Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được ví như "cú đấm thép" nhằm loại trừ tình trạng tài xế uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc không "khoan nhượng" với tài xế có nồng độ cồn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được ví như "cú đấm thép" nhằm loại trừ tình trạng tài xế uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc không “khoan nhượng” với tài xế có nồng độ cồn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (Khoản 6, Điều 5).
Tuy nhiên, hiện nay có không ít các tài xế cho rằng Luật của Việt Nam quy định quá chặt, trong khi nhiều nước trên thế giới đều có ngưỡng tối thiểu.
Theo thống kê, trên thế giới có 20 quốc gia đã áp dụng quy định cấm ở mức độ nồng độ cồn bằng 0. Số quốc gia còn lại đều đặt ra giới hạn mức tối thiểu từ 0,2-0,5mg/l khí thở trở lên mới bị xử phạt. Báo Nhân Dân điện tử ghi nhận ý kiến của nhà làm luật, chuyên gia y tế về vấn đề này.
Nếu không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước khác, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định “nồng độ cồn bằng 0”.
Vì sao có những quy định chặt chẽ như vậy, theo ông Quang: “Văn hóa rượu, bia của Việt Nam có phần nào mang tính hủ tục. Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia. Càng dung túng có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được”.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, quy định “nồng độ cồn bằng 0” của Việt Nam thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả đã được chứng minh bằng những con số. Ngay trong tháng đầu tiên Luật có hiệu lực, số ca tử vong do tai nạn giao thông đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Quý Mão. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số lượng xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%).
Không ít người dân cho rằng việc uống một chút rượu, bia sẽ không thể gây ra những tai nạn khi lưu hành phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế dự phòng, một công bố của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia.
Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh,… trong khi điều khiển phương tiện giao thông.
Vì vậy uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề.
Theo Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin