Giả danh cảnh sát phòng cháy chữa cháy để... bán tài liệu

01:03, 22/03/2023

Các đối tượng lừa đảo giả danh cảnh sát PCCC gọi điện yêu cầu người dân tham gia tập huấn, mua hồ sơ, tài liệu về PCCC. Thủ đoạn lừa đảo này đã xuất hiện cách đây nhiều năm, nay lại tái diễn nên người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.

(VLO) Các đối tượng lừa đảo giả danh cảnh sát PCCC gọi điện yêu cầu người dân tham gia tập huấn, mua hồ sơ, tài liệu về PCCC. Thủ đoạn lừa đảo này đã xuất hiện cách đây nhiều năm, nay lại tái diễn nên người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.

Vừa xây xong 10 căn phòng trọ cho thuê tại xã Tân An Thạnh, anh N.T.T. (ngụ huyện Bình Tân) liên hệ cơ quan chức năng hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh.

Ngay trong ngày hôm sau, anh T. nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là cảnh sát PCCC cho hay “sắp tới Bộ Công an vào kiểm tra an toàn PCCC”, đồng thời yêu cầu anh T. phải mua hồ sơ, tài liệu về PCCC nếu không sẽ bị phạt.

“Nếu có tập huấn PCCC thì cơ quan công an sẽ có giấy báo, nêu rõ thời gian và địa điểm.

Nào giờ đâu có chuyện cảnh sát PCCC gọi điện ép buộc mua tài liệu PCCC kiểu này. Tôi nghe nói là biết lừa đảo rồi”, anh T. nói.

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) ghi nhận có 52/63 địa phương xảy ra việc các đối tượng giả danh cán bộ cảnh sát PCCC liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí đến gặp trực tiếp để lừa đảo bán tài liệu, phương tiện, yêu cầu tổ chức các lớp tập huấn PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm trục lợi. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới mà đã xuất hiện nhiều năm nay.

Tuy nhiên, một số trường hợp chưa nắm bắt thông tin hoặc mất cảnh giác nên đã bị các đối tượng trên lừa đảo.

Bức xúc vì người thân bị quấy rầy bởi các cuộc gọi đe dọa, ép buộc phải tham gia các lớp tập huấn và mua tài liệu PCCC, anh D. (ngụ huyện Bình Tân) kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý triệt để các đối tượng lừa đảo nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Sự việc xảy ra cách đây hơn 10 ngày, cũng với thủ đoạn tương tự mà anh T. gặp phải, anh D. cho biết nhờ tinh thần cảnh giác nên người thân của anh đã không sụp bẫy lừa đảo.

Theo Cục Cảnh sát PCCC, thủ đoạn lừa đảo thường thông qua hình thức gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, người dân, nhất là các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động và giới thiệu là cán bộ cảnh sát PCCC yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ với giá cao hơn thị trường.

Có đối tượng còn mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, sau đó yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt.

Sách và tài liệu sau khi được gửi qua đường bưu điện, người mua phải trả tiền mới được nhận. Tuy nhiên, người mua không thể liên lạc với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán.

Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang, làm phiền người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ không gửi bất cứ tài liệu, phương tiện liên quan đến công tác tập huấn nghiệp vụ dưới hình thức chuyển phát nhanh, cũng không yêu cầu người dân, doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không giao dịch mua bán với các đối tượng này, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cơ quan công an gần nhất.

NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh