Các bị cáo bất cẩn trong việc đậu đỗ phương tiện và không đặt biển cảnh báo, còn nạn nhân điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, khi bất ngờ gặp chướng ngại vật không xử lý kịp dẫn đến tai nạn chết người.
Các bị cáo bất cẩn trong việc đậu đỗ phương tiện và không đặt biển cảnh báo, còn nạn nhân điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, khi bất ngờ gặp chướng ngại vật không xử lý kịp dẫn đến tai nạn chết người.
Vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” vừa được TAND huyện Vũng Liêm đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thành Quang (SN 1988, ngụ tỉnh Bến Tre). Theo cáo trạng, Quang là tài xế xe tải của Công ty TNHH Tư vấn, thiết kế xây dựng Đ.. Ngày 22/9/2022, lãnh đạo công ty yêu cầu Quang lái xe ra đậu trên đường giao thông trước công trình ở TT Vũng Liêm.
Tuy nhiên, sau khi đậu đỗ xe, tài xế không đặt biển cảnh báo nguy hiểm và không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết mà bỏ về nhà. Tối cùng ngày, anh T.P.L. điều khiển xe máy đến đoạn đường trên, do không thấy đèn, biển cảnh báo nên tông vào xe tải, tử vong tại chỗ.
Cơ quan điều tra xác định vụ tai nạn xảy ra do lỗi của Quang trong việc đậu đỗ phương tiện, nhưng nạn nhân L. cũng có lỗi, bởi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, không chú ý quan sát dẫn đến va chạm với xe tải. Hành vi phạm tội của bị cáo Quang là nguy hiểm cho xã hội, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông nên HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 1 năm cải tạo không giam giữ.
Cũng do bất cẩn khi đậu đỗ máy xúc dẫn đến tai nạn chết người, Trần Văn Nhật (SN 2004, ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bị TAND huyện Vũng Liêm tuyên phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ vì tội “Cản trở giao thông đường bộ”.
Theo cáo trạng, bị cáo Nhật là tài xế máy xúc thuê cho công trình sửa chữa đường giao thông nông thôn ở xã Hiếu Thành. Trưa 29/12/2022, công trình ngưng thi công, Nhật để phương tiện trên đường rồi bỏ về quê mà không đặt biển báo. Tối cùng ngày, anh P.R.L. chạy xe máy lưu thông trên tuyến đường này, do không phản ứng kịp nên va chạm với máy xúc. Vụ tai nạn khiến anh L. bị thương nặng và được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong.
Theo Chi cục Đăng kiểm Vĩnh Long, máy xúc liên quan trong vụ tai nạn không phải là phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà là xe máy chuyên dùng, vẫn được tham gia giao thông đường bộ khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Còn theo cơ quan điều tra, nguyên nhân vụ tai nạn do Nhật đậu máy xúc không có biển báo hiệu cho người tham gia giao thông khác biết.
Máy xúc không phải là phương tiện giao thông đường bộ nên được xem là một chướng ngại vật. Do đó, hành vi của Nhật vi phạm vào khoản 2, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, là lỗi dẫn đến tai nạn. Về phía nạn nhân L., điều khiển phương tiện nhưng không có bằng lái và tại thời điểm xảy ra tai nạn có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định.
Có thể thấy, việc đậu đỗ phương tiện trên đường giao thông hay công trình nhưng không đặt biển cảnh báo hay tín hiệu đèn trước, sau để các phương tiện khác biết, không chỉ thể hiện sự bất cẩn mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mức án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, giáo dục bị cáo và cũng phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin