Cột mốc 314 là cột mốc cuối cùng trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở ấp Xà Xía (xã Mỹ Đức, TX Hà Tiên- Kiên Giang). Mang ý nghĩa thiêng liêng như bao cột mốc khác từ Bắc chí Nam, nhưng cột mốc 314 có thêm trọng trách là "nét vẽ" cuối cùng trong "bìa đỏ" của đất nước trên đất liền.
Cột mốc 314 là cột mốc cuối cùng trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở ấp Xà Xía (xã Mỹ Đức, TX Hà Tiên- Kiên Giang). Mang ý nghĩa thiêng liêng như bao cột mốc khác từ Bắc chí Nam, nhưng cột mốc 314 có thêm trọng trách là “nét vẽ” cuối cùng trong “bìa đỏ” của đất nước trên đất liền.
Đồng thời, cột mốc 314 sẽ là điểm khởi đầu, là điểm quy chiếu để mai này phân định rõ ràng đường biên trên biển giữa 2 nước Việt Nam- Campuchia.
Đó là lý do mà từ Xà Xía, chúng tôi phải tiếp tục hành trình xuống tàu ra thăm quần đảo Hải Tặc, thuộc xã đảo Tiên Hải (TX Hà Tiên).
Cột mốc 314- cột mốc cuối miền Tổ quốc. |
Từ cột mốc 314 đến vùng biển lịch sử
Chúng tôi đến Xà Xía khi trời đã về chiều, nhưng cái nắng vẫn còn hầm hập bao trùm một dải biên cương khá tĩnh lặng.
Làm việc với Đồn Biên phòng Hà Tiên, chúng tôi được Thiếu tá Danh Tâm- Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Hà Tiên giới thiệu:
“Trước khi ra thăm cột mốc 314, mình phải ghé nhà rước một con người rất đặc biệt ở đây, vì đã dành ra nửa đời người để bảo vệ, chăm sóc cột mốc ngay từ hồi nơi đó còn là khu vực đầm trũng, ngập nước hoang vu. Đó là cụ Khiêu Kim năm nay đã 86 tuổi rồi”.
Chúng tôi chạy theo con đường đan rộng thênh thang, xa xa phía bên trái với những ngọn núi lô nhô. Đó là Thạch Động, kia là Đá Dựng,... như những pháo đài, bức bình phong sừng sững che chắn nơi địa đầu Tây Nam Tổ quốc.
Trải dài phía dưới là những ruộng lúa nối liền giữa Việt Nam và nước bạn Campuchia. Những đàn bò, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ.
Tiếng Kinh xen lẫn tiếng Khmer, tiếng Việt Nam xen lẫn tiếng Campuchia râm ran những đoạn đường. Một cảm giác ấm áp rất lạ về con đường độc đáo chạy dọc miền biên giới thanh bình, đáng yêu này.
Và rồi, phía trước hiện ra cột mốc 314 thân thương, nổi bật giữa dải rừng đước bao bọc xung quanh, bên cạnh là lá cờ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sóng đôi cùng là cờ Vương quốc Campuchia tung bay phần phật trong gió biển.
Với diện tích gần 400m², cột mốc 314 nổi bật nhờ được ốp đá hoa cương, tôn cao gần 2m, nằm tại địa phận xã Mỹ Đức (TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang- Việt Nam) và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch (huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot- Campuchia).
Sóng biển rì rào xô vào cánh rừng đước mênh mông, như những câu chuyện ngàn năm về những người có công với nước, những người đã chung tay, góp sức bảo vệ biên giới quê hương.
Chúng tôi xúc động chạm tay vào cột mốc, lắng nghe trong huyết quản trào dâng niềm tự hào về đất nước tự ngàn năm, cùng với mấy trăm năm mở cõi.
Và rồi biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu, của những chiến sĩ, người dân ngã xuống, để làm nên “bìa đỏ” của nước nhà.
Gắn bó mấy mươi năm với cột mốc, nhưng hôm nay cụ Khiêu Kim vẫn không giấu được sự hào hứng, khi dẫn dắt chúng tôi về với những tháng năm nơi này còn là khu vực chưa phân định, tình hình phức tạp.
