Có một tình yêu đẹp như cổ tích...

Cập nhật, 07:32, Thứ Hai, 14/05/2018 (GMT+7)

Chúng tôi gặp anh chị trong những ngày đầu hè, trên những con đường nắng gắt giữa lòng đô thị cùng những tờ vé số chờ khách mua…

Dù căn phòng trọ ẩm thấp và có mùi am ám, cũng không thể nào che lấp đi một tình yêu tuyệt đẹp- y như câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Đó là câu chuyện tình của anh Lâm Thanh Tuấn và chị Nguyễn Kiều Diễm.

Anh Tuấn- chị Diễm chia sẻ về cuộc sống của mình trong căn phòng trọ ở Phường 4.
Anh Tuấn- chị Diễm chia sẻ về cuộc sống của mình trong căn phòng trọ ở Phường 4.

Không thiết sống vì không… được cưới anh!

Với đôi chân nhỏ nhắn, teo tóp, chị Kiều Diễm (quê xã Hòa Hiệp- Tam Bình) không thể tự di chuyển, còn đôi tay cũng chỉ cầm nắm được những vật nhẹ, chưa bao giờ đưa được tay qua khỏi đầu…

Chị Diễm cho biết, mình bị sốt bại liệt từ nhỏ, tay chân đã không được như những người bình thường, mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ chăm sóc.

Thế nhưng con người khiếm khuyết ấy vẫn có một tâm hồn của người con gái tuổi mới lớn, cũng có bạn bè, cũng có những niềm vui nho nhỏ riêng mình. Song, có một chuyện chị không bao giờ dám ước mơ: đó là sẽ có gia đình như bao người con gái khác.

Thế nhưng trong một lần sử dụng mạng xã hội, chị gặp anh Tuấn. Chị Diễm cho biết, khi mới gặp anh lần đầu trên mạng, chị cảm thấy con tim bồi hồi, nôn nao vì khuôn mặt, cách nói chuyện cũng như hoàn cảnh giống nhau.

“Từ lúc gặp anh tới lúc cưới là tròn 1 tháng. Tôi nhớ ngày cưới là ngày 30/4/2015, trải qua rất nhiều khó khăn chúng tôi mới đến được với nhau”- chị Diễm cho biết.

Chị kể ngay tuần đầu, anh Tuấn đã tìm đến nhà và xin hỏi cưới chị làm vợ, chị cũng đã để anh thấy hoàn cảnh cũng như cơ thể mình không lành lặn như thế nhưng anh vẫn quyết tâm hỏi cưới cho bằng được.

Cha mẹ chị kiên quyết phản đối, vì nghĩ anh Tuấn sẽ không có “sự kiên trì” để chăm sóc một người vợ tật nguyền, rồi chuyện chị có khả năng để làm trọn trọng trách làm vợ hay không nữa…

“Lúc đó, vì anh quá thành tâm, còn tôi lại đang rất yêu anh Tuấn nên đã nhiều lần xin cha mẹ. Cũng có mấy lần định… tự tử vì không được cưới anh. Thấy vậy, cha mẹ cuối cùng cũng theo ý nguyện của con gái…”- chị Diễm nhớ lại.

Sau khi được cái gật đầu của cha mẹ vợ, anh Tuấn phải ở nhà chị Diễm 2 tuần để học cách chăm sóc vợ rồi mới làm đám cưới. Từ những cố gắng, sự thành thật của anh Tuấn đã làm thay đổi cách suy nghĩ của mọi người và có được sự tin tưởng của cha mẹ vợ. Và, chị Diễm đã không lựa chọn sai lầm…

Một tình yêu đẹp như cổ tích

Căn nhà trọ có câu chuyện cổ tích thời hiện đại ấy nằm ở phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Phường 4- TP Vĩnh Long). Gặp anh chị lúc 19 giờ, anh mới nấu cơm xong và đang dọn dẹp lại căn phòng tương đối bề bộn.

Anh vừa ăn cơm, vừa nói về cuộc đời mình. Cha anh đã bỏ anh đi từ nhỏ, anh sống chung với mẹ nhưng đến năm 25 tuổi, người mẹ cũng đã ra đi mãi mãi, để anh lại một mình trên cõi đời.

“Tưởng chừng cuộc đời mình không còn gì, hoàn cảnh thì khó khăn chồng chất. Ấy vậy, khi gặp và cưới được Diễm, cuộc đời tôi như sang một trang mới, có động lực, có sự phấn đấu, và hơn hết, mình đã có một gia đình…”- anh Tuấn chia sẻ.

Bây giờ anh vừa phụ vợ bán vé số, vừa dọn dẹp nhà cửa. Anh chăm sóc vợ, từ chén cơm, giấc ngủ, đến những chuyện nhỏ nhất là cắt móng tay, gội đầu… “Đó là một hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến đối với bản thân không lành lặn của mình”- chị Diễm hạnh phúc nói.

Còn đối với anh Tuấn, anh chỉ nói một câu về mình: “Đó dường như là nợ nhau từ kiếp trước, kiếp này mình trả. Quả thật, tình yêu đối với vợ đã bao trùm lên tất cả những đau thương, mất mát. Đó là động lực để mình tiếp tục cuộc hành trình này…”

Kết quả của tình yêu này là một thiên thần hoàn toàn lành lặn ra đời. “Bé đã được 22 tháng tuổi. Anh Tuấn ảnh nuôi mấy con gà để dành ăn sinh nhật 2 tuổi của con. Đối với tôi, anh Tuấn là một người chồng vĩ đại, đã dành hết mọi khó khăn vào mình chỉ để được sống cùng người vợ không lành lặn như tôi…”- chị Diễm chia sẻ về tình yêu cổ tích của mình

Hiện anh Lâm Thanh Tuấn (39 tuổi) và chị Nguyễn Kiều Diễm (31 tuổi) cùng nhau bán vé số ở các tuyến đường TP Vĩnh Long. Lúc rảnh rỗi, vợ chồng họ xếp những tờ vé số cũ làm những con vật khác nhau, với giá bán vài chục ngàn đồng. Hy vọng của anh chị là mong có nhiều người đến mua vé số, để có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình, nuôi con ngày càng khôn lớn…

 

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY