Nhận chuyển nhượng vốn, lãnh luôn công nợ

Cập nhật, 04:57, Thứ Ba, 07/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Sau khi chuyển giao toàn bộ số tiền góp vốn, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng cứ đùng đẩy trách nhiệm phần công nợ, buộc bên cho vay phải kiện ra tòa để đòi lại tiền.

Anh N.Q.K. nguyên là người đại diện theo pháp luật của một công ty ở TP Vĩnh Long. Tháng 1/2021, anh K. đại diện công ty ký hợp đồng với ông N.V.X. vay 4 tỷ đồng, thời hạn vay 6 tháng, lãi suất thỏa thuận 3 %/tháng nhưng không ghi vào hợp đồng.

Để đảm bảo nợ vay, phía công ty đã giao cho ông X. giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan chức năng cấp cho công ty. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, phía công ty không trả nợ gốc và lãi cho ông X. đúng như thỏa thuận.

Đến tháng 3/2022, anh K. lập hợp đồng chuyển nhượng vốn của công ty cho bà P.T.L.P. và bà P. đã đứng tên đại diện theo pháp luật.

Khi đó, ông X. nhiều lần gặp bà P. và anh K. yêu cầu trả nợ nhưng hai bên cứ đùng đẩy trách nhiệm cho nhau không ai chịu trả số tiền đã vay.

Do đó, ông X. khởi kiện ra tòa yêu cầu bà P. và anh K. liên đới trả nợ gốc 4 tỷ đồng cùng tiền lãi tính từ ngày vay cho đến ngày tòa đưa vụ kiện ra xét xử.

Quá trình giải quyết vụ việc, anh K. đồng ý cùng bà P. trả cho ông X. số nợ gốc 4 tỷ đồng, không đồng ý trả tiền lãi.

Bà P. với tư cách bị đơn và là người đại diện theo pháp luật của công ty được tòa tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án nhưng không có văn bản trình bày ý kiến và đều vắng mặt không lý do khi tòa tiến hành hòa giải.

Do bà P. vắng mặt hai lần không lý do dù đã được triệu tập hợp lệ nên HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bà P..

Theo HĐXX, tại hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa anh K. và bà P. có thể hiện nội dung bên nhận chuyển nhượng vốn kế thừa và chịu trách nhiệm về các khoản phải thu, phải trả của công ty từ khi thành lập cho đến nay trong phạm vi vốn góp của bên chuyển nhượng và kể từ ngày hoàn tất việc chuyển nhượng vốn.

Do đó, khi công ty đăng ký thay đổi chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật là bà P. thì công nợ của công ty phải được tiếp tục kế thừa, chuyển giao.

Do bà P. và anh K. tự nguyện thỏa thuận nội dung trên trong hợp đồng chuyển nhượng vốn và công nợ 4 tỷ đồng mà công ty vay của ông X. được xác lập bằng văn bản có công chứng nên đây là tình tiết, sự kiện được xác định là sự thật, không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nên ông X. khởi kiện yêu cầu trả số tiền vay 4 tỷ đồng là có căn cứ chấp nhận.

Riêng phần lãi suất, hợp đồng vay không thỏa thuận rõ về lãi suất nhưng ông X. trình bày có thỏa thuận bằng lời nói là 3 %/tháng, phía anh K. trình bày là 5 %/tháng.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì trong trường hợp không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định, tức tương đương 0,83 %/tháng.

Từ những cơ sở trên, HĐXX tuyên buộc công ty do bà P. là người đại diện theo pháp luật và anh K. liên đới trả ông X. nợ gốc 4 tỷ đồng và tiền lãi hơn 691 triệu đồng; buộc ông X. trả lại cho công ty bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sau ngày xét xử, nếu công ty của bà P. và anh K. không thi hành quyết định trên sẽ phải chịu thêm tiền lãi của khoản nợ phải thi hành theo luật định.

DIỄM PHƯỢNG