Cụ nói chuyện bằng thứ tiếng Kinh xen lẫn tiếng Khmer (phải nhờ Thiếu tá Danh Tâm dịch lại- PV), lúc chưa thi công cột mốc này đây là vùng trũng quanh năm ngập nước, việc tuần tra gặp nhiều khó khăn, những kẻ xấu lợi dụng qua lại vi phạm pháp luật.
Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của 2 nhà nước, cột mốc được khánh thành có Thủ tướng 2 nước tham dự, có cả đường nhựa tạo điều kiện cho người dân thăm thân nhân, cũng như bộ đội triển khai lực lượng bảo vệ đường biên cột mốc.
Sau khi có đường biên, cột mốc xác định rõ lãnh thổ, người dân chấp hành nghiêm. Hồi trước, đường sá đi lại khó khăn, còn nay có con đường này, nếu bệnh tật ốm đau gì thì được cấp cứu, chuyển đi liền.
Ông Khiêu Kim còn tuyên truyền về ý nghĩa cột mốc cho nhân dân xã mình và bên nước bạn là xã Rus Sây Song Tây (huyện Kom Pong Trach- Campuchia) rằng đây là tài sản chung của 2 quốc gia.
Ông Khiêu Kim có đến 3 người con đang sống ở Campuchia. Ông cười, lấy gậy chỉ qua biên giới như nhắm hướng:
“Tui có 2 con trai và 1 con gái có vợ chồng rồi ở bên Campuchia luôn. Con rể làm nhân viên xã Rus Sây Song Tây, một thằng con trai làm thợ bạc và một thằng con trai nữa làm tài xế xe tải”.
Mỗi tuần, ông Khiêu Kim đều qua Campuchia thăm các con và ở lại đó ít hôm. Ông cũng có nhiều bạn bè và người thân ở đó.
Thiếu tá Danh Tâm cho rằng: Mỗi cột mốc biên giới đều có ý nghĩa thiêng liêng vì nó gắn với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, cột mốc 314 đặc biệt quan trọng bởi đây là cột mốc cuối cùng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tương lai, chính phủ 2 nước thống nhất được thì đường biên giới trên biển sẽ được phân chia và cột mốc này cũng là điểm khởi đầu.
Rời cột mốc cuối cùng của đất liền, chúng tôi lên tàu ra xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc) nơi có 14 hòn đảo còn mang vẻ đẹp hoang sơ và nhiều hòn đảo chưa có người sinh sống.
Gần 1 giờ ngồi tàu, hòn Đốc hiện ra xinh tươi trong nắng sáng. Anh bạn đồng hành hít hà không khí mát mẻ, trong lành của xã đảo như một người “đói không khí sạch lâu năm”.
Người người xuống tàu, những công trình đang thi công và tiếng máy xúc sầm sập, một người trên tàu nhảy tót xuống bến, nói một câu trổng không, như nói với chính mình: “Mới mấy năm không gặp, hòn Đốc phát triển nhiều quá!”
Tổ quốc nơi biển, đảo
Cột mốc chủ quyền nước Việt Nam được khẳng định ở quần đảo Hải Tặc, từ năm 1958. |
Đón chúng tôi là các anh Đồn trưởng, Đồn phó và Chính trị viên Đồn Biên phòng Tiên Hải. Trong cái nắng gắt như lửa của những ngày hè, phía trước là hồ chứa nước mưa dùng để sử dụng cho toàn dân trên đảo, chúng tôi phần nào thấm thía được những khó khăn của các anh khi làm nhiệm vụ nơi đây.
Thượng tá Nguyễn Trung Việt- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tiên Hải- cho biết, ở xã đảo, bộ đội biên phòng cùng với Trạm ra đa 625 và người dân tạo thành thế trận an ninh quốc phòng toàn dân, toàn diện, bảo đảm tuyệt đối sự bình yên cả một vùng biển, cho ngư dân vững lòng ra khơi, ngày đêm bám biển.
Biển giàu có cỡ nào đánh bắt miết rồi cũng cạn kiệt, như lời tâm sự của anh Chín: “Đời tui làm nghề lặn ốc gần 30 năm rồi, giờ nhảy lên bờ thôi, phần lớn tuổi, phần nghề lặn gian nan nguy hiểm, mà ngư trường ngày càng chật chội.
Chiếc ghe lặn trị giá hàng trăm triệu cho các bạn lặn thuê, về chia ra, ghe mình được một phần”. Khó là thế, nhưng “cứ nhảy xuống biển là có tiền”, mỗi bạn lặn kiếm tầm 15 đến 20 triệu đồng/tháng là cầm chắc.
