Thủ đoạn lừa đảo "đặt tiệc nhà hàng"

Cập nhật, 15:56, Thứ Tư, 24/05/2023 (GMT+7)

 

Các đối tượng liên hệ đặt tiệc và yêu cầu thêm các loại rượu, quà tặng giá trị để đưa chủ nhà hàng, quán ăn vào bẫy.
Các đối tượng liên hệ đặt tiệc và yêu cầu thêm các loại rượu, quà tặng giá trị để đưa chủ nhà hàng, quán ăn vào bẫy.

Đối tượng liên hệ nhà hàng, quán ăn đặt bàn tiệc và giới thiệu nơi cung cấp thức uống, quà tặng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là cách lừa đảo tinh vi do các đối tượng “vẽ” ra khiến các chủ cơ sở không cảnh giác rất dễ sụp bẫy.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Vĩnh Long) vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này và khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nên cân nhắc khi nhận yêu cầu đặt tiệc qua điện thoại, mạng xã hội. Khoảng 2 tuần trước, chị T. (chủ quán ăn ở Phường 3, TP Vĩnh Long) nhận được điện thoại của người phụ nữ giới thiệu là giáo viên một trường THCS, cần đặt bàn tiệc cho 26 người ăn và đề nghị kết bạn qua Zalo để tiện trao đổi. Sáng hôm sau, người này gọi lại chị T. và nói cần đặt 10 thùng rượu vang làm “quà tặng của hiệu trưởng cho các giáo viên xuất sắc” nên nhờ chủ quán chuẩn bị.

Sau đó, người phụ nữ này cho chị T. số điện thoại, nói chỗ quen biết, có bán loại rượu vang đang cần và nhờ chị T. mua giùm. “Do buôn bán bận rộn nên tôi từ chối thì người này nói sẽ trao đổi lại với hiệu trưởng rồi cho hay. Sau đó, tôi gọi lại chốt đơn và yêu cầu đặt cọc thì người này chặn liên lạc, thay luôn tên và ảnh đại diện Zalo”- chị T. kể.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo chủ động liên lạc, kết bạn mạng xã hội với các chủ nhà hàng, quán ăn. Sau khi thống nhất việc đặt tiệc, đối tượng yêu cầu chủ cơ sở chuẩn bị rượu, thức uống hoặc quà tặng giá trị lớn khó tìm mua trên thị trường. Tiếp đến, các đối tượng sẽ giới thiệu nơi bán các mặt hàng này, thực tế đây chỉ là màn kịch do đồng bọn chúng đóng giả với mục đích lừa đảo.

Các đối tượng dàn dựng “kịch bản” rất tinh vi với các thông tin hợp lý, thuyết phục. Chúng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác nhau, liên tục gọi, nhắn tin thúc giục, hứa chiết khấu hoa hồng cao, làm giả thông tin giao dịch chuyển tiền để chủ quán tin tưởng. Thủ đoạn lừa đảo này diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, nhiều người không cảnh giác đã rơi vào bẫy lừa đảo.

Không may mắn như chị T., cuối tháng 4 vừa qua, một nhà hàng ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển hơn 230 triệu đồng mới phát hiện “ăn quả lừa”. Theo đó, kế toán nhà hàng là bà H. nhận được điện thoại của một người đàn ông đặt tiệc tiếp đoàn khách khoảng 24 người. Sau khi trao đổi và gửi menu chọn món ăn qua Zalo, người đàn ông này yêu cầu phải có loại rượu vang Twomey.

Bà H. liên hệ nhiều nơi không có loại rượu này nên báo lại khách hàng. Và cũng như những gì chị T. gặp phải, người đàn ông kia cũng giới thiệu địa chỉ mua rượu, đồng thời nhờ bà H. mua thêm nhân sâm làm quà tặng. Tin tưởng, bà H. đã chuyển hơn 230 triệu đồng để mua các mặt hàng này nhưng nhiều ngày trôi qua không thấy ai giao và cũng không có khách nào đến dự tiệc.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nên đặt nghi vấn khi khách yêu cầu các món ăn, rượu, quà tặng giá trị cao, khó mua, nhất là các địa chỉ do họ giới thiệu vì đây có thể là thủ đoạn của đối tượng lừa đảo. Bên cạnh, chủ cơ sở cần xác thực thông tin khách hàng, thận trọng khi chuyển tiền thanh toán cho bất kỳ ai và báo ngay cơ quan công an khi thấy có dấu hiệu lừa đảo.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG