Đồng chí Vũ Kỳ- người có vinh dự được phục vụ Bác trong hơn 20 năm (từ 1945 đến 1969) kể lại rằng lúc sinh thời đã có lần Bác nói đến mong muốn tạo một nền nếp về trồng cây trong nhân dân khắp cả nước mỗi khi tết đến, xuân về thay dần tập quán ăn uống nặng nề và tốn kém như hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng Tết trồng cây. Ảnh: nguồn Internet |
Đồng chí Vũ Kỳ- người có vinh dự được phục vụ Bác trong hơn 20 năm (từ 1945 đến 1969) kể lại rằng lúc sinh thời đã có lần Bác nói đến mong muốn tạo một nền nếp về trồng cây trong nhân dân khắp cả nước mỗi khi tết đến, xuân về thay dần tập quán ăn uống nặng nề và tốn kém như hiện nay.
Có lẽ xuất phát từ mong muốn đó mà Bác đã khởi xướng ra Tết trồng cây và Bác đã chủ động tham gia trồng cây khi có điều kiện. Đi nghỉ hoặc đi thăm nước ngoài một trong những lĩnh vực được Bác quan tâm là môi trường sinh thái ở nước bạn; trong đó tiêu biểu là chuyến Bác đi nghỉ ở Liên Xô (cũ) mùa hè năm 1959.
Bác đã dành thời gian tìm hiểu mô hình kiến trúc đô thị từ xây dựng các đường phố rộng, sạch, đẹp đến tạo môi trường xanh mát với nhiều loại, nhiều lớp cây xanh.
Bác tìm hiểu rất kỹ lợi ích, cách tổ chức trồng và chăm sóc cây và rừng trong thành phố, bảo đảm yêu cầu về môi trường sinh thái và đời sống xã hội. Khi về nước Bác đã gặp các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lúc đó nói lại những điều tai nghe mắt thấy và nhắc nên tổ chức đi tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của bạn.
Từ năm 1959, Bác đã viết một số bài báo với bút danh T.L. và Trần Lực đăng trên báo Nhân dân biểu dương những địa phương, tập thể và cá nhân trồng cây giỏi, phê phán và uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thực hiện Tết trồng cây; đồng thời nêu lên những kinh nghiệm, những bài học hay về chăm sóc cây bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 1/1/1965, Bác tổng kết 5 năm Tết trồng cây với những con số có ý nghĩa: “Tết trồng cây phổ biến từ mùa xuân năm 1960, 5 năm miền Bắc trồng trên 375 triệu cây các loại và trên 200 triệu cây bảo vệ đê biển...”
Bác kết luận bài viết bằng hai câu thơ mang ý nghĩa sâu sắc về trồng cây mà hầu như người dân nào cũng thuộc. Đó là:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Những năm đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học và bom cháy hủy diệt cây cối và những cánh rừng ở miền Nam, Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây vì miền Nam ruột thịt: “...
Trong lúc giặc dã man rải chất độc màu da cam phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng... Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”.
Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề rất khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây.
Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...” Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại (huyện Ba Vì- Hà Tây) là nơi có phong trào trồng cây tốt.
Bác Hồ chăm sóc cây xanh. Ảnh: nguồn Internet |
Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động nghẹn ngào.
Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc tết mọi người. Bác nói: Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi. Năm ấy không ai nghĩ rằng đó là mùa xuân cuối cùng và cũng là cái Tết trồng cây cuối cùng của Bác.
Phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động làm cho đất nước thêm xanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường.
PV (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin