Căn nhà em đang sinh sống là nhà của ông bà xây dựng nên, hiện tại ngoài bà của em (ông đã mất), còn lại có mấy gia đình gồm ba mẹ và em, cô, chú và con của cô, chú. Do lớn lên cùng nhau và lập gia đình, tất cả đều sống chung với ông bà, chưa ai ra riêng.
Căn nhà em đang sinh sống là nhà của ông bà xây dựng nên, hiện tại ngoài bà của em (ông đã mất), còn lại có mấy gia đình gồm ba mẹ và em, cô, chú và con của cô, chú. Do lớn lên cùng nhau và lập gia đình, tất cả đều sống chung với ông bà, chưa ai ra riêng. Bình thường gia đình cũng khá thuận thảo. Trong đó, có người cũng đóng góp sửa chữa nhà, sân..., có người coi như mình là người ở nhờ, không quan tâm mọi việc trong nhà. Điều này, ngày càng làm cho người này nạnh người kia, em cảm thấy rất buồn nhưng không biết phải nói sao! Trường hợp này, tất cả mọi người có được xem là người trong một gia đình không và mọi người phải có trách nhiệm chung không?
L.T.T.V.
(TP Cần Thơ)
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 16, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, thành viên gia đình bao gồm: Vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Như vậy, trường hợp của gia đình em hiện tại, cho thấy tất cả mọi người đang chung sống có thể đều được xem là thành viên của gia đình.
Điều 103 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình như sau:
1. Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình quy định tại luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.
2. Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.
3. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong xã hội cùng tham gia vào việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
HT tư vấn