Sẽ không có định nghĩa hoàn toàn cho "cơm bụi" là cơm vỉa hè, cơm hộp ăn lề đường, cơm của người không ăn cơm nhà…
Sẽ không có định nghĩa hoàn toàn cho “cơm bụi” là cơm vỉa hè, cơm hộp ăn lề đường, cơm của người không ăn cơm nhà…
Sẽ không có giới hạn khách hàng của “cơm bụi” là những ai: nhân viên văn phòng, sinh viên, công nhân hay anh thợ hồ, khách đường xa,… Mà những người ăn cơm bụi (bỏ luôn dấu ngoặc kép) gặp tình cờ, như một trưa bụng đói tấp vào quán cơm bụi chỉ đại món kho xào ăn qua quýt cho xong.
Những người ăn cơm bụi không giống nhau. Chắc chắn là khác. Ngay cả trong cùng một con người- anh ta chẳng hạn, hôm nay ăn cơm bụi cũng đã khác ngày hôm qua hay bữa kia bữa hổm ăn cơm bụi.
Nói có vẻ rối, như đứng trước cái tủ kính quán quen thường ngày bày đủ món ăn mà anh ta chẳng biết chọn món nào, bởi món nào thấy… cũng ngán. Ngán nhưng mà phải ăn, vì không ăn thì không no, tức là sẽ đói.
Lại hơi phức tạp nữa, như người khách vãng lai lựa chọn hết quán cơm bụi này đến quán khác, tiệm cơm này kém vệ sinh, tiệm kia vắng quá.
Chạy tới chạy lui, mà hên còn cái quán “ngoài cơm có gì khác hôn chế?” “Bánh canh, hủ tiếu bò, hủ tiếu heo, bún nem nướng, bún bì, bún riêu…”- chủ quán quá thiệt tình phải đổi thái độ “cái thằng cha ưa hổng nổi”, chả kêu “cho dĩa cơm đi!”
Trở về chuyện anh ta chẳng hạn, hôm nay ăn cơm bụi cũng đã khác ngày hôm qua hay bữa kia bữa hổm ăn cơm bụi.
Như thời sinh viên cơm bụi, anh ta kêu chủ quán thiệt thân thiết má Năm, chị Bảy ruột, giả bộ bưng bê, dọn dẹp vài cái dĩa “để con chạy bàn phụ má”… “Trời, đâu mà ở giữa Sài Gòn mày bà con nhóc hết?” “Bắt quàng làm họ mày ơi”- anh ta ranh mãnh.
Nên “má- chị ruột” của anh ta luôn vui vẻ: “Ăn cơm no bụng nhe cưng, thịt rau thoải mái, ăn hết má lấy thêm cho. Tiền bạc lo chi, má con mình mà…” Thời anh đi làm, chủ quán cũng là anh Tư, chị Sáu.
Cơm bụi anh ta luôn vui vẻ vài ba đứa, nay đi bạn gái mai nhóm bạn bè, mốt dắt mối tới cơm bụi “anh- chị ruột”, nên phần cơm anh ta thường chỉ tính tiền phân nửa. Thời trẻ, thời vui, cơm bụi luôn hồn nhiên và ít nghĩ ngợi…
Rồi anh ta “bái bai” không thèm cơm bụi nữa, đã có người đi chợ- nấu- chờ ăn cơm nhà! Vậy là đời… hết bụi nha, haha.
Nhưng những người ăn cơm bụi thì vẫn ăn cơm bụi. Quán cơm bụi vẫn đông đúc, đủ đầy đa dạng khách tới ăn cơm bụi. Cũng có những anh chàng như anh ta kêu chủ quán “má- anh- chị ruột”- trẻ khỏe, vui vẻ.
Cũng có những bàn ăn hai, năm, mười người nói cười vui vẻ- nhiều đồng nghiệp, bạn bè, lính mời sếp đi ăn hoặc sếp trả tiền mời lính đi ăn cùng cho đỡ mắc cỡ. Cũng có những người ngồi lặng lẽ ăn một mình- vì không có ai đi cùng (dĩ nhiên rồi).
Cũng có những người bịt khẩu trang mua vội hộp cơm đem về văn phòng, quán cà phê võng hay góc riêng nào đó (vì tranh thủ vừa ăn vừa chợp mắt một chút, hoặc vì ngại quán xá thắc mắc “ông đó sao cơm bụi mình ên? Phát bực!)… Nói sao cho hết nỗi niềm, nỗi lòng, nỗi e dè… của cơm bụi!
Rồi một ngày kia, những người ăn cơm bụi thấy bóng dáng anh ta ở quán cơm bụi, sau thời gian dài “bái bai” cơm bụi. Lại nhắc như anh ta chẳng hạn, hôm nay ăn cơm bụi cũng đã khác ngày hôm qua hay bữa kia bữa hổm ăn cơm bụi. Bây giờ ăn cơm bụi cũng có cặp có đôi.
Nhưng cũng có những người ăn cơm bụi chỉ ngồi ăn lặng lẽ hay ghé mua vội hộp cơm đem đi. Phải chăng vì đã hết… thời ăn cơm bụi mà vẫn lẩn thẩn đi… ăn bụi, mà những người ăn cơm bụi ngại ngùng. Hay tại- bởi- do ở nhà anh ta hổng có cơm ăn. Nhà hổng có cơm ăn thì phải ăn cơm bụi??? (Ờ, đúng quá, mà huề trớt!)
LAN THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin