Tranh chấp vì hợp thức hóa mua bán bằng hợp đồng cho, tặng

05:03, 17/03/2022

Mua bán đất đai nhưng do vướng thủ tục nên đôi bên thống nhất làm hợp đồng bằng phương thức khác, dẫn đến tranh chấp kéo dài phải nhờ đến tòa án giải quyết.

(VLO) Mua bán đất đai nhưng do vướng thủ tục nên đôi bên thống nhất làm hợp đồng bằng phương thức khác, dẫn đến tranh chấp kéo dài phải nhờ đến tòa án giải quyết.

Cuối năm 2006, ông N.T.H. (ngụ huyện Mang Thít) được mẹ ruột lập di chúc tặng lại nhà và đất diện tích hơn 13.000m2. Đến năm 2008, ông bán lại cho chị ruột là bà T.H. thửa đất diện tích 500m2 với giá 10 chỉ vàng 24K và có lập giấy tờ mua bán.

Tuy nhiên, phần đất này vẫn còn do mẹ ông H. đứng tên nên các bên thỏa thuận hợp thức hóa bằng hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng đất vào năm 2010.

Ông H. trình bày: Lúc cán bộ địa phương xuống đo đạc thì ông có việc đột xuất nên giao cho bà T.H. chứng kiến, theo dõi sự việc. Năm 2014, địa phương tiến hành đo đạc lại theo chương trình VLAP và cấp cho bà T.H. quyền sử dụng đất với diện tích 697,6m2.

Sự việc kéo dài đến năm 2019, bà T.H. bán thửa đất này cho người khác thì ông H. mới phát hiện sự việc và yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Lần hòa giải đầu tiên, bà T.H. thừa nhận việc mua bán đất như trên nhưng không đồng ý trả lại giá trị phần đất chênh lệnh cũng như trả lại đất cho em mình.

Đến lần hòa giải tiếp theo, bà T.H. thừa nhận có mua của ông H. thửa đất 500m2 và hợp thức hóa bằng hợp đồng cho, tặng và hứa sẽ đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ông H. làm thủ tục tách thửa sang tên nhưng không giữ lời nên ông kiện ra tòa án đòi quyền lợi.

Trong khi đó, người đại diện hợp pháp cho phía bị đơn lại cho rằng, việc mua bán là có nhưng đến nay ông H. vẫn chưa giao đất cho bà T.H. canh tác. Bà T.H. cũng yêu cầu ông H. phải trả lại 10 chỉ vàng và phần đất 197,6m2.

Còn những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh ruột bà T.H. và ông H. thì cho rằng, sở dĩ dư ra 197,6m2 là do thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng, trên đất có một con mương nên bà T.H. được mẹ ruột cho thêm.

Theo nhận định của HĐXX, việc mua bán đất giữa ông H. và bà T.H. bằng hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng đất là phù hợp với lời trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và có sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình.

Đối với việc bị đơn không đồng ý trả lại phần đất 197,6m2 cho ông H. nhưng thừa nhận có việc mua bán theo giấy mua bán vào năm 2008; đồng thời, tại biên bản hòa giải bà T.H. cũng thừa nhận việc này và đồng ý trả lại phần đất 197,6m2 cho ông H..

Bên cạnh, tại biên bản xác minh của chính quyền địa phương, bà T.H. cũng thừa nhận có mua bán 500m2 đất với ông H. và hợp thức hóa bằng hợp đồng cho, tặng. Từ các cơ sở này xác định việc ông H. yêu cầu bà T.H. trả lại 197,6m2 là có căn cứ.

Do vậy, HĐXX tuyên xử đình chỉ xét xử một phần yêu cầu phản tố của bà T.H. về việc yêu cầu nguyên đơn trả diện tích đất 197,6m2. Đồng thời, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả giá trị quyền sử dụng phần đất 197,6m2 trị giá 14 triệu đồng.

Cuối cùng, vụ việc kéo dài nhiều năm cũng được giải quyết thỏa đáng trên tinh thần “thấu tình đạt lý”, nguyên đơn được nhận lại giá trị tài sản, còn bị đơn cũng được đảm bảo quyền lợi là giữ lại được đất canh tác.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh