Trên một số trang mạng xã hội, gần đây xuất hiện các "trung tâm giấy phép lái xe…" chào mời mua bán các loại giấy phép lái xe (GPLX) với quảng cáo công khai "có người thi hộ, có hồ sơ gốc" và "chúng tôi cam kết bằng 100% thật không cần phải thi nhận bằng trong vòng 7 đến 10 ngày"…
Mua bán GPLX giả trên mạng xã hội. |
Trên một số trang mạng xã hội, gần đây xuất hiện các “trung tâm giấy phép lái xe…” chào mời mua bán các loại giấy phép lái xe (GPLX) với quảng cáo công khai “có người thi hộ, có hồ sơ gốc” và “chúng tôi cam kết bằng 100% thật không cần phải thi nhận bằng trong vòng 7 đến 10 ngày”…Hành vi mua bán GPLX giả không chỉ vi phạm pháp luật, mà có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng để tham gia giao thông.
Mua bán đơn giản
Lướt vào Facebook gặp quảng cáo “Trung tâm GPLX…”. Tôi nhấp thử vào xem thông tin, thì nhận được ngay tin nhắn trên messenger: “Cảm ơn bạn đã quan tâm đến CS đào tạo lái xe của chúng tôi bạn vui lòng để lại SĐT để được tư vấn cụ thể nhé!”.
Tôi không trả lời. Qua ngày hôm sau lại nhận được tin nhắn: “Bạn cần gì?”. Tôi trả lời, cần GPLX hạng B2. Lập tức bên kia đưa ra giá rất rẻ: 3 triệu đồng (có người báo giá 3,5 đến 4,5 triệu đồng), đồng thời còn giới thiệu thêm GPLX tất cả các hạng, từ A1 đến FC, giá chỉ bằng phân nửa học phí tại các trung tâm đào tạo lái xe chính thức; chỉ trừ hạng A1 có giá cao hơn: 1,2 triệu đồng.
Sau khi giới thiệu giá, họ liên tục nhắn tin hối thúc tôi gửi ảnh, phôtô thẻ căn cước và cho địa chỉ nhận GPLX, cần làm sớm để nhận được ưu đãi… Đặc biệt là khi nhận được bằng lái xe, được kiểm tra trước khi trả tiền…
Việc xuất hiện tình trạng mua bán GPLX giả tràn lan trên các trang mạng xã hội xuất phát từ nhu cầu của một số người lười đi học nhưng để có GPLX đối phó lực lượng chức năng. Đáng nói hơn, tình trạng làm giả GPLX, mặc dù rõ ràng là vi phạm pháp luật nhưng lại được quảng cáo một cách công khai.
Theo Thượng tá Trần Ngọc Đời- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Vĩnh Long), trong thời gian qua, thỉnh thoảng đơn vị phát hiện người dân sử dụng GPLX giả thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hoặc một số biện pháp nghiệp vụ tại đơn vị. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với loại tội phạm làm giả GPLX và bán thì rất khó, nhất là việc xác định và truy tìm những đối tượng tổ chức làm GPLX giả. Do người sử dụng GPLX giả không cung cấp được địa chỉ cụ thể, việc giao dịch mua bán chủ yếu thông qua mạng xã hội, nên gây khó khăn cho quá trình điều tra của các cơ quan chức năng.
Cần đi học để hiểu luật và lái xe an toàn
Khi chúng ta sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, khi điều khiền phương tiện thì tâm trạng luôn lo sợ bị phát hiện, xử phạt. Từ đó tâm lý không ổn định, điều khiển phương tiện thiếu tự tin, có thể xảy ra tai nạn.
Luật định, phương tiện cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ. Người tham gia giao thông cần biết, khi điều khiển phương tiện trên đường, chỉ cần một chút lơ đễnh, hoặc điều khiển phương tiện sai quy tắc, sai luật là có thể xảy ra tai nạn. Vì vậy, mọi người cần nắm rõ và tuân thủ quy tắc giao thông, biển báo hiệu đường bộ. Và để biết các quy tắc giao thông, điều đầu tiên là phải học lái xe và dự sát hạch do cơ quan có thẩm quyền tổ chức và cấp GPLX.
Trung tâm Sát hạch lái xe Trường Cao đẳng nghề số 9 (tỉnh Vĩnh Long). |
GPLX là do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như: xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác. Người xin cấp GPLX cần phải dự lớp học lái xe ở các trung tâm đào tạo lái xe được cấp phép, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc kỳ thi sát hạch về lái xe để được cấp GPLX. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông bằng phương tiện được ghi trong GPLX.
Việc xử phạt hành vi sử dụng bằng lái xe giả được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau: – Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: Người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.– Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh: Người điều khiển phương tiện sử dụng bằng lái xe giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.– Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác: Người điều khiển xe sử dụng bằng lái xe giả, sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. |
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin