Ký sự Hành trình mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam

Kỳ 3: Lên rừng, xuống biển ở hòn Khoai, Nam Du

Cập nhật, 05:25, Thứ Tư, 18/01/2017 (GMT+7)

Hải trình Thổ Chu- hòn Khoai dài nhất hành trình mùa xuân với khoảng 100 hải lý (180km). Thời tiết không thuận lợi, tàu cập bến chậm hơn 3 tiếng đồng hồ so dự kiến. Nhưng giữa đảo biển xanh, tết sớm đã về…

Một khu du lịch mới mở trên quần đảo Nam Du.
Một khu du lịch mới mở trên quần đảo Nam Du.

 

Ăn tết sớm trên hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc

Buổi sáng trên biển trời nhiều mây âm u. Chúng tôi được phục vụ món phở bò trên tàu, được các chiến sĩ nỗ lực bưng từ nhà bếp ra boong tàu như diễn viên xiếc giữ thăng bằng không để sóng làm đổ và gió bay… tô phở đi. Ai cũng xuýt xoa: đó là tô phở ngon nhất thế giới từng được ăn.

Hòn Khoai (thuộc huyện Ngọc Hiển- Cà Mau) là một cụm đảo gồm 5 đảo cận kề nhau là hòn Khoai, hòn Sao, hòn Đồi Mồi, hòn Quy, hòn Đá Lẻ.

Trong đó hòn Khoai lớn nhất với diện tích 4,2km2. Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã.

Do chưa có cầu cảng, nên từ tàu chúng tôi phải tăng-po 2 chuyến tàu nhỏ hơn. Nơi chúng tôi đặt chân đầu tiên là một bãi đá tảng cheo leo vách núi, nằm cạnh bãi đá cuội hình thù tròn trĩnh, ngộ nghĩnh như quả trứng…

Rồi men đường rừng tới Đồn Biên phòng Hòn Khoai và “trung chuyển” bằng xe ben (được gọi vui là “taxi ben” Hòn Khoai) ngược dốc đứng lên ngọn hải đăng, Trạm Ra đa 595.

Hải đăng Hòn Khoai là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể chiêm ngưỡng mũi đất tận cùng của Tổ quốc.

 

Chiến sĩ trang trí bàn thờ tết trên hòn Khoai.
Chiến sĩ trang trí bàn thờ tết trên hòn Khoai.

Nơi tôn nghiêm nhất của hội trường Trạm Ra đa 595 trang trọng hình ảnh Bác Hồ, lá cờ Tổ quốc, các chiến sĩ đang trưng bày mâm ngũ quả, bánh chưng, bình hoa dừa, cành cây gắn bông mai giả tươi tắn… Không khí tết đã tràn ngập nơi đảo xa.

Xung quanh Trạm Ra đa 595 là vườn rau xanh tốt, được các chiến sĩ chăm sóc để chủ động nguồn rau xanh. Trên đảo tận dụng nước mưa trữ lại ăn uống, sinh hoạt và dùng hết sức tiết kiệm. Nên nước sinh hoạt được trữ lại bồn chứa lớn để tận dụng tưới rau.

Thượng úy Nguyễn Minh Mạng- Chính trị viên Trạm Ra đa 595, cho biết trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Giữ vững ổn định chủ quyền an ninh biên giới, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ tốt công tác chỉ huy, chỉ đạo và phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn.

“Đơn vị năm nào cũng tổ chức cho anh em ăn tết trên đảo, tổ chức gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ, thể thao… đón tết hào hứng và ý nghĩa. Ăn tết trên đảo vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đối với chúng tôi là nhiệm vụ rất thiêng liêng”- Thượng úy Nguyễn Minh Mạng chia sẻ.

Tinh thần đó đã góp phần thúc đẩy hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc phát triển lên tầm cao mới. Hòn Khoai đang ra sức để trở thành khu du lịch sinh thái và một trong những dự án tham vọng lớn là Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai- được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với việc đầu tư Khu kinh tế Năm Căn, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Nam Du-đảo du lịch rộn ràng

Phát triển kinh tế biển đảo gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng đang là hướng mở trong xu thế hợp tác, hội nhập thế giới.

Có thể cảm nhận sự đổi thay lớn lao đó khi chúng tôi dừng chân ở Nam Du, hòn đảo du lịch “mới nổi” của vùng biển Tây Nam. Nam Du đón tàu chúng tôi với phiên chợ đêm nhộn nhịp ngay cầu cảng và chúng tôi có dịp “lên bờ” hòa vào nhịp sống rộn ràng nơi bến cảng, uống cà phê, thưởng thức ẩm thực trên đảo về đêm.

So với vài năm về trước, du khách tới quần đảo Nam Du còn thiếu thốn nhiều, thì hôm nay, chúng tôi nhận thấy hòn đảo này khác hẳn. Nhiều nhà nghỉ vừa được xây mới, các khu khách sạn ven biển mọc lên, đang trong quá trình hoàn thiện.

Tuy chưa có điện lưới quốc gia, nhưng điện phục vụ sinh hoạt cho người dân, khách du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tiềm năng phát triển du lịch của Nam Du còn rất lớn với những cảnh quan, bãi biển đẹp hoang sơ, nguồn thủy hải sản tươi sống dồi dào.

Ông Phạm Thanh Việt- Chủ tịch UBND xã An Sơn- cho biết, được sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương và địa phương, từ năm 2016 đường lộ quanh xã đã được đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

Bà con xã đảo rất phấn khởi. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động du lịch phát triển mạnh. Dù đến nay vẫn là du lịch tự phát, nhưng trong năm 2016 Nam Du đã đón hơn 76.000 lượt khách trong nước.

“Kinh tế du lịch phát triển góp phần nâng cao đời sống người dân, hiện thu nhập người dân đạt 35 triệu đồng/người và phấn đấu đạt 40 triệu đồng/người/năm vào năm 2020”- ông Phạm Thanh Việt vui vẻ nói.

Đẹp vô cùng biển, đảo Nam Du.
Đẹp vô cùng biển, đảo Nam Du.

Đại úy Đinh Văn Phong- Trạm trưởng Trạm Ra đa 600- bảo rằng: “Chúng tôi gửi đến bà con đất liền lời chúc sức khỏe, hạnh phúc nhiều may mắn trong năm mới.

Chúng tôi- cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi đầu sóng ngọn gió- xin hứa đoàn kết khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Qua đó, giúp bà con yên tâm làm ăn, thuận lợi phát triển kinh tế”.

Tết yên bình nơi đầu sóng ngọn gió với tình cảm, tin yêu của người dân đất liền gửi tới các anh chiến sĩ mà đoàn chúng tôi mang tới càng có ý nghĩa, ấm áp hơn. Hoàng hôn biển Nam Du thật tráng lệ, huy hoàng, khiến nhiều người trong chúng tôi vui sướng phải thốt lên: Đẹp vô cùng biển, đảo quê ta ơi!

 

Quần đảo Nam Du thuộc địa phận huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang bao gồm 21 đảo lớn nhỏ với 2 xã đảo An Sơn và Nam Du. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và buôn bán nhỏ. Thời gian gần đây, phát triển du lịch. Đoàn công tác đã gửi lời hỏi thăm ân cần đến toàn bộ các cán bộ, chiến sĩ tại Trạm Ra đa 600; Trạm Hải đăng Nam Du và nhân dân trên quần đảo Nam Du một mùa xuân ấm áp, sung túc và tươi vui.

 

>> Kỳ sau: Những mầm xanh hòn Chuối

 Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- DƯƠNG THU