Việc nuôi con sau ly hôn phải bảo đảm quyền lợi của con

04:09, 05/09/2023

Vợ chồng tôi chỉ có một người con, thực tế là cả hai đều rất thương yêu con. Nhưng vì không hợp nhau về nhiều mặt nên chúng tôi không thể sống chung và chuẩn bị ly hôn. Cả hai đều đang băn khoăn không biết để ai nuôi con cho tốt nhất? Nếu sau này, người không được nuôi con muốn đưa con về nuôi dưỡng có khó không?

(VLO) Vợ chồng tôi chỉ có một người con, thực tế là cả hai đều rất thương yêu con. Nhưng vì không hợp nhau về nhiều mặt nên chúng tôi không thể sống chung và chuẩn bị ly hôn. Cả hai đều đang băn khoăn không biết để ai nuôi con cho tốt nhất? Nếu sau này, người không được nuôi con muốn đưa con về nuôi dưỡng có khó không?

L.V.B. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Anh B. thân mến! Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc thuận tình ly hôn được quy định như sau: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.

Nếu quyết định ly hôn, vợ chồng anh có thể căn cứ quy định này để thỏa thuận những điều anh chị còn băn khoăn.

Khoản 2 và khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo khoản 2 và khoản 3, Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

HT tư vấn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh