Kỳ cuối: Tình xuân nơi đảo xa mênh mông tới đất liền

12:01, 20/01/2017

Chuyến tàu mùa xuân đã đi giáp một vòng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đó là một hành trình đầy trải nghiệm ấn tượng, vô cùng ý nghĩa và rất đỗi tự hào.

Bãi Ngự (quần đảo Nam Du) mùa xuân yên bình.
Bãi Ngự (quần đảo Nam Du) mùa xuân yên bình.

Nhìn trên bản đồ lịch trình, từ điểm xuất phát đảo Phú Quốc tới đảo Thổ Chu, hòn Khoai là 2 hành trình dài, đi trong sóng to gió lớn; thì từ hòn Khoai hải trình đã “xuôi dòng” tới hòn Chuối, Nam Du và bây giờ quần đảo "Hải Tặc" đã là điểm đến cuối.

Chuyến tàu mùa xuân đã đi giáp một vòng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đó là một hành trình đầy trải nghiệm ấn tượng, vô cùng ý nghĩa và rất đỗi tự hào.

Du lịch giữa quần đảo "Hải Tặc"

Từ cầu cảng Hòn Đốc, đoạn đường gần 2km lên Trạm Ra đa 625 đi qua xóm làng sung túc, những bãi biển yên ả dưới bóng dừa, những vạt bông cỏ lau, hoa rừng chen nhau…

Phóng viên trò chuyện với các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo
Phóng viên trò chuyện với các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo "Hải Tặc".

Khi chúng tôi tới, cán bộ và chiến sĩ Trạm Ra đa đã trang phục chỉnh tề, ngay hàng thẳng lối dưới cột cờ chuẩn bị làm lễ chào cờ. Tiếng hát quốc ca vang rền và lá cờ đỏ sao vàng kéo lên giữa biển trời Tổ quốc thật gần gũi và thiêng liêng vô cùng.

Được hỏi cảm xúc khi hát quốc ca trên đảo, đồng chí Lê Ngọc Khánh- phụ trách Trạm Ra đa 625 bảo rằng: “Tôi hạnh phúc. Khi đứng dưới quốc kỳ hát quốc ca tôi rất tự hào là công dân Việt Nam và được mặc bộ quân phục áo lính phục vụ nhân dân. Điều đó làm cho tôi thấy mình có trách nhiệm với nhiệm vụ thiêng liêng giữ vững bình yên biên cương, chủ quyền biển, đảo quê hương”.

Có lẽ vì vậy mà khi đến với hòn đảo này, chúng tôi có cảm giác thật thanh bình. Mặc dù quần đảo Hải Tặc từng được biết đến với những giai thoại cướp biển ly kỳ của hơn 400 năm trước với các toán cướp có biệt danh “Cánh buồm đen” bất ngờ xuất hiện như từ dưới biển chui lên, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay.

Nhưng ngày nay, quần đảo Hải Tặc không còn là nơi đáng sợ và là vùng đất lạ, mà đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, làm say mê du khách.

Theo ông Tăng Hồng Phước- Chủ tịch UBND xã Tiên Hải (TX Hà Tiên- Kiên Giang), xã đảo có 330 hộ dân sống bằng nghề biển.

Đến nay, hệ thống điện, đường, trường trạm trên đảo đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển kinh tế.

Trong đó, phải kể đến phát triển du lịch, trong năm qua đã đón trên 45.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Góp phần giúp xã đảo tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân với các dịch vụ du lịch nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn…

Không có nhiều thời gian ở lại đảo "Hải Tặc" hôm nay, chúng tôi nhất định sẽ trở lại làm khách du lịch của quần đảo này.

“Bà con yên tâm, chúng tôi luôn sẵn sàng”

Rời quần đảo "Hải Tặc", chuyến tàu trở về Phú Quốc có thêm vài vị khách mới là các chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ được xuất ngũ về quê ăn tết.

