"Bẫy" vay tiền qua app

03:08, 11/08/2023

Vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp thông qua các trang web, sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại. Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của "tín dụng đen", kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực với người vay, gây mất an ninh trật tự.

Rất nhiều app cho vay với “ưu đãi hấp dẫn” nhưng nếu có nhu cầu, người dân nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ.Ảnh minh họa
Rất nhiều app cho vay với “ưu đãi hấp dẫn” nhưng nếu có nhu cầu, người dân nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ.Ảnh minh họa

(VLO) Vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp thông qua các trang web, sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại. Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen”, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực với người vay, gây mất an ninh trật tự.

Chiêu trò của “tín dụng đen”

Chỉ cần gõ từ khóa “vay online” trên Google, trong 0,72 giây có tới hơn 73,3 triệu kết quả tìm kiếm liên quan tới hoạt động cho vay trực tuyến. Với từ khóa “app vay online” cũng có hơn 10,5 triệu kết quả tìm kiếm trong 0,66 giây. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn là rất lớn và các dịch vụ cho vay trực tuyến vì thế cũng tăng theo.

Tuy nhiên, một số app không đơn giản dừng lại ở mục đích cho vay mà còn liên quan đến các đầu tư, tài chính liên kết, huy động tiền. Các hình thức này vẽ ra rất nhiều lợi nhuận hấp dẫn, nếu không cảnh giác thì người vay có nguy cơ trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”.

Vừa qua, tại buổi đối thoại “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, BHXH và phòng tránh tín dụng đen”, Thượng tá Đào Trung Hiếu- Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) thông tin, hiện có 2 hình thức cho vay “tín dụng đen” phổ biến trên không gian mạng là trên các trang web và các app cài đặt trên điện thoại. Các hình thức cho vay này rất dễ dàng, không cần thế chấp nên rất nhiều người đã “sập bẫy”.

Trong khi đó, theo Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Các đối tượng dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền với thủ đoạn là các “ưu đãi hấp dẫn” như: Không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng,…

Những người này đều có chung hoàn cảnh là cần tiền gấp nhưng không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng mà vay qua app nên không để ý hoặc bỏ qua các quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất lên tới hơn 300 %/năm, thậm chí 1.000-2.000 %/năm.

“Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều người phải tìm vay ở các app khác để trả các khoản vay trước đó và càng lún sâu vào nợ nần.

Hệ lụy từ “tín dụng đen”

Không chỉ chịu lãi suất “cắt cổ’, nạn nhân của hình thức vay qua app “tín dụng đen” còn bị lộ lọt thông tin cá nhân, bởi khi người vay cài đặt ứng dụng và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Nếu chậm trả nợ, người vay sẽ bị các đối tượng gọi điện, gửi tin nhắn xúc phạm. Thậm chí, họ còn cắt ghép hình ảnh người vay dán vào hình ảnh khỏa thân rồi đăng trên các tài khoản mạng xã hội để bôi nhọ, gây áp lực phải trả nợ.

Cuối tháng 5/2023, 11 bị can là giám đốc, nhân viên của 3 công ty cho vay qua app đã bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hồ Chí Minh) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Hình thức cho vay của các bị can là chỉ thanh toán ngắn hạn trong vòng 7-10 ngày với lãi suất cao. Nếu không trả nợ đúng hạn, nhân viên sẽ gọi điện thoại, nhắn tin nhắc nợ với nội dung thô tục.

Trường hợp người vay không trả hoặc liên hệ không được, nhân viên sẽ làm phiền đến bạn bè, người thân của họ.

Chưa dừng lại, các app vay sẽ bán nợ cho các công ty luật núp bóng, công ty mua bán nợ, công ty tài chính... để tiếp tục đòi nợ bằng các thủ đoạn gọi điện khủng bố, đe dọa người thân, ghép ảnh vu khống đăng lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín danh dự.

Các app “tín dụng đen” không chỉ gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người vay mà còn làm cho các nhà cho vay tiêu dùng hợp pháp ngần ngại không dám phát triển app chính thống. Nhiều nhà cho vay tiêu dùng hiện nay vẫn sử dụng nền tảng web phục khách hàng vay vốn như một cách phân biệt với các app cho vay nặng lãi.

Theo các chuyên gia, để tránh “sập bẫy” của các app “tín dụng đen”, người vay nên lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên ứng dụng hoặc trang web như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay vốn, lãi suất quá hạn.

Bên cạnh đó, các nhà cho vay tiêu dùng hợp pháp sẽ luôn cung cấp cho khách hàng vay vốn mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch... Đặc biệt, không yêu cầu bên cho vay tiêu dùng truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Vĩnh Long) khuyến cáo, nếu đã vay các app “tín dụng đen”, người vay nên khẩn trương trả nợ, không nên vay app này trả app kia sẽ rơi vào cảnh nợ càng thêm nợ.

Trường hợp bị các tổ chức “tín dụng đen” khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động “tín dụng đen” thì nhanh chóng liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh