Kỳ 4: Những mầm xanh hòn Chuối

12:01, 19/01/2017

Vượt 303 bậc thang đá dựng đứng lên Trạm Ra đa 615 hòn Chuối muốn… hụt hơi. Nhưng câu chuyện của thầy giáo Thượng úy Trần Bình Phục cùng nụ cười trong trẻo của các em nhỏ như giúp chúng tôi đón làn gió tươi mát. Ở nơi đảo xa đời sống còn nhiều vất vả này, tình quân- dân vô cùng gắn bó…

Vượt 303 bậc thang đá dựng đứng lên Trạm Ra đa 615 hòn Chuối muốn… hụt hơi. Nhưng câu chuyện của thầy giáo Thượng úy Trần Bình Phục cùng nụ cười trong trẻo của các em nhỏ như giúp chúng tôi đón làn gió tươi mát. Ở nơi đảo xa đời sống còn nhiều vất vả này, tình quân- dân vô cùng gắn bó…

Thầy giáo Phục và các em nhỏ trên hòn Chuối đã nắm tay nhau, cố gắng vượt qua khó khăn đến trường học chữ.
Thầy giáo Phục và các em nhỏ trên hòn Chuối đã nắm tay nhau, cố gắng vượt qua khó khăn đến trường học chữ.

Đi hết các bậc thang, bắt gặp xóm nhỏ vài ngôi nhà ở gần đỉnh hòn đảo và cạnh đó là trường học tình thương hòn Chuối. Ngày Chủ nhật nên thầy giáo và học sinh không tới lớp, chúng tôi gặp nhau… nơi bìa rừng!

Lớp học “5 trong 1” của thầy Phục

Cậu bé Quách Long Tứ nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện và gương mặt lanh lợi “tự giới thiệu”: Năm nay học lớp 8, ở Sông Đốc ra đảo hơn 1 năm. Cha em làm nghề vác dầu, hàng hóa từ bãi gành lên đảo.

Em là học sinh lớn nhất và duy nhất của lớp 8. Em là học trò của thầy Phục và cũng là thầy giáo dạy Toán, Tiếng Việt cho các em nhỏ lớp 1, 2. Long Tứ cũng là người đưa chúng tôi đi gặp thầy Phục và các bạn.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi và Thượng úy Trần Bình Phục- cán bộ Đồn Biên phòng hòn Chuối- dưới tán cây nơi bìa rừng.

Trong giọng nói rắn rỏi mà gần gũi, thầy Phục thông báo vừa hoàn thành ngôi trường mới với sự nỗ lực của những người lính và lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã vận chuyển hơn 500 tấn vật liệu xây dựng lên gần đỉnh hòn ở độ cao 135m và sau hơn 4 tháng xây dựng lớp học, ngôi trường được hoàn thành trong niềm vui khôn tả.

Thầy Phục xin ra đảo công tác hơn 7 năm qua, vì thích biển và yêu đảo. “Tôi mang ra đây 3 nguyện vọng là: giúp người dân chuyển biến nhận thức rằng việc học là quan trọng để thay đổi cuộc đời; đảo có ngôi trường đàng hoàng và được xã hội thừa nhận; các em có giáo viên dạy học thực thụ đúng nghĩa. Đến giờ, nguyện vọng 1 đã đạt được, nguyện vọng 2 cũng cơ bản rồi”.

Lớp học của thầy Phục hiện có 22 em, là mô hình lắp ghép 5 nhóm lớp: 8, 5, 3, 2 và lớp 1. Những ngày đầu tiếp quảng lớp học, vận động các em nhỏ tới lớp vô cùng khó khăn, vì việc đi học đối với người dân trên đảo rất xa lạ.

 

 

Em Quách Long Tứ: “Ở trường có 22 bạn học cùng một lớp. Mình con học lớp 8 thầy Phục dạy. Con cũng giúp thầy dạy các bạn lớp 1, 2 làm toán, học tiếng Việt”.

 

Nhiều hôm trời mưa gió, thầy Phục phải xuống bãi cõng lần lần 2- 3 học trò nhỏ lên lớp. Có trường hợp đặc biệt như em Đậu Yến Nhi bị chậm phát triển, nhờ thầy kiên trì đến nay “con Nhi đọc được chữ rồi, đưa sách gì cũng đọc” trong sự vui sướng vô cùng của cha mẹ.

Thầy không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn dạy nhân cách sống, sinh hoạt hàng ngày. Mỗi lần nghỉ phép vô đất liền thầy dành gần hết thời gian tìm giáo án mới, xin sách vở cho học trò.