Do đó, để chủ động nguồn cung hải sản cho thị trường, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên biển, nhiều ngư dân trên đảo đã chuyển hướng nuôi cá lồng bè.
Nghề nuôi cá lồng bè phát triển mạnh ở quần đảo Nam Du. Còn ở hòn Đốc thì nghề nuôi cá bè xuất hiện muộn hơn. Người đầu tiên mang nghề này về đây là ông Hồng Xuân Thân (Ba Thân, 58 tuổi).
Ngồi bên bãi biển, ngóng nhìn ra những hòn, đảo xa xa, Ba Thân tâm tình về cuộc đời trôi dạt của mình từ đất liền ra biển đảo này.
Hồi 10 tuổi, Ba Thân đã theo gia đình ra hòn Đốc làm ăn. Lớn lên bám trụ trên đảo này, ông đã trải qua biết bao là gian nan, cơ cực.
Nhớ cái thuở còn nhỏ xíu theo má chèo xuồng qua tận hòn Giang chở về từng thùng nước ngọt, có trận sóng gió nổi lên trong đêm tối mịt mù, tưởng đã bỏ mạng ngoài biển.
Rồi làm đủ thứ nghề từ đi ghe cào bay, đi câu, đi lặn, cho đến làm thợ sửa máy. Hơn 10 năm trước, Ba Thân quyết định “vét túi” đầu tư lồng bè nuôi cá bớp, cá mú.
Chỉ từ 2 bè cá ban đầu, sau hơn 10 năm bám nghề, hiện nay đã có 30 lồng bè, sẵn sàng xuất cá cho nhu cầu thị trường.
“Với chi phí mỗi lồng bè là khoảng 25 triệu đồng chưa tính cá giống, hiện nay, nếu giá từ 90.000 đ/kg trở lên (đối với cá bớp), người dân đã có lời.
Hơn nữa, hiện nay, mô hình nuôi xoay vòng sẽ đáp ứng được nhu cầu cả năm của thị trường. Qua đó, tránh tình trạng được mùa mất giá và ngược lại.
Có thể nói, nghề nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao hơn nhiều so với nghề đi biển, nếu người nuôi ứng dụng được khoa học kỹ thuật và đón đầu được nhu cầu thị trường tiêu thụ…”.
Câu chuyện làm ăn, bám đảo, bám biển của bà con trên quần đảo Hải Tặc này còn dẫn dắt chúng tôi qua thăm hòn Giang, hòn Ụ, đảo một vòng qua các hòn Tre Vinh, hòn Đước, hòn Bánh Ít... có hòn chỉ là một mỏm đá nhô lên với chòm cây hoang dại nhưng sao cảm thấy trong lòng rưng rưng niềm thương cảm.
Một đảo lớn, đảo nhỏ, một hòn chìm, đá nổi... tất cả, tất cả đều là Tổ quốc thiêng liêng giữa trời nước mênh mông này. Ở đó, những người dân tựa vào nhau mưu sinh, cùng với bộ đội biên phòng và các lực lượng hải quân ngày đêm canh giữ bầu trời, vùng biển đảo thân yêu.
Câu chuyện chưa bao giờ dứt, dù đã bao lần chúng tôi đến đây với tâm trạng háo hức, rồi cũng bấy nhiều lần bồi hồi, lưu luyến phút chia tay về đất liền với bao nhiêu nhớ thương kỷ niệm.
Tiếng còi tàu Minh Nga thúc giục chuyến tàu về TX Hà Tiên, mỗi ngày 2 chuyến 9 giờ sáng và 14 giờ chiều. Rời xã đảo, chúng tôi mỗi người nhặt mấy viên sỏi đem về, trân quý như bảo vật. Vật quý không bởi giá trị của nó, quý bởi vị trí nó ở là biển đảo quê hương.
Chúng tôi thêm yêu cái tình đôn hậu hiền hòa mến khách của người dân ở vùng đất thiêng liêng này. Yêu những hòn đảo nổi chìm, lớn nhỏ,...
Tạm khép lại hành trình dọc miền phên giậu Tây Nam Tổ quốc, lòng hẹn ngày trở lại đầy đặn hơn, tình cảm càng sâu nặng hơn.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN- KHÁNH DUY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin