Chuyện xưa, tích cũ ở Côn Lôn

09:05, 03/05/2018

Trước thế kỷ XIX, Côn Đảo có tên là Côn Lôn. Quần đảo này nằm ở ngoài khơi biển Đông thuộc Nam bộ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý theo đường biển. 

Trước thế kỷ XIX, Côn Đảo có tên là Côn Lôn. Quần đảo này nằm ở ngoài khơi biển Đông thuộc Nam bộ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý theo đường biển. 

Trước năm 1975, ra vào Côn Đảo chỉ có tàu quân sự chuyên chở tù nhân và hàng hóa thiết yếu; vì đây là nơi chính quyền địch lưu đày, giam giữ các chiến sĩ cách mạng ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ngà​y nay, Côn Đảo nổi tiếng là điểm đến lịch sử với những câu chuyện về sự hy sinh, lò​ng quả cảm của những người yêu nước. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những câu chuyện dân gian, cho thấy những khía cạnh khác của Côn Lôn.

Một góc Côn Đảo.
Một góc Côn Đảo.

Bà Phi Yến, Hoàng tử Cải

Ở Côn Đảo có hai địa danh nổi tiếng là Miếu Bà còn gọi là An Sơn Miếu và Miếu Cậu. Miếu Bà là nơi thờ Bà Phi Yến, tên tục là Lê Thị Răm; còn Miếu Cậu là nơi thờ Hoàng tử Hội An, tên tục là Cải, con của Bà Phi Yến với Chúa Nguyễn Ánh.

Cuối mùa thu năm 1783, Chúa Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng, trong đó có vợ thứ là Bà Phi Yến, bôn tẩu ra Côn Đảo tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn.

Ông có ý định đưa hoàng tử Cải tháp tùng theo phái đoàn sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến không bằng lòng và khuyên nhủ Chúa không nên cậy nhờ ngoại bang. Những lời khuyên ấy bị nghi ngờ có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn, nên bà bị giam trong một hang đá ở Hòn Bà.

Nghe tin quân Tây Sơn sắp đến gần đảo Côn Lôn, Chúa Nguyễn Ánh đã cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc.

Thuyền rời bến, hoàng tử Cải lúc bấy giờ chỉ mới 5 tuổi, không thấy mẹ đâu nên khóc lóc thảm thiết và bị bỏ lại. Hoàng tử Cải chết, xác cậu trôi giạt vào bãi San hô.

Người dân trong làng Cỏ Ống đã đem thi thể cậu chôn giữa một khu rừng gần bãi Đầm Trầu ngày nay.

Phần Bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu ra khỏi hang động ờ Hòn Bà, bà đứng hoài trước mộ con và khóc nức nở. Dân gian cám cảnh, hát ví lưu truyền đến ngày nay: “Gió đưa cây Cải về trời / Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”. 

Những câu chuyện dân gian Côn Đảo kể rằng, sau khi an táng hoàng tử Cải, Bà Phi Yến được dân làng cất một ngôi nhà nhỏ gần mộ con để chăm sóc, nhang khói cho cậu.

Một hôm, làng An Hải có cuộc đàn chay rất lớn, họ cử một bô lão cùng bốn dân phu đến làng Cỏ Ống để thỉnh bà về.

Lúc ấy bà mới 25 tuổi. Tên đồ tể của làng An Hải là Biện Thi chờ lúc bà đang ngon giấc, thì giả say rồi lén chui vào phòng bà. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình thức dậy và tri hô.

Bà Phi Yến đã tự chặt đứt cánh tay rồi sau đó tự vẫn để vẹn toàn danh tiết. Dân làng Cỏ Ống nghe tin nổi giận và sang An Hải vấn tội.  Làng An Hải làm heo tạ lỗi và giao Biện Thi cho làng Cỏ Ống định đoạt.

Miếu Bà Phi Yến.
Miếu Bà Phi Yến.