Sự cần mẫn, hết lòng của thầy Phục đã nâng bước nhiều học sinh xã đảo tiến xa hơn trên con đường học vấn. Thầy Phục nhẩm tính thời gian qua đã có hơn 10 em vào đất liền tiếp tục học lên. Như em Nguyễn Duy Tuấn đang học đại học năm 3, hay bé Như học lớp 9 luôn là học sinh giỏi…

Điều đó là động lực để thầy tiếp tục sứ mạng của một người lính, dạy học không chỉ bằng trách nhiệm của tổ chức phân công, mà bằng cả danh dự và tình cảm với cả một thế hệ trẻ em nơi biển, đảo…

Bởi vì: “Tôi muốn cuộc đời các em thay đổi. Tôi muốn ánh mắt các em không còn nước mắt mà thay vào đó là nụ cười tự tin vào sau này tương lai tốt đẹp hơn”- thầy Phục nói. Trong thâm tâm người thầy, thầy Phục vẫn muốn các em có một giáo viên thực thụ và học bạ các em được thừa nhận khi các em vào đất liền tiếp tục học.

 

Thầy Phục tâm sự: “Nếu không thương mấy đứa nhỏ thì chắc tôi bỏ đi lâu rồi. Nhiều lúc nhìn thấy ánh mắt trong veo, khuôn mặt đen sì của các em lục đục kéo lên đồn biên phòng nói “thầy đừng bỏ tụi con nghen”… Tôi thương quá.

Tình quân- dân nơi đảo xa

Hòn Chuối có 3 gành: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm, người dân thường chuyển nhà ở theo mùa.

Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng. Và ngược lại, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, cộng đồng lại gồng gánh nhau về gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam.

Đại úy Hồ Hữu Nghĩa- Trạm trưởng Trạm Ra đa 615, Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân- cho rằng ở đây thời tiết khắc nghiệt nhưng các đơn vị đóng quân trên đảo luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Ngoài ra, chiến sĩ trên đảo còn giúp người dân chuyển gành dựng nhà lúc giao mùa và cung cấp đủ nguồn nước ngọt cho bà con trên đảo.

Bộ đội và người dân trên đảo rất gắn bó, như cách nói giản dị của người dân: dân thiếu gì chạy lên xin bộ đội, còn bộ đội cần gì nhờ dân cũng giúp.

Chẳng hạn, khi hay tin đoàn công tác của chúng tôi lên ăn tết cùng các đơn vị, rất nhiều người dân “dưới gành” chạy lên giúp một tay nấu nướng, tiếp đãi khách.

Còn các em nhỏ coi Trạm Ra đa 615 như nhà mình, 5- 7 em túm tụm vào cái màn hình điện thoại xem phim hoạt hình, chơi game vì “trên đây có điện”. Ngày nghỉ các em cứ chạy lên trạm chơi đùa thoải mái.

Đại úy Hồ Hữu Nghĩa hỏi thăm tình hình đời sống người dân trên đảo.
Đại úy Hồ Hữu Nghĩa hỏi thăm tình hình đời sống người dân trên đảo.

Ông Lê Văn Phương- Tổ trưởng Tổ tự quản hòn Chuối, cho biết đảo có 54 hộ dân với 125 nhân khẩu, tuy điều kiện thời tiết “quê em 2 mùa mưa nắng” còn nhiều khó khăn, nhưng bà con rất yên tâm bám biển, phát triển kinh tế gia đình.

Nhất là những năm gần đây, nghề nuôi cá bớp lồng bè đã giúp đời sống bà con ổn định hơn. “Ở đây tụi tui với mấy anh bộ đội thân lắm. Có chuyện gì cần giúp đỡ là chạy lên mấy anh bộ đội”- ông Phương bảo vậy.

Nghị lực của thầy giáo mang quân hàm xanh và khát vọng của trò, tình quân- dân nơi hải đảo bền chặt, đã cho chúng tôi niềm tin rằng đó là những mầm xanh giúp xã đảo đổi thay tích cực hơn và ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

Hôm nay gió thật êm và biển rất trong xanh, từng lớp sóng xô nhau vào gành đá rì rào, rì rào…

 

Hòn Chuối nằm trong chuỗi hòn nhỏ trên biển Tây Nam, thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Hòn Chuối nằm ở phía Bắc hòn Sơn Rái (Kiên Giang), phía Nam là hòn Khoai. Trong “3 anh em” ấy thì hòn Chuối là em út vì diện tích chỉ 130ha.

Hòn Chuối cách đất liền 17 hải lý, có tiềm năng khai thác biển, dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch.

 

>> Kỳ cuối: Tình xuân nơi đảo xa mênh mông tới đất liền

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- DƯƠNG THU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh