Sau 2 ngày xét xử, chiều 10/2, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên án đối với các bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Lương thực Vĩnh Long. Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.
HĐXX tuyên án. |
(VLO) Sau 2 ngày xét xử, chiều 10/2, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên án đối với các bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Lương thực Vĩnh Long. Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Lần gần đây là vào giữa năm 2020, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy án để điều tra lại.
Giám đốc chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố ra trước TAND tỉnh Vĩnh Long đối với các bị cáo từng là cán bộ, nhân viên Công ty Lương thực Vĩnh Long, gồm: Huỳnh Văn Thức (SN 1974, Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh), Trần Thị Diễm Thúy (SN 1973, Kế toán trưởng) tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Phạm Anh Thơ (SN 1963, Tổ trưởng Tổ Nông sản), Võ Minh Khôi (SN 1989, nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh) tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (SN 1962) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, gọi tắt là Công ty Thịnh Phát) và Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1981, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thịnh Phát) tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án xảy ra vào năm 2012, theo đó, Công ty Lương thực Vĩnh Long là chi nhánh của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, 100% vốn nhà nước.
Ngành nghề kinh doanh của công ty là chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lương thực, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, vật tư thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp,...
Quá trình hoạt động kinh doanh, bị can Dương Lê Dũng là Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long đã cố ý làm trái quy định, vượt thẩm quyền khi tự ý thỏa thuận hợp tác với Công ty Thịnh Phát dưới hình thức đầu tư vốn mua hàng để xuất khẩu, ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh tế nhưng không xin ý kiến Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.
Tiếp đến, Dũng chỉ đạo Thức và Thúy triển khai thực hiện. Trong khi đó, 2 bị cáo này là cán bộ dưới quyền, nhận thức được việc ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thịnh Phát không xin ý kiến tổng công ty là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 102 tỷ đồng, là số tiền đầu tư ứng trước chưa thu hồi được.
Hành vi của Dũng, Thức, Thúy đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó, Dũng là người trực tiếp thực hiện tội phạm với vai trò chủ mưu nhưng ngày 4/12/2014, bị can tự tử chết trong khi đang bị tạm giam nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đình chỉ điều tra đối với bị can này.
Thức, Thúy thực hiện hành vi phạm tội giữ vai trò đồng phạm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Sau đó, Công ty Thịnh Phát thế chấp 3 tài sản cho Công ty Lương thực Vĩnh Long để cấn trừ nợ, trong đó có 1 tài sản đã chuyển quyền sở hữu cho Công ty Lương thực Vĩnh Long để khắc phục một phần thiệt hại theo giá trị hai bên thỏa thuận là hơn 40,3 tỷ đồng, tài sản này theo định giá của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh là hơn 40,8 tỷ đồng.
2 bị cáo Thơ và Khôi là nhân viên Công ty Lương thực Vĩnh Long, không tham gia bàn bạc và triển khai việc hợp tác kinh doanh, đầu tư ra ngoài ngành nhưng được giao trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, giám sát hàng hóa, xác nhận và quản lý hàng hóa để làm cơ sở ứng tiền, do thiếu trách nhiệm đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cụ thể, bị cáo Thơ gây thiệt hại hơn 68,9 tỷ đồng, Khôi gây thiệt hại 32,4 tỷ đồng, tương ứng với số hàng hóa đã xác nhận khống. Hành vi của 2 bị cáo đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Nâng khống số lượng hàng hóa
Đối với Nghĩa và Thạch, quá trình giải chấp 2 kho hàng để thực hiện các hợp đồng hợp tác với Công ty Lương thực Vĩnh Long, mặc dù biết rõ hàng trong kho bị hao hụt và theo kết quả giám định chỉ có khoảng 24.838 tấn nhưng không thông báo cho Công ty Lương thực Vĩnh Long biết.
Nghĩa chỉ đạo Thạch xác nhận hàng có trong kho là 39.500 tấn để được Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển luôn số lượng hàng xác nhận khống, lấy tiền này trả ngân hàng và chi tiêu khác cho Công ty Thịnh Phát, cũng như sử dụng cá nhân.
Do không có hàng giao, Nghĩa, Thạch đã sử dụng hàng của hợp đồng sau chuyển qua thực hiện cho các hợp đồng trước. Khi không còn hàng, Nghĩa tiếp tục chỉ đạo Thạch và các nhân viên Công ty Thịnh Phát lập khống 11.100 tấn hàng để nhận tiền ứng vốn kinh doanh, chi tiêu cho công ty và sử dụng cá nhân.
Với thủ đoạn gian dối này, Nghĩa, Thạch đã chiếm đoạt của Công ty Lương thực Vĩnh Long hơn 68,9 tỷ đồng. Hành vi của 2 bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó, Nghĩa trực tiếp thực hiện tội phạm với vai trò chủ mưu, giữ vai trò đồng phạm.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nghĩa, Thạch tự nguyện chuyển nhượng và thế chấp một số tài sản cho Công ty Lương thực Vĩnh Long để cấn trừ nợ, khắc phục hậu quả.
Trong vụ án này, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, đạt thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Thức, Trần Thị Diễm Thúy mỗi bị cáo 4 năm tù giam, cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Phạm Anh Thơ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Võ Minh Khôi 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”; Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa 7 năm tù giam, Nguyễn Ngọc Thạch 3 năm tù giam, cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin