Việc nuôi con nuôi không được cơ quan có thẩm quyền đăng ký không có giá trị pháp lý

02:04, 12/04/2023

Cách đây hơn 10 năm, thấy tôi ngoan hiền, siêng năng và vì gia cảnh đơn chiếc, vợ chồng người hàng xóm thường gọi tôi qua nhờ giúp những việc cần. Lâu ngày thấy thương tôi, hai ông bà nhận tôi làm con nuôi.

 

Cách đây hơn 10 năm, thấy tôi ngoan hiền, siêng năng và vì gia cảnh đơn chiếc, vợ chồng người hàng xóm thường gọi tôi qua nhờ giúp những việc cần. Lâu ngày thấy thương tôi, hai ông bà nhận tôi làm con nuôi.

Điều này, ông bà cũng nói với các con ở xa mỗi khi về nhà. Tuy không có làm giấy nhận con nuôi vì tôi còn ba mẹ ruột ở nhà nhưng từ đó, tôi gọi ông bà bằng ba mẹ. Mọi việc trong ngoài nhà tôi thường đảm trách, ba mẹ thường xuyên cho tiền tôi thêm để ăn học, tôi không khác gì con của ba mẹ.

Cuộc sống xảy ra những bất ngờ đáng tiếc, ba nuôi tôi bị tai nạn tử vong, 1 năm sau vì buồn mẹ nuôi tôi lâm bệnh vừa qua đời. Nhà cửa một mình tôi quản lý trông nôm. Mới đây, các con của ba mẹ ở xa về định chia thừa kế nhà và đất đai của ba mẹ để lại nhưng không nghe nói gì đến tôi ngoài lời cảm ơn về những gì tôi đã phụ giúp họ thời gian qua. Tôi nghe nói con nuôi cũng được chia thừa kế. Vậy, tôi có quyền yêu cầu được chia thừa kế không?

L.V.B. (Tiền Giang)

Trả lời:

Anh B. thân mến! Nếu ba mẹ nuôi của anh qua đời không để lại di chúc, di sản của ông bà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Khi chia thừa kế theo pháp luật, đúng là con nuôi cũng sẽ được hưởng thừa kế như con ruột theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Tuy nhiên, trường hợp này mặc dù anh được ba mẹ nuôi công nhận là con nuôi nhưng không đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi. Do vậy, về danh nghĩa anh được xem là con nuôi nhưng về pháp luật anh chưa được công nhận là con nuôi của ba mẹ nuôi. Bởi, theo Điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định:

1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

2. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

3. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Căn cứ quy định trên cho thấy anh không thể yêu cầu các con của ba mẹ nuôi chia thừa kế di sản của ba mẹ nuôi cho anh theo khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự.

HT tư vấn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh