Đi tìm "kho vàng" của vua Gia Long

05:05, 16/05/2019

Sau mấy lần đi ra sau vườn lẳng lặng nhìn đi, ngắm lại khu đất cỏ tranh phủ đầy, riêng cái gò cao ở giữa chỉ lác đác mấy bụi cỏ héo úa, ông P. càng nhớ đến câu "Kim khắc Mộc" (vàng kỵ gỗ) theo thuyết ngũ hành tương khắc của triết học cổ đại Trung Hoa. 

(Tiếp theo và hết)

[links()]

Sau mấy lần đi ra sau vườn lẳng lặng nhìn đi, ngắm lại khu đất cỏ tranh phủ đầy, riêng cái gò cao ở giữa chỉ lác đác mấy bụi cỏ héo úa, ông P. càng nhớ đến câu “Kim khắc Mộc” (vàng kỵ gỗ) theo thuyết ngũ hành tương khắc của triết học cổ đại Trung Hoa.

Nhân công đào tìm “kho báu” theo suy diễn của ông P. Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Nhân công đào tìm “kho báu” theo suy diễn của ông P. Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Quay vào nhà nằm gác tay lên trán, ông suy tính lại và tự đặt câu hỏi: Tại sao nhóm người lạ mặt kia lại dám mua khu đất này đến 45 lượng vàng mà hỏi lý do thì họ nói là mua để cất nhà?

Qua mặt ai chớ qua mặt lão già này chẳng được đâu! Phải có cái gì đó quý giá gấp nhiều lần thì người ta mới dám bỏ ra số vàng lớn như vậy để mua mảnh đất khô cằn này.

Câu chuyện chúa Nguyễn Ánh phải bỏ lại cung tần, mỹ nữ ở miệt Nha Mân và cất giấu vàng bạc trên đường bôn tẩu càng thu hút trí tưởng tượng của ông.

Nếu đúng gò đất sau nhà là nơi cất giấu kho báu thì đó là phước đức bao đời của ông bà để lại. Khi tìm được kho báu thì gia đình ông trở thành tỷ… tỷ phú như chơi!

Thế là ông P. đứng ra kêu gọi anh em, con cháu trong gia đình phải đồng tâm hiệp lực, tích cực tham gia vào kế hoạch khai quật kho vàng. Nhưng trước tiên là phải có tiền để thuê nhân công đào bới, mua vật tư che chắn cho đất cát khỏi sạt lở, rồi chuyện cơm nước hàng ngày...

Nghe lời ông P. kêu gọi và bị hấp dẫn bởi tỷ lệ ăn chia khi tìm được kho báu, mọi người trong gia đình đều nhất trí. Người có tài sản thì bỏ tiền, vàng; người không tiền thì bỏ công sức gấp rút đào tìm “kho báu” của vua Gia Long để lại ở vùng đất bên bờ sông Hậu này.

Chỉ sau hơn một tháng khởi công, gò đất cao sau nhà đã bị san bằng, hình thành một chiếc ao rộng lớn mỗi cạnh dài khoảng 20m, chiều sâu từ 3- 4m. Công trình rộn rịp thu hút sự quan tâm của chính quyền, hàng xóm. Hàng ngày, ở đây có gần 30 người đến tham gia đào bới.

Đích thân ông P. đứng ra theo dõi việc tổ chức thi công và ông cho biết sẽ đào theo chiến thuật hẳn hoi, nghĩa là phải đào từ ngoài vào trong trung tâm một cách bài bản.

Bởi nếu đào không khéo, nhiều người có mặt cùng một lúc ở “khu trung tâm” quá làm vàng “bị động” nó sẽ di chuyển đi nơi khác là công toi! Để củng cố niềm tin, hàng ngày trong lúc công nhân đào bới thì ông P. luôn đặt một cái bàn có bày bánh trái, nhang đèn cúng vái.

Trong lúc giải lao, tốp công nhân còn nghe ông P. tính đến chuyện huy động vốn để có tiền tiếp tục đổ vào công trình, làm sẵn tỷ lệ ăn chia khi phát hiện “kho vàng” và cũng không quên bỏ ra một phần để làm công tác từ thiện, xây dựng cầu, đường giao thông tại địa phương giúp cho bà con thuận tiện trong việc mần ăn, đi lại!

Chuyện ở một vùng quê hẻo lánh mà tập trung hàng chục người đào đào, bới bới rồi cũng đến tai chính quyền địa phương. Lực lượng công an xã, huyện đã tìm gặp ông P. để nắm tình hình.

Do ông P. thuê người đào đất trong khu vườn gia đình mình nên công an chỉ nhắc ông về việc đảm bảo an ninh trật tự, không được tung tin đồn nhảm làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phải đảm bảo an toàn trong quá trình lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh…

Tuy nhiên sau một thời gian dài đào bới với hàng chục triệu đồng bỏ vào mà “kho báu” vua Gia Long cất giấu đâu vẫn không thấy. Có hôm, cả công trình muốn đứng tim khi có người đào trúng vật cứng và hô hoán: “đụng rồi!”

Thế nhưng khi lấy lên đó chỉ là mấy cái tô, chén sứt mẻ được sản xuất cách nay vài chục năm. Thời gian càng kéo dài càng làm chủ đầu tư đuối sức vì số tiền hàng ngày phải bỏ ra để mua vật tư, thuê mướn nhân công, trong khi gia đình của anh em bà S. ông P. cũng không mấy khá giả.

Cuối cùng đến một ngày… công trình đào ao tìm “kho báu” kết thúc không kèn không trống, mang theo vào lòng đất số tiền, vàng thật mà gia đình họ đã bỏ ra cùng với công sức hàng chục lao động vất vả trong mấy tháng trời! Nghe đâu sau câu chuyện này lũ con nít trong xóm thường hát câu như vầy:

Ai về thăm đất quê tôi

Có người đổ nợ vì moi tìm vàng!

TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh