Thời điểm cận Tết nguyên đán, rất nhiều mặt hàng "nhà làm" được rao bán rầm rộ trên các trang mạng. Tuy nhiên, ít người biết về các quy định khi kinh doanh thực phẩm theo hình thức này.
Thời điểm cận Tết nguyên đán, rất nhiều mặt hàng "nhà làm" được rao bán rầm rộ trên các trang mạng. Tuy nhiên, ít người biết về các quy định khi kinh doanh thực phẩm theo hình thức này.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, hoạt động kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội, hoặc thực phẩm nhà làm cũng "nở rộ".
Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thực phẩm, được giới thiệu thực phẩm nhà làm từ những món ăn vặt đến thức ăn được nấu sẵn. Các thực phẩm này đa dạng, phong phú cả về loại thực phẩm, đủ mọi giá phù hợp với mọi đối tượng.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông |
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Đối với loại hình kinh doanh này phải đáp ứng theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Cá nhân hoạt động thương mại, buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP).
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và đã qua chế biến không bao gói sẵn phải đảm bảo các quy định tại Điều 27 Luật An toàn thực phẩm 2010.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải phải bảo đảm các điều kiện: Tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm; Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm quy định tại Điều 18 và Điều 20 của Luật này; Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh các thực phẩm nhà làm đã qua chế biến không bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện: Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác; Rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay; Có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.
Đối với các cơ sở này, cần phải xin làm Bản cam kết an toàn thực phẩm tới UBND xã/phường/thị trấn nơi đặt trụ sở để cam kết thực hiện đảm bảo về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hữu Toại: Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nói chung hay là những người bán thực phẩm nhà làm nếu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cá nhân có hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm có thể bị xử phạt như sau:
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 3.000.000 đến dưới 5.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thì bị phạt gấp 2 lần đối với mức phạt trên. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung tịch thu tang vật và phải khắc phục hậu quả nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Hành vi vi quy định về an toàn thực phẩm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, theo đó:
- Phạt tiền 50 đến 200tr hoặc phạt tù 1-5 năm đối với hành vi như: Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với các hành vi như có tổ chức, làm chết người, gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;…
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với các hành vi như: làm chết 2 người, Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với các hành vi như: làm chết 3 người trở lên, Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;…
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Thu Hà/VOV