Cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen

06:03, 13/03/2019

Thời gian gần đây, tình hình tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức, cộng với nạn trộm cắp hoành hành, thì tình trạng cho "vay nặng lãi", "tín dụng đen" cũng ẩn chứa nhiều bất an đối với cộng đồng, xã hội. 

Thời gian gần đây, tình hình tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức, cộng với nạn trộm cắp hoành hành, thