Cùng một giao dịch mua bán tàu nhưng có 2 hợp đồng được xác lập dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
Cùng một giao dịch mua bán tàu nhưng có 2 hợp đồng được xác lập dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
Trong đơn kiện, bà N.H.H. (ở TX Bình Minh) yêu cầu hàng xóm là ông N.H.T. trả số tiền vay 67,5 triệu đồng, kèm hợp đồng vay có công chứng được 2 bên lập vào ngày 24/5/2016. Theo đó, bà H. cho ông T. vay 67,5 triệu đồng, không lãi suất, thời hạn vay 5 năm. Ông T. thế chấp cho bà H. quyền sử dụng đất (QSDĐ) thửa 54, diện tích 1.102,9m2 để đảm bảo nợ vay. Do hết thời hạn vay nhưng ông T. không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên bà H. khởi kiện.
Tại đơn phản tố ngày 19/4/2022, ông T. trình bày: Ông và bà H. là hàng xóm, do ông có bằng lái tàu hạng 3 nhưng thiếu vốn làm ăn nên vợ chồng bà H. bàn với ông tìm mua tàu chở vật liệu xây dựng kiếm lời. Khi biết ở Sóc Trăng có người bán tàu cũ, ông và vợ chồng bà H. đã thống nhất mua lại tàu với giá 125 triệu đồng.
Bà H. là người đưa tiền cho ông đi mua tàu và ông đã trực tiếp làm giấy tay mua bán tàu với anh T.N.Q., có xác nhận của công an xã ngày 1/4/2016. Sau đó, tàu được đem về sửa chữa với chi phí 10 triệu đồng, tổng cộng tiền mua tàu và sửa chữa 135 triệu đồng, thỏa thuận mỗi người hùn 50% là 67,5 triệu đồng. Do ông không có tiền để hùn nên bà H. yêu cầu ông ký hợp đồng vay 67,5 triệu đồng và thế chấp QSDĐ tại phòng công chứng. Sau đó, ông được giao quản lý tàu và chạy từ giữa tháng 4/2016.
Sau một thời gian, do ông không có tiền trả cho bà H. nên hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà H. không cho ông chạy tàu nữa nên ông giao tàu lại cho vợ chồng bà H. quản lý, sử dụng. Đến nay, vợ chồng bà H. vẫn không chia lợi nhuận cho ông. Do đó, ông yêu cầu tòa chấm dứt hợp đồng vay ngày 24/5/2016 và không đồng ý trả cho bà H. số tiền 67,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu bà H. phải trả lại QSDĐ ông đang đứng tên.
Quá trình giải quyết vụ kiện, phía bà H. cung cấp các chứng cứ là hợp đồng vay tiền ngày 24/5/2016 có công chứng và chữ ký của ông T.; hợp đồng mua bán tàu lập ngày 20/6/2016 giữa con trai bà H. với 2 người khác, giá chuyển nhượng là 50 triệu đồng và hiện con trai bà đã đăng ký chủ sở hữu, được cấp giấy chứng nhận đăng ký chiếc tàu này.
Còn ông T. cung cấp giấy tay mua tàu với anh T.N.Q. lập ngày 1/4/2016 với giá chuyển nhượng 125 triệu đồng, trong đó phần ông hùn là 50% thể hiện qua số tiền vay. Tuy nhiên, bà H. cho rằng không có thỏa thuận hùn vốn mua tàu với ông T., giữa con trai bà và ông T. thỏa thuận giao dịch mua tàu như thế nào bà không biết và không liên quan. Việc ông T. vay tiền, có ký nhận rõ ràng trong hợp đồng nên phải trả số tiền vay đã ký.
Theo HĐXX, ngày 24/5/2016, bà H. và ông T. ký hợp đồng vay tiền có áp dụng biện pháp bảo đảm, đã được công chứng. Bà H. cho rằng đã giao cho ông T. số tiền 67,5 triệu đồng và đang giữ bản chính QSDĐ thửa 54. Còn ông T. khẳng định không vay, cũng không nhận số tiền trên. Hợp đồng vay 67,5 triệu đồng ngày 24/5/2016, ông ký với bà H. là thỏa thuận hùn vốn mua tàu nhưng bà H. không thừa nhận nội dung này.
Ngoài lời trình bày trên thì ông T. không cung cấp chứng cứ nào khác để chứng minh. Khi ông T. giao tàu cho bà H. cũng không có thỏa thuận lại hợp đồng vay ngày 24/5/2016, không yêu cầu bà H. trả lại QSDĐ đã thế chấp nên không có căn cứ xác định số tiền 67,5 triệu đồng trong hợp đồng vay và 125 triệu đồng mua tàu ngày 1/4/2016 có liên quan nhau. Do đó, HĐXX đã tuyên hợp đồng vay 67,5 triệu đồng ngày 24/5/2016 có hiệu lực và ông T. phải có nghĩa vụ trả cho bà H. số tiền này.
Đối với giao dịch cùng mua một chiếc tàu nhưng có đến 2 hợp đồng được ký kết, HĐXX dành cho ông T. và các đương sự liên quan vụ kiện dân sự khác về việc hùn vốn mua tàu nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên khi có yêu cầu.
DIỄM PHƯỢNG