Chiến sĩ trẻ Hồ Nguyên rưng rưng: “Thời gian ở trên đảo, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi còn xuống bãi giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Người dân rất thương, tin tưởng bộ đội, nên mình phải luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao”. Tình cảm thật chân thành đó cũng là quyết tâm của những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển, đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Đại úy Đinh Văn Phong- Trạm Trưởng Trạm Ra đa 600 (trên đảo Nam Du) nói chắc nịch: “Chúng tôi xin chúc bà con sức khỏe, hạnh phúc nhiều may mắn trong năm mới. Chúng tôi xin hứa đoàn kết, khắc phục khó khăn, cầm chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bà con yên tâm”.

Cảm kích trước tình cảm của người dân đất liền, Thượng tá Dương Đức Mười- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 512 (trên đảo Thổ Chu), nói:

“Sự quan tâm, cổ vũ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân chính là động lực thôi thúc chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa tiếp nối truyền thống cha anh.

Dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, vẫn luôn chắc tay súng, vững niềm tin vì chúng tôi có hậu phương vững chắc đó là gia đình, là người dân nơi đất liền luôn ở rất gần bên mình”.

Chút tình gửi anh ngoài đảo xa

Trước khi rời tàu 637 kết thúc hành trình, lãnh đạo và chiến sĩ trên tàu đã chiêu đãi chúng tôi bữa tiệc “ăn tết trên tàu” thật ấm áp và trao nhau những cái bắt tay thật chặt như gửi trọn niềm tin yêu, tình cảm của người dân đất liền.

Cô phóng viên trẻ Kim Chi- Báo Cà Mau, nói “tôi thật may mắn” khi lần đầu tiên được tham gia với đoàn công tác trên hành trình mùa xuân này.

“Hành trình chỉ 7 ngày ngắn ngủi nhưng với tôi đó là một trải nghiệm sâu sắc, để lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Ấn tượng khó quên nhất không chỉ là vẻ đẹp tự nhiên, bình yên của biển, đảo quê hương Việt Nam mà chính là hình ảnh vững vàng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Hình ảnh các anh vững vàng tay súng ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo là hình ảnh anh hùng trong lòng tôi”- mà cảm xúc rất thật đó được rút gọn là: Tôi yêu chiến sĩ Hải quân”- phóng viên Kim Chi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cũng thổ lộ: “Chuyến công tác này, mỗi ngày tôi càng có thêm nhiều tình cảm rất quý, thấy mình như một người con xa quê được trở về biển, đảo quê hương.

Đáng nhớ nhất là những bữa cơm tình đồng chí, đồng đội, quân- dân nơi đảo xa thể hiện tình đoàn kết gắn bó.

Chúng tôi mang cả tấm lòng của Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, người dân đất liền ra ngoài đảo xa. Kính chúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biển, đảo thân yêu một mùa xuân ý nghĩa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng của mình”.

Trong khi đó, ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long- bảo ông rất ấn tượng mối quan hệ gắn bó của quân và dân nơi biển, đảo cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ chủ quyền biển đảo biên cương.

Ông mang rất nhiều tình cảm của người dân đất liền ra biển, đảo và cả tình cảm trong sáng của cô cháu gái 6 tuổi nhờ ông chuyển đến các chú bộ đội, mà “cháu nội tui biểu phải hát cho các chú bộ đội nghe”: “Cháu thương chú bộ đội/ Canh giữ ngoài đảo xa/ Cho chúng cháu ở nhà/ Có mùa xuân nở hoa”.

Chúng tôi cũng xin mượn lời hát ý nghĩa đó như một lời tạm biệt và chúc tết gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo Tây Nam.

 

Đại tá Tạ Quang Nam- Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân

 

Vùng biển Tây Nam tương đối ổn định, song vẫn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây bất ổn. Do đó, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang bước vào một giai đoạn mới, nặng nề và phức tạp hơn.

 

Hàng năm, các địa phương ĐBSCL đều tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Tây Nam, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 vượt qua khó khăn, yên tâm gắn bó với biển, đảo; thể hiện sự chung sức, chung lòng quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- DƯƠNG THU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh