Bị đơn cho rằng vì tin tưởng đối tác nên đã ký vào bản đối chiếu công nợ mà không kiểm tra nên phải trả số tiền ghi trên "giấy trắng mực đen" gần 2 tỷ đồng.
Bị đơn cho rằng vì tin tưởng đối tác nên đã ký vào bản đối chiếu công nợ mà không kiểm tra nên phải trả số tiền ghi trên “giấy trắng mực đen” gần 2 tỷ đồng.
Do có nhu cầu vay vốn nên bà H.T.T.H.- chủ một doanh nghiệp ở TP Vĩnh Long- đã ký 3 hợp đồng tín dụng với ngân hàng vay 6,8 tỷ đồng, tài sản thế chấp là các quyền sử dụng đất và xà lan 980 tấn.
Quá trình làm ăn, doanh nghiệp của bà H. gặp khó khăn nên không trả vốn cho ngân hàng đúng hạn. Do đó, phía ngân hàng đã gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bà H. trả tiền vốn lẫn lãi kéo dài gần 10 năm hơn 11,1 tỷ đồng.
Ngay sau khi thông tin bà H. bị ngân hàng “xiết nợ” và sẽ bị phát mãi tài sản lan đi, TAND TP Vĩnh Long nhận được đơn khởi kiện của ông V.T.N.- chủ một doanh nghiệp ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp)- yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp xà lan giữa bà H. với ngân hàng và đòi bà H. phải trả 2 tỷ đồng khiến vụ việc càng thêm phức tạp.
Theo lời trình bày của ông N.: Ngày 24/4/2009, bà H. có thuê ông đóng xà lan 980 tấn giá 4,3 tỷ đồng nhưng khi ký hợp đồng, bà H. lại yêu cầu kê lên thành 6,6 tỷ đồng. Do bà H. là khách hàng quen và đồng ý chịu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nên ông đồng ý nâng khống giá lên.
Đến tháng 12/2009, xà lan hoàn thành, bà H. làm thủ tục đứng tên nhưng vì bà H. mới thanh toán 2,7 tỷ đồng nên ông không bàn giao xà lan như hợp đồng.
Đến ngày 15/5/2012, ông và bà H. lập biên bản đối chiếu công nợ xác nhận bà H. còn nợ ông 2 tỷ đồng gồm tiền đóng xà lan, tiền dầu và bản vẽ nhưng đến nay, bà H. vẫn không trả nên hợp đồng chưa thanh lý.
Do đó, quyền sở hữu xà lan vẫn thuộc về ông nên việc bà H. đem xà lan thế chấp vay vốn ngân hàng là chưa đủ căn cứ pháp lý.
Không đồng ý với nội dung trên, ngày 7/9/2016, bà H. có đơn phản tố, cho rằng: Bà thuê ông N. đóng xà lan giá 6,6 tỷ đồng nhưng sau đó giá thép xuống nên đôi bên thỏa thuận lại là 4,3 tỷ đồng. Sau đó, bà chuyển cho ông N. hơn 8,3 tỷ đồng và ông N. đã chuyển trả lại cho bà 4,3 tỷ đồng nên bà chỉ còn nợ tiền xà lan 272 triệu đồng cộng tiền dầu, bản vẽ tổng cộng hơn 305 triệu đồng chứ không phải 2 tỷ đồng như lời ông N.
Riêng bản đối chiếu công nợ ngày 15/5/2012, bà H. khẳng định đó là giả tạo nhằm mục đích ông N. vay tiền ngân hàng chứ không có thật.
Tuy nhiên, bà H. thừa nhận chữ ký trong bản đối chiếu công nợ là do bà ký trên tinh thần tự nguyện, không ai ép buộc hay đe dọa và có đọc lại nội dung. Tại thời điểm lập bản đối chiếu công nợ, do tin tưởng ông N. nên bà ký chứ không biết đã chuyển trả bao nhiêu tiền.
Sau khi về nhà kiểm tra, bà phát hiện chỉ còn nợ ông N. 272 triệu đồng liền đến gặp ông N. thỏa thuận lại nhưng ông N. từ chối. Việc này, bà có nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhưng vì không có tiền đóng tạm ứng án phí nên bà rút đơn lại.
Do đó, bà yêu cầu TAND TP Vĩnh Long tuyên bản đối chiếu công nợ ngày 15/5/2012 là vô hiệu do giả tạo đồng thời buộc ông N. phải giao cho bà xà lan và bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng do ông N. đã tháo gỡ máy móc và một phần xà lan khiến giá trị xà lan chỉ còn hơn 2,7 tỷ đồng.
Qua nhiều năm thụ lý, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long vừa đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, HĐXX nhận định: Việc đóng xà lan 980 tấn với giá trị thanh toán 4,3 tỷ đồng là có thật, còn giá 6,6 tỷ đồng là do hai bên lập ra nhằm mục đích cho bà H. hợp thức hóa để vay vốn ngân hàng.
Điều này, bà H. đã xác nhận trong biên bản lấy lời khai tại TAND TP Vĩnh Long và cũng được ông N. thừa nhận.
Đến ngày 15/5/2012, bà H. ký vào bản đối chiếu công nợ thừa nhận còn nợ ông N. 2 tỷ đồng nhưng cho rằng “ký vì tin tưởng ông N.” là không có cơ sở thuyết phục. Vì bà H. là chủ một doanh nghiệp, có kinh nghiệm lâu năm và đây là khoản tiền rất lớn trong khi bà đang nợ ngân hàng.
Mặt khác, bà đã được ông N. thông báo việc đối chiếu công nợ thì phải có thời gian kiểm tra sổ sách, tính toán để đối chiếu nên không thể chỉ căn cứ vào các chứng cứ chuyển tiền qua lại giữa hai bên.
Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên buộc bà H. phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ông N. tiền nợ xà lan, tiền chênh lệch hóa đơn giá trị gia tăng, tiền dầu, bản vẽ 1,99 tỷ đồng (trừ 10 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp ông N. yêu cầu nhưng không được chấp nhận) theo nội dung bản đối chiếu công nợ cộng tiền lãi chậm thanh toán đến nay hơn 1,3 tỷ đồng, tổng cộng bà H. phải trả cho ông N. hơn 3,3 tỷ đồng.
Không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp xà lan giữa bà H. với ngân hàng của ông N. vì bà H. đã làm thủ tục đứng tên chủ phương tiện nên việc bà đem xà lan thế chấp là phù hợp pháp luật.
Buộc ông N. giao cho bà H. xà lan và bồi thường thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng do quá trình quản lý, ông N. đã tháo động cơ và một số vật tư, thiết bị làm cho xà lan giảm giá trị mà không có sự đồng ý của bà H.
Không chấp nhận yêu cầu của bà H. về việc hủy bản đối chiếu công nợ ngày 15/5/2012 vì đây là chứng cứ xác nhận công nợ cuối cùng giữa đôi bên và tại phiên tòa sơ thẩm, bà H. không cung cấp chứng cứ chứng minh việc ký bản đối chiếu công nợ đó là giả tạo nhằm che dấu cho một giao dịch khác.
Đối với khoản nợ vay của ngân hàng, HĐXX buộc bà H. trả cho ngân hàng tiền vốn lẫn lãi hơn 11,1 tỷ đồng. Trường hợp bà H. không thanh toán hết nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ, bao gồm các quyền sử dụng đất và xà lan nói trên.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin