Những ngày này, người dân vùng thượng sông Cửu Long thuộc xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang chộn rộn hẳn lên theo con nước đang dâng.
Những ngày này, người dân vùng thượng sông Cửu Long thuộc xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang chộn rộn hẳn lên theo con nước đang dâng.
Trên cánh đồng lũ xã Phú Hội, nơi tiếp giáp vùng biên giới Campuchia, dớn đã được đặt dày đặc. Cảnh mua bán sản vật mùa lũ như tôm, cua, cá, rắn… diễn ra ngay trên cánh đồng lũ tạo thành nét đặc trưng của người dân vùng này.
Năm nay lũ lên nhanh, đột ngột nên theo người dân địa phương lượng cá đánh bắt được cũng không bằng mọi năm.
Ông Huỳnh Văn Tài, người có số năm đặt dớn mùa nước nổi gần bằng tuổi đời 42 của mình, cho biết năm nay nước lên đột ngột nên người dân trở tay không kịp. Khi cá đã chạy tản ra khắp các cánh đồng, người dân mới đặt dớn nên lượng cá thu được cũng không nhiều.
Cũng theo ông Tài, ngụ xã Phú Hội, do mực nước năm nay cao hơn những năm trước, nên thay vì mức 2 mét như mọi khi, ông phải cơi thân dớn thêm 80cm mới không bị ngập.
Xuôi theo hạ nguồn sông Mekong, gặp bà Bùi Thị Sương 60 tuổi, ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp). Có hơn 10 năm hành nghề đặt dớn, giăng câu, thả lưới, bà cho biết những năm đầu theo nghề “bà cậu”, hai vợ chồng “ăn nên làm ra”.
Thậm chí hai vợ chồng còn tậu được vài chục công ruộng nhờ công việc mưu sinh mùa lũ, nhưng nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt, nên "nghề bà cậu bây giờ khô mái dằm là tiền cũng hết”.
Năm nay lũ về sớm, vợ chồng bà tranh thủ vá lưới để khi con nước về kiếm mớ cá ra chợ bán.
Lũ về nhanh, người dân nào không kịp ra đồng cũng tất bật chuẩn bị công cụ để khai thác sản vật mùa lũ. Một không khí khẩn trương và rộn rịp của mùa lũ miền Tây đã bắt đầu…
Trên một số cánh đồng lũ ở giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh An Giang, người dân đã bắt đầu đi đặt dớn và thu hoạch những con cá, tôm đầu tiên khi mùa lũ bắt đầu - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Niềm vui ngoài đồng của bà con vùng thượng nguồn thuộc tỉnh An Giang khi lũ về - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Những con cá linh đầu mùa ở vùng lũ huyện An Phú, An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Những con cá, tôm đầu tiên mà người dân vùng lũ huyện An Phú, An Giang thu hoạch được khi mùa lũ về - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Bông súng đầu mùa lũ cũng xuất hiện nhiều. Chị Trần Thị Nhung (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) mua lại từ người nhổ được rồi bán lại với giá 3.000 đồng/khoanh. Trước khi có lũ về, chị Nhung bán thực phẩm tươi sống; mùa lũ bắt đầu về, chị kinh doanh thêm bông súng - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Cũng như cá linh, bông súng, bông điên điển cũng là sản phẩm đặc trưng của mùa lũ ở miền Tây. Mấy ngày nay bông điên điển bắt đầu xuất hiện khá ở chợ - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Bà Sương có thâm niên 10 năm trong nghề câu lưới tranh thủ vá lưới để kịp con nước về - Ảnh: NGỌC TÀI |
Ông Huỳnh Văn Tài, huyện An Phú, An Giang đang cơi thân dớn dài thêm, nâng chiều cao dớn lên 2,8m vì năm nay nước lũ cao hơn mọi năm - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Ăn theo mùa nước nổi, em Phương Nam (12 tuổi, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) cũng tranh thủ đi chuốt cây tràm mướn, mỗi ngày kiếm được 40.000 - 50.000 đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Vựa tràm của ông Nguyễn Văn Huyện nằm bên một nhánh sông Châu Đốc, huyện An Phú, An Giang. Theo ông, năm nay người dân đạt dớn nhiều nên lượng tràm bán có ra có thể lên đến 4.000 - 5.000 cây, mỗi cây giá 11.000 đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Mỗi ngày bà Cúc bỏ túi được gần 1 triệu đồng nhờ công việc “phu” xuồng. Lưu thông trên lộ bà Cúc phải đặc biệt chú ý chạy chậm và cẩn thận để không ảnh hưởng đến người khác - Ảnh: NGỌC TÀI |
Trong mâm cơm của người miền Tây những ngày này không thể thiếu món cá linh kho lạt ăn với bông điên điển - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin