Vùng sông nước đang thật sự "khát" nước

06:03, 17/03/2020

"Chúng ta không thể chờ đợi"- đó là một trong những thông điệp của Ngày Nước thế giới 2020. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động, cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý. 

 

“Chúng ta không thể chờ đợi”- đó là một trong những thông điệp của Ngày Nước thế giới 2020. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động, cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý.

Tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề nước và biến đổi khí hậu. Ngay cả từ các hộ gia đình cũng cần phải có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn. Hơn bao giờ hết, nguồn nước ngọt trở nên quý giá cho cả sinh hoạt và sản xuất. Vùng sông nước đang thật sự “khát” nước khi hạn, mặn mùa khô 2019- 2020 trở nên khốc liệt mà ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng phải hứng chịu.

Ghi nhận tại các huyện Long Hồ, Vũng Liêm và Mang Thít, những đợt xâm nhập mặn vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho ruộng lúa và vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Đạt Ân (ấp Tân An, xã Chánh An- Mang Thít) không khỏi xót xa vì vườn sầu riêng đang cho trái tốt lại bị nhiễm mặn, phần thì chết, phần thì rụng trái, rụng bông (ảnh 2).

Năm nay, các xã cù lao của huyện Long Hồ lần đầu tiên đối mặt với xâm nhập mặn. Theo đó, nước mặn xâm nhập từ hướng sông Hàm Luông ngược dòng sông Tiền lấn tới các xã cù lao của huyện này khiến nơi đây không thể lấy nước ngọt trong nhiều ngày, thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.

Để ngăn mặn, một số đập ngăn mặn dã chiến đã được thực hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) (ảnh 3). Nguồn nước ngọt khan hiếm, người dân ở các xã cù lao được hỗ trợ bồn chứa nước để chống chọi qua mùa hạn, mặn (ảnh 1).

Thời gian qua, để trữ ngọt phục vụ sản xuất, người dân đã chủ động nhiều giải pháp như đào ao trữ nước hay trữ nước trong túi nhựa dung tích lớn. Anh Nguyễn Văn Minh ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) đầu tư hẳn thiết bị lọc mặn chủ động sống chung với xâm nhập mặn (ảnh 4).

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ước tính tại các huyện nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, vào đợt mặn cao thì có đến 31 nhà máy, trạm cấp nước (cấp nước cho trên 66.200 hộ dân) bị ảnh hưởng mặn trong khoảng 10 ngày khi đóng cống ngăn mặn. Để chủ động nguồn nước cấp, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đã xây dựng hệ thống hồ chứa nước thô với dung tích 30.000m3 tại trạm cấp nước huyện Vũng Liêm với kinh phí đầu tư gần 18 tỷ đồng. Hồ chứa này có khả năng đảm bảo đủ lượng nước thô xử lý cung cấp trong 10 ngày cho người dân thị trấn Vũng Liêm và khu vực lân cận khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép (ảnh 5).

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đầu tư một số công trình ngăn mặn, trữ ngọt tại ĐBSCL. Theo đó, tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít có năng lực kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Các cống Tân Dinh (giáp giới 2 huyện Trà Ôn- Vĩnh Long và Cầu Kè- Trà Vinh) và cống Vũng Liêm (ảnh 6) thuộc dự án này đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020. Các công trình này sẽ chính thức bàn giao cho địa phương quản lý trong tháng 3 này.

Riêng dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) (ảnh 7) kịp thời ứng phó với hạn mặn mùa khô 2019- 2020, giúp tiêu úng, thau chua, rửa phèn, đẩy mặn, cấp nước ngọt bổ sung 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm.

Mới đây, công trình cống Cái Tôm (Quới An- Vũng Liêm) vừa được lắp đặt cửa cống phát huy hiệu quả ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Đây là công trình do Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hơn 5.700 công trình thủy lợi phục vụ 112.260ha đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.

LÊ SƠN- THẢO LY

 

 

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh