Việc lập hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân nhưng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khiến chủ hụi hoặc hụi viên rơi vào hoàn cảnh lao đao vì mất số tiền lớn.
(VLO) Việc lập hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân nhưng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khiến chủ hụi hoặc hụi viên rơi vào hoàn cảnh lao đao vì mất số tiền lớn.
2 vụ “Tranh chấp hợp đồng góp hụi” được TAND huyện Mang Thít và Vũng Liêm đưa ra xét xử gần đây cho thấy rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu hụi viên hoặc chủ hụi không thực hiện đúng cam kết làm mất quyền lợi của nhau.
Chị N.T.C.L. kiện anh P.L.T. (cùng ngụ TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) ra TAND huyện Mang Thít đòi trả lại 54 triệu đồng.
Theo chị L., chị tham gia 2 dây hụi do anh T. làm chủ hụi, hình thức hụi tháng 3 triệu đồng. 2 dây hụi này chị luôn đóng tiền đúng cam kết nhưng không ngờ đến gần mãn hụi thì anh T. thông báo vỡ hụi. Sự việc kéo dài đến năm 2023 không thể giải quyết thỏa đáng, chị L. làm đơn khởi kiện ra tòa.
Tại tòa, anh T. cũng thừa nhận lời trình bày của nguyên đơn là đúng sự thật nhưng xin trả dần mỗi tháng 500.000đ. Bị đơn viện lý do “nhiều hụi viên sau khi hốt hụi không đóng hụi chết nên chủ hụi không có khả năng đóng thay”.
HĐXX không chấp nhận lời trình bày này, bởi theo Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định chủ hụi phải nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi. Từ những nhận định này, HĐXX tuyên buộc anh T. phải có nghĩa vụ trả cho chị L. 54 triệu đồng.
Trường hợp của chủ hụi N.T.A.N. (ngụ TT Vũng Liêm) nhiều lần đóng thay “hụi chết” cho hụi viên những người này dây dưa không trả, buộc chị phải làm đơn khởi kiện ra tòa.
Theo trình bày của chị N., chị H. là hụi viên tham gia 4 dây hụi tháng. Ở các dây hụi này, chị H. đều đăng ký hốt trước nhưng không đóng “hụi chết”.
Để đảm bảo quyền lợi các hụi viên khác và nể tình chỗ quen biết với chị H. nên chị N. phải đóng thay 11 triệu đồng.
Chị H. thì thừa nhận có xảy ra sự việc như vừa nêu nhưng do chủ hụi không đến gom tiền chứ không phải chị không đóng. Nay chị N. khởi kiện, chị H. đồng ý trả tiền nhưng xin “trả từ từ”.
Có thể thấy, do tự phát, quá trình giao dịch hụi là thỏa thuận dân sự nên cơ quan chức năng và chính quyền khó quản lý.
Trong khi đó, nhiều hụi viên tin tưởng chủ hụi hoặc không nắm rõ quy định của pháp luật nên khi vỡ hụi mới trình báo cơ quan chức năng đã muộn, tài sản thất thoát nguy cơ khó thu hồi.
Ngoài ra, có thể xảy ra trường hợp chủ hụi lợi dụng sự tin tưởng, mất cảnh giác của hụi viên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo các chuyên gia pháp lý, trước khi tham gia hụi, hụi viên cần tìm hiểu kỹ thông tin về dây hụi đó, kể cả thông tin về chủ hụi và các hụi viên khác có đáng tin hay không.
Hụi viên cũng nên soạn thảo các văn bản, giấy tờ phòng trường hợp xảy ra tranh chấp thì có bằng chứng cung cấp cho cơ quan chức năng.
Và khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải và có thể lập thành văn bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ.
Nếu không hòa giải, thương lượng được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin