩu" của nhiều trẻ em.

Không như sò huyết muốn ăn phải tách ra công phu, sò voi chỉ cần qua chút xíu lửa là thân sò tự động rời khỏi vỏ. Sau khi chán món hấp sả (vì bản thân sò có nhiều nước nên khi luộc không cần để thêm nước), sò voi có thể đem xào với chuối cây, khóm, mướp, hay tất cả các loại rau, củ, quả khác. Điểm đặc biệt của con sò là có cái vòi trắng múp, thịt nhiều, dai chắc, vị thơm ngon, ngọt nên từ trẻ nhỏ đến người già đều ưa thích.

Chuyện ngán sò voi là câu chuyện của hơn 20 năm về trước, còn giờ muốn ăn sò voi cũng phải suy tính thiệt hơn vì giá đắt quá. Một anh trong ngành nông nghiệp bảo, hễ cái gì không nuôi được thì từ từ ắt sẽ diệt vong. Sò voi cũng vậy, nó chỉ sống được ở những vùng bãi bồi và khó bảo quản lâu khi lên bờ. Một số ngư dân nơi đây cố gắng lý giải và tìm cách nuôi dưỡng nguồn thu nhưng lời đáp vẫn còn là một bí ẩn. Có lẽ do vùng đất bãi bồi là điểm giao thoa, hoà quyện giữa rừng và biển, giữa con người với thiên nhiên và sự sinh tồn rất tự nhiên.

Dù chế biến cách nào thì sò voi cũng còn nguyên vẹn vị ngọt nơi đầu lưỡi, vị dai giòn khi chạm vào răng và đặc biệt hơn là nó đã đi vào ký ức về miền quê nghèo khó thuở nào…

Những ngày này sò voi lại vào mùa. Tuy nhiên, sò voi giờ không còn 500 đồng 1 ký, rồi 10.000 đồng 3 ký như hồi xưa, mà nó đã sánh vai với các loại sò khác, thậm chí vươn lên gần bằng giá sò huyết (có bận lên đến 100.000 đồng/kg). Vậy mà người ta vẫn ăn, nhiều người sau giờ làm cũng tranh thủ mua ký sò về cho con ăn cho biết và để nhắc nhớ cái hương vị ngọt ngào thuở hàn vi.

Trời Cà Mau bắt đầu đổ mưa vào những buổi chiều tàn. Bên nồi sò voi nghi ngút khói, con sò trắng ngần bung vỏ. Khẽ gắp một con chấm với muối tiêu chanh đưa vào miệng, vị ngọt của phù sa tan nơi đầu lưỡi. Cái mặn mòi của xứ biển, cái ngọt ngào của tình người dân quê lam lũ cứ thế tuôn ra khiến ta nhớ hoài mùa sò voi năm ấy./.

Theo Báo Cà Mau

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh