Thủ đoạn biến tướng của tội phạm "tín dụng đen"

08:12, 27/12/2019

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng cao nhưng để tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng phải ràng buộc nhiều điều kiện khắt khe. Vì thế, nhiều người đánh liều vay bên ngoài với lãi suất cao và trở thành nạn nhân của "tín dụng đen"…

 

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng cao nhưng để tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng phải ràng buộc nhiều điều kiện khắt khe. Vì thế, nhiều người đánh liều vay bên ngoài với lãi suất cao và trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”…

Nhiều ứng dụng vay tiền “dễ dàng, nhanh chóng” nhưng người dân cần cảnh giác vì rất dễ sụp bẫy “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”.
Nhiều ứng dụng vay tiền “dễ dàng, nhanh chóng” nhưng người dân cần cảnh giác vì rất dễ sụp bẫy “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”.

Qua nhiều vụ án được công an triệt phá thời gian qua cho thấy, hầu hết nạn nhân của “tín dụng đen” có điều kiện kinh tế khó khăn và muốn có số tiền lớn trong thời gian ngắn để chi tiêu nên chấp nhận vay vốn của các cá nhân, tổ chức bên ngoài.

Q.- nhân viên tín dụng của một công ty tài chính- cho hay, “khách hàng tiềm năng” mà công ty này nhắm đến là công nhân và người dân nông thôn, vì họ cần tiền “nhanh, thủ tục đơn giản, không thế chấp bất cứ tài sản gì”. Phương thức quảng cáo chủ yếu là phát tờ rơi, dán thông báo ở những nơi đông người qua lại. Khách hàng chỉ được vay tối đa từ 10- 70 triệu đồng với lãi suất rất cao, từ 20- 65%/năm.

Q. còn tiết lộ, nếu sau vài tháng mà khách hàng không trả nợ đúng hạn, công ty sẽ “bán nợ” cho các đối tượng đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen. Khi đó, con nợ sẽ trở thành nạn nhân của các hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn, mắm tôm, hành hung,…

Trong một lần đi chợ, bà V.T.G. (ngụ TX Bình Minh) nhặt được tờ rơi quảng cáo cho vay với “lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản”. Đang lúc cần tiền trả nợ, bà G. điện thoại ngay cho nhân viên tư vấn và chỉ vài ngày sau, người này đã đến tận nhà hướng dẫn thủ tục.

Bà G. nhớ lại: “Đó là một thanh niên xăm trổ đầy mình, người này hướng dẫn nếu muốn vay 5 triệu đồng phải tốn phí 500.000đ và mỗi ngày phải góp 200.000đ trong vòng 30 ngày. Thực tế, tôi chỉ nhận được 4,5 triệu đồng nhưng phải trả món nợ 6 triệu đồng”. Tuy nhiên, do buôn bán ế ẩm, số tiền kiếm được không đủ trả nợ nên bà G. phải lên TP Hồ Chí Minh làm thuê.

Thời gian đi vắng, bà G. được hàng xóm thông báo có nhiều đối tượng lạ mặt tìm đến tận nhà, tạt sơn và tự ý dùng ổ khóa chốt luôn cửa chính. Lo sợ trả thù, bà G. đành treo bảng bán nhà và tìm cách thương lượng với bọn cho vay.

Không chỉ phát tờ rơi, dán thông báo ở những nơi công cộng, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi còn tận dụng sự phát triển của công nghệ để tạo ra các ứng dụng cho vay hoặc quảng cáo cho vay bằng tin nhắn đến điện thoại của người dân. Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá thành công vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc và đồng bọn thực hiện tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Không như một số vụ án liên quan đến “tín dụng đen” được phát hiện trong thời gian gần đây, các đối tượng cầm đầu đường dây này dùng thủ đoạn quảng cáo chào mời khách hàng vay vốn thông qua internet và điện thoại di động. Nhiều người không ngờ, số tiền vay được chỉ từ vài chục hoặc vài trăm triệu đồng nhưng thực tế hàng ngày phải thanh toán lãi suất 4,4% (tương đương 1.600%/năm).

Với lãi suất “cắt cổ”, chỉ trong thời gian ngắn khách hàng sẽ ôm món nợ không thể nào trả nổi. Khi đó, đối tượng cho vay sẽ gọi điện dọa nạt, gây sức ép buộc người vay tiền phải trả nợ.

Để có được “con mồi”, các đối tượng này sẽ thành lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật và phát triển các ứng dụng cho vay trực tuyến. Đầu tiên, khách hàng phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, sau đó chọn mục “Đồng ý” kèm theo điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với khách hàng để kiểm tra, thu thập thêm thông tin. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, người cho vay và khách hàng không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, công an đã triệt phá thành công thủ đoạn cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng như: vaytocdo, moreloan, VD online. Đối với ứng dụng cho vay “vaytocdo”, khách hàng chỉ được vay 1,7 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 1.428.000đ, còn lại 272.000đ là phí dịch vụ. Ngoài ra, khách hàng phải trả 2.040.000đ trong vòng 8 ngày và nếu chậm trễ sẽ bị phạt 102.000 đ/ngày.

Theo Bộ Công an, từ tháng 4/2019 đến thời điểm bị phát hiện, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng trên, với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Bộ Công an xác định, đây là hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.

Do đó, khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính nên tìm đến các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ, đồng thời cảnh giác với hình thức vay tiền thông qua các ứng dụng.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh