(VLO) Mạng xã hội (MXH) “dậy sóng” với nhiều tin đồn xuyên tạc sự thật, với tần suất lan truyền chóng mặt, gây tác hại đến công chúng tiếp nhận thông tin. Thực chất thì những thông tin xấu độc vẫn chỉ là “bình cũ, rượu mới” nhưng vẫn là cuộc chiến đầy cam go…
Vàng- thau lẫn lộn
Tháng 6/2023, thông tin nhanh về vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk tại hội nghị báo cáo viên Trung ương, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Bộ Công an cho biết, các đối tượng trên đều cư trú tại địa bàn tỉnh, phần nhiều là đối tượng trẻ có lối sống ảo tưởng, cực đoan, bị các đối tượng cầm đầu xúi giục, kích động qua không gian mạng.
Các đội phòng thủ tham gia diễn tập thực chiến an toàn, an ninh mạng năm 2024. Ảnh: TUYẾT NGA |
Còn nhớ trước đó, khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, những lời kêu gọi phản đối, luận điệu thù địch, thổi bùng nguy cơ đánh mất chủ quyền nhằm kích động người dân, tạo sự hằn thù dân tộc đã lập tức xuất hiện tràn lan trên internet…
Hay gần đây, việc sử dụng thông tin có thật về các vụ án tham nhũng đã, đang, sẽ được xem xét, xử lý từ các nguồn thông tin chính thống của các báo, tạp chí trong nước, tổ chức phản động chống phá thêm “gia vị”, nhào nặn để bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân lãnh đạo, từ đó quy chụp, nói xấu chế độ…
Tháng 4/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm (cùng ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm sử dụng MXH đăng tải, chia sẻ bài viết, video và livestream nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Thực tiễn đã chứng minh, các đối tượng chống phá khai thác triệt để các tiện ích của không gian mạng, thổi phồng những khó khăn, yếu kém để gia tăng các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng ở Việt Nam.
Các thế lực trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam với các thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm trên không gian mạng “biến không thành có, biến ít thành nhiều”.
Nguy hiểm hơn là lợi dụng tâm lý tò mò của không ít người sử dụng các nền tảng MXH trong nước, chúng sẻ chia thông tin giả trên nhiều nền tảng MXH len lỏi đưa lên nhiều nhóm có số lượng thành viên rất đông để nhân rộng, lan tỏa nhanh thông tin.
Từ một vài người đến nhiều nhóm sử dụng các nền tảng MXH ở trong nước, hàng vạn người chia sẻ, bình luận, từ đó hình thành làn sóng tin đồn, gây tâm lý bán tín, bán nghi, hoang mang trong dân chúng, cộng đồng mạng.
Bên cạnh đó, các tổ chức và lực lượng phản động, thù địch lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động gián điệp, thu thập tin tức chống Việt Nam thông qua việc tung ra những phần mềm chứa các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn, các ứng dụng miễn phí trên điện thoại.
Chúng sử dụng kỹ thuật hiện đại lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập chiếm đoạt bí mật nhà nước, lấy cắp phát minh, sáng chế nhằm gây thiệt hại cho kinh tế nước ta.
Chúng còn lợi dụng MXH để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội hoặc làm lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã tin học độc hại... nhằm phá hoại kinh tế, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn của nước ta.
Theo cơ quan chức năng, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng.
Riêng trong quý I/2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Tại Vĩnh Long, trong bối cảnh các đối tượng xấu không ngừng phát tán thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, song tỉnh đã giữ sạch không gian mạng, giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội. Từ thực tiễn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Năm 2022, Bộ Công an có quyết định thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long.
Công an Vĩnh Long tăng cường nhiều giải pháp chia sẻ thông tin chính thống trong đơn vị.Ảnh: TL |
Theo đó, đơn vị này có chức năng nhiệm vụ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy tính tích cực của MXH, thời gian qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Vĩnh Long tận dụng công cụ này để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Với nỗ lực xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, Công an tỉnh Vĩnh Long cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ.
Trong đó, tập trung đề cập đến văn hóa ứng xử trên không gian mạng; tổ chức quán triệt đến công an các đơn vị, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sĩ về văn hóa, ý thức trách nhiệm, chủ động trong việc ứng xử với các thông tin, mối quan hệ trên MXH.
Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của ngành về quản lý MXH; nhận diện, đấu tranh với âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các cá nhân lợi dụng MXH để tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống những thông tin xấu, độc, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh thực hiện tốt chức năng theo dõi, nắm chắc tình hình, chỉ đạo phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật có liên quan đến việc sử dụng internet, MXH.
Công an các đơn vị, địa phương thành lập các trang Facebook, kênh YouTube, Zalo…“phủ xanh” thông tin tích cực, đấu tranh phản bác kịp thời những thông tin xấu độc, góp phần định hướng tốt dư luận xã hội.
Bên cạnh, Công an tỉnh phối hợp các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua nhóm Zalo với hàng ngàn lượt cán bộ, viên chức, sinh viên theo dõi.
Nhiều cán bộ chiến sĩ không chỉ tiên phong thể hiện vị trí, tư cách của mình trong mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày, mà còn phải nhận thức rõ trách nhiệm trong phát ngôn, hành động và ứng xử trên không gian mạng.
Qua đó, đã giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hình thành cho mình một “nhãn quan” chính trị sắc bén, một “phông” văn hóa chuẩn mực để tăng sức “đề kháng” và khả năng nhận diện các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, cùng các cơ quan chức năng xây dựng môi trường MXH lành mạnh, trong sạch và văn minh.
Với phương châm “sử dụng MXH có trách nhiệm”, “sử dụng MXH thông minh”, cán bộ, chiến sĩ Công an Vĩnh Long đã chủ động rà soát, theo dõi, nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý thông tin các hội, nhóm, tài khoản MXH có hoạt động tuyên truyền thông tin xấu, độc, đăng tải tin, bài tiêu cực chống phá Đảng, Nhà nước…
Đồng thời, xây dựng và làm đẹp hơn hình ảnh của người chiến sĩ công an không chỉ trong chiến đấu, mà còn cả trên không gian mạng.
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin