Luật Căn cước (CC) năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Những ngày qua, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thu nhận hồ sơ cấp CC, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời trẻ em dưới 14 tuổi, đảm bảo nhanh gọn, đúng quy trình với tinh thần vì Nhân dân phục vụ.
(VLO) Luật Căn cước (CC) năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Những ngày qua, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thu nhận hồ sơ cấp CC, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời trẻ em dưới 14 tuổi, đảm bảo nhanh gọn, đúng quy trình với tinh thần vì Nhân dân phục vụ.
Cấp thẻ căn cước tại Công an TP Vĩnh Long. |
Đưa con em đi làm căn cước
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật CC là việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CC đối với công dân dưới 14 tuổi. Theo Điều 19 Luật CC, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ CC.
Đối với công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ CC theo nhu cầu, tức là không bắt buộc. Nắm bắt được thông tin này, đồng thời nhằm đảm bảo quyền lợi và những lợi ích của thẻ CC, nhiều phụ huynh đã đưa con em đến cơ quan công an để đăng ký thủ tục cấp thẻ CC.
Ghi nhận những ngày qua tại điểm cấp CC của Công an TP Vĩnh Long khá đông đúc, không chỉ người lớn mà có nhiều trẻ em được phụ huynh dẫn đến đăng ký làm thủ tục.
Cấp đổi thẻ CC khi thẻ CCCD gần hết hạn và làm thẻ CC cho 2 người con (12 tuổi và 13 tuổi), chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho hay, biết thông tin trẻ em dưới 14 tuổi được làm thẻ CC nên đưa các con đến làm sớm để thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như sử dụng các tiện ích của thẻ CC, CC điện tử.
“Thông qua báo chí, người thân chia sẻ, tôi biết làm thẻ CC cho trẻ em đem lại rất nhiều lợi ích khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính như dùng thay thế hộ chiếu, thẻ BHYT, giấy khai sinh,… Có thẻ CC, cha mẹ khi thực hiện thủ tục hành chính cho con sẽ trở nên vô cùng thuận tiện.
Thay vì phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ khác nhau thì chỉ cần sử dụng một chiếc thẻ CC duy nhất”- chị Tú chia sẻ.
Thiếu tá Huỳnh Trường Lộc- Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Vĩnh Long) cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí lực lượng theo từng ca trực và làm thêm ngày thứ bảy.
Thu nhận hồ sơ cấp CC lưu động đối với các trường hợp gặp khó khăn trong di chuyển, già, yếu, trên tinh thần hết việc chứ không hết giờ.
Quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, phấn khởi của người dân. Thuận lợi tiếp theo là công tác phối hợp tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an cơ sở nên người dân nắm và hiểu rõ các quy định, đặc biệt là việc cấp thẻ CC thuận tiện hơn trước đây vì có thể thao tác nhanh chóng nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, rút ngắn được thời gian, thủ tục thực hiện.
Tính từ ngày 1/7-7/8, Công an TP Vĩnh Long đã thu nhận 2.239 hồ sơ CC, trong đó từ 14 tuổi trở lên là 1.005 hồ sơ, dưới 6 tuổi là 245 hồ sơ, từ 6-14 tuổi là 989 hồ sơ.
Căn cước điện tử mang lại nhiều lợi ích
Theo Điều 20 Luật CC, thẻ CC có giá trị chứng minh về CC và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ CC của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ CC được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ CC thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Đồng thời, Điều 22 Luật CC, nêu rõ: Thông tin được tích hợp vào thẻ CC gồm thông tin thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ CC có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Từ ngày 1/7, đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì ứng dụng VNeID đã hiển thị CC điện tử.
Theo quy định tại khoản 6, Điều 40 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP, đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trước ngày 1/7, cơ quan quản lý CC Bộ Công an có trách nhiệm tạo lập và hiển thị CC điện tử cho công dân thông qua Ứng dụng định danh quốc gia kể từ ngày 1/7.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), việc cấp CC điện tử mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho công dân và góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Cụ thể, CC điện tử giúp người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch ngân hàng, y tế và nhiều dịch vụ công khác một cách dễ dàng, nhanh chóng, bảo mật thông tin cá nhân, giảm nguy cơ bị mất hoặc lạm dụng thông tin.
Đối với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, việc cấp CC điện tử góp phần hiện đại hóa quản lý, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, giảm bớt các thủ tục giấy tờ, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và cơ quan nhà nước.
Dữ liệu CC điện tử chính xác giúp các cơ quan nhà nước có thể thu thập và quản lý dữ liệu dân cư, từ đó hỗ trợ việc ra quyết định và xây dựng chính sách.
10 điểm mới của Luật CC 1. Chính thức đổi tên CCCD thành CC (Điều 3). 2. Giá trị sử dụng của thẻ CCCD, CMND đã được cấp (Điều 46). 3. CMND hết hiệu lực từ 1/1/2025 (Điều 46). 4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ CC (Điều 18). 5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ CC (Điều 18 và Điều 19). 6. Cấp thẻ CC cho người dưới 6 tuổi (Điều 23). 7. Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận CC cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30). 8. Bổ sung quy định cấp CC điện tử (Điều 31 và Điều 33). 9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23). 10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ CC (Điều 22). |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN ANH