Sự tích Hòn Tài, Hòn Trác

Ở chính diện đảo Côn Lôn về phía biển, có hai hòn đảo lớn nhỏ nằm cách không xa nhau lắm, đó là Hòn Tài và Hòn Trác. Dân gian kể rằng thời Pháp thuộc, Côn Lôn là nơi đày ải biệt xứ những người yêu nước, tội phạm của triều đình.

Ban đầu, tù phạm được ra làm rẫy, lao động, sinh sống với nhân dân sở tại. Khi mãn hạn, người bị lưu đày có thể kết hôn, lập nghiệp trên đảo lâu dài.

Khi phong trào Cần Vương thất bại, Vua Hàm Nghi bị lưu đày sang Algeria. Trong những tùy tùng theo nhà vua có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước là Đặng Phong Tài và Đặng Trác Vân, cũng bị bắt ở thời điểm khác nhau.

Ông Tài bị đày ra Côn Đảo mùa đông năm 1889 và như nói ở trên, chế độ nhà tù lúc ấy cho ông Tài được lấy vợ ở làng An Hải, tên là Đào Minh Nguyệt. Cha Nguyệt là hương cả của làng An Hải đã cho vợ chồng ông Tài một khu vườn ở ấp An Hội để sinh sống.  

Đến khi ông Đặng Trác Vân cũng bị đày ra Côn Đảo, niềm vui đoàn tụ với người anh Đặng Phong Tài chưa trọn thì gặp phải tình huống khó xử khi người chị dâu lầm lẫn do hai anh em giống nhau như tạc. Để tránh xào xáo gia đình, ông Trác Vân kết bè sang một hòn đảo nhỏ nằm phía trước đảo Côn Lôn.

Ông Tài thương em lặn lội tìm kiếm, nhưng khi đến nơi thì người em đã né tránh sang một hòn đảo khác, thành ra hai anh em lại ở hai nơi.

Dân gian cảm tác tâm trạng của nàng Nguyệt gặp cảnh bẽ bàng: “Ai sang hòn Trác, hòn Tài / Cho em xin gửi một vài câu thơ / Đêm sương gió lặng sao mờ / Trăng khuya khuất bóng vẫn chờ đợi mây / Chừng nào núi Chúa hết cây / Côn Lôn hết đá dạ này hết thương”.

Hòn Cau, Bãi Đầm Trầu

Dân gian kể rằng ở làng Cỏ Ống, Côn Lôn xưa, gia đình ngư dân Trúc Văn Câu sống hạnh phúc và có cậu con trai Trúc Văn Cau nổi tiếng thông minh, tài hoa nhất làng.

Cạnh làng bên cũng có cô Mai Thị Trầu là con gái của ông Đinh và bà Bèo; nức tiếng xinh đẹp, nết na. Cả hai tình cờ gặp, phải lòng nhau và hứa hẹn trăm năm.

Tuy nhiên, khi hai gia đình giáp mặt, mới vỡ lẽ Trầu là em gái cùng cha khác mẹ của Cau, do trước khi về với ông Đinh, mẹ của Trầu đã có một đoạn tình cảm cùng ông Câu.

Hổ thẹn vì chuyện tư thông của người lớn và đau khổ vì chuyện tình cảm éo le, chàng Cau bỏ xứ ra đi, thả bè trôi qua hòn đảo nhỏ cách làng Cỏ Ống hơn mười dặm. Đó là Hòn Cau ngày nay. Còn Trầu trầm mình tự vẫn tại một đầm nước gần bãi biển, ngày nay có tên là Đầm Trầu.       

***

Ngày nay Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo, lần lượt lớn đến nhỏ: Côn Lôn (Côn Sơn), Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bông Lan, Hòn Vung, Hòn Ngọc Trai, Hòn Trứng, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trứng Lớn, Hòn Trứng Nhỏ.

Sức hấp dẫn của Côn Đảo không chỉ ở những câu chuyện lịch sử, mà còn ở những bãi biển hoang sơ đẹp tuyệt vời và những truyền thuyết, câu chuyện dân gian để kể cho khách tham quan gần xa.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh