Anh là người đang sở hữu bộ quân cờ tướng lớn nhất Việt Nam vừa được Tổ chức Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận ngày 8/4/2016.
Kỷ lục gia Trần Thanh Phương. |
Nếu không có sự dẫn đường rất nhiệt tình của anh Võ Văn Bá- cán bộ phụ trách văn hóa thông tin xã Bình Trưng (huyện Châu Thành- Tiền Giang) thì có lẽ chúng tôi sẽ rất vất vả để tìm nhà kỷ lục gia Trần Thanh Phương.
Anh là người đang sở hữu bộ quân cờ tướng lớn nhất Việt Nam vừa được Tổ chức Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận ngày 8/4/2016.
Anh Bá nói vui “… Có được kỷ lục Việt Nam là niềm tự hào của địa phương. Bởi vậy, khi ai đến tìm thì chúng tôi có nhiệm vụ dẫn đường chu đáo bởi nhà anh Phương rất khó tìm vì phải đi sâu vào vườn, qua rất nhiều khúc quanh…”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ của ấp Bình Hòa A, anh Phương kể về mục đích mình thực hiện kỷ lục này: “…Tôi thấy thế giới nghĩ ra nhiều môn thể thao lạ lẫm, hấp dẫn thì sao Việt Nam không nghĩ đến điều đó. Nếu như trước đây mình đã có môn thể thao cờ người thì nay tôi thực hiện các quân cờ khổng lồ để đưa vào thi đấu môn cờ tướng với quy mô lớn để phục vụ khán giả…”
Nghĩ làm. Người nông dân 47 tuổi này ngoài việc mưu sinh bằng nghề mua bán trái cây vườn đã tập trung suy nghĩ thiết lập các quân cờ bằng cách tham khảo người thân, bè bạn, qua các tư liệu trên mạng Internet… sao cho phù hợp với đặc điểm thể thao nước nhà.
Trong đó chú trọng đến việc dịch chuyển các quân cờ thuận tiện, sao cho người dự khán có thể theo dõi dễ dàng các nước đi, người cầm quân chủ động trong chiến lược của mình bằng hệ thống công nghệ thông tin… Sau 10 năm miệt mài tính toán và dè sẻn các khoản chi tiêu trong gia đình, anh đã thực hiện hoàn tất 32 quân cờ với chi phí xấp xỉ 110 triệu đồng.
Anh Phương kể thêm: “…Niềm đam mê đã làm tôi mất ăn, mất ngủ với mong ước thực hiện bộ cờ “khủng” phục vụ nhu cầu giải trí của người hâm mộ…”.
Theo thiết kế đã thực hiện, mỗi quân cờ có đường kính 3,5m, cao 1,5m, trọng lượng 35kg, khung làm bằng sắt có thể xếp lại thuận tiện, bên trên được phù vải tổng hợp (hăm lét) có sơn tên quân cờ, xung quanh được bao bọc bằng vải và có in tên quân cờ đề người xem tiện theo dõi.
Bộ quân cờ khổng lồ của anh Phương đã xô ngã kỷ lục cũ có tên “Trạng Cờ” được xác lập năm 2012, khi đó đường kính mỗi quân cờ chỉ là 1,2m.
Điều đáng nói ở đây là việc anh Phương không nhận được sự chi viện, hỗ trợ nào về vật chất lẫn tinh thần từ các cơ quan chức năng chuyên môn.
Chính quyền sở tại dù biết nhưng chỉ động viên tinh thần. Kỷ lục gia này kể thêm: “Tôi rất vất vả khi lập hồ sơ để xin chủ trương của huyện Châu Thành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, Tổ chức Sách Kỷ lục Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Từ khi lập hồ sơ đến khi được công nhận trên 70 ngày”. Không những vậy toàn bộ chi phí hồ sơ xin xác lập, chi phí làm lễ xác nhận trên 10 triệu đồng, anh Phương đã phải chi trả từ tiền túi của mình.
Lãnh đạo Tổ chức Sách kỷ lục Việt Nam cũng cho biết, cơ quan này không hỗ trợ bất kỳ khoản chi phí nào cho chủ nhân của các kỷ lục.
Kỷ lục gia Trần Thanh Phương tâm sự: “…Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng tôi quyết tâm thực hiện “dự án” của mình với mong muốn phục vụ cộng đồng. Tôi không yêu cầu một sự hỗ trợ về tài chính nào mà chỉ mong những quân cờ của mình có dịp ra sân thi đấu Vậy là mãn nguyện lắm rồi…”
Cũng theo nhiều chuyên gia thể dục thể thao, để tổ chức thi đấu với bộ cờ “khủng” này đòi hỏi phải có sân vận động diện tích lớn, song không vì vậy mà kỷ lục này “xếp xó” sau khi được công nhận.
Muốn vậy cần có một cách nhìn trân trọng về một suy nghĩ sáng tạo, mới lạ của một nông dân và cần lắm một sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan, từ những tấm lòng thực sự yêu mến thể dục, thể thao. Và cần lắm một cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các kỷ lục với mục đích phục vụ cộng đồng.
Bài, ảnh: TÔ PHỤC HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin