Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người mất việc làm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn nhưng vẫn có người lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm để trục lợi bằng nhiều chiêu trò tinh vi.
Một trong những tin nhắn kẻ gian sau khi hack Facebook đã giả Việt kiều nhờ chuyển tiền làm từ thiện. |
Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người mất việc làm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn nhưng vẫn có người lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm để trục lợi bằng nhiều chiêu trò tinh vi.
Giữa tháng 8/2021, chị Nguyễn Thị Loan (ở TP Vĩnh Long) nhận được tin nhắn qua messenger của người em đang định cư ở nước ngoài với những câu mở đầu “khỏe không, đang ở đâu, công việc ổn chứ…” rất khách sáo. Thấy lạ nhưng chị Loan vẫn trả lời nhiệt tình như mỗi khi chị em có dịp “chat”.
Sau vài câu thăm hỏi bâng quơ, “cô em Việt kiều” của chị Loan cho biết gia đình người bạn có cha mẹ và em trai đang ở TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đang rất cần tiền để trang trải cuộc sống và giúp những người khó khăn trong khu phố. Vì chờ tiền gửi từ nước ngoài về hơi lâu nên nhờ chị Loan chuyển giúp 50 triệu đồng. Khi nào khu vực chị Loan ở hết giãn cách thì “cô em” sẽ gửi tiền về trả sau.
Lúc đầu, nghe nói giúp người khó khăn, chị Loan đồng ý ngay. Nhưng khi “cô em Việt kiều” cho số tài khoản kêu chuyển tiền liền thì chị lại sinh nghi. Lấy lý do thoát cuộc trò chuyện để chuyển tiền, chị Loan gọi điện cho em gái qua tài khoản Zalo để kiểm tra thông tin thì được em gái cho biết “Facebook bị hack không vào được và cũng không có người bạn nào nhờ chuyển tiền cho người thân ở TP Hồ Chí Minh”. Em chị Loan còn cho biết thêm, những ngày qua có một số Việt kiều cũng được người thân ở Việt Nam báo Facebook bị hack nhờ chuyển tiền, kêu gọi ủng hộ từ thiện nhưng khi kiểm tra lại thì toàn lừa đảo.
Theo cảnh báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Số khác thì hack Facebook rồi gửi tin nhắn qua messenger hỏi mượn tiền hoặc đưa số tài khoản mạo danh tổ chức này, cá nhân kia đứng ra làm từ thiện để kêu gọi ủng hộ. Do đó, mọi người nên đề cao cảnh giác.
Để tránh bị hack tài khoản Zalo, Facebook,… nhằm vào mục đích xấu, theo các chuyên gia an ninh mạng thì chủ tài khoản nên đặt mật khẩu độ khó cao, bảo mật hai bước kèm theo, hạn chế share hoặc chia sẻ link, phần mềm, tiện ích miễn phí vì thường có mã độc. Khi tài khoản bị hack, kẻ gian sẽ lợi dụng thông tin, danh tính để lừa đảo nên mọi người không vội tin và nghe theo để tránh “tiền mất tức mang”.
Tại Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định: Hành vi dùng thủ đoạn gian dối như giả danh cơ quan tổ chức hoặc nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn người đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, đưa ra những thông tin gian dối hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự. |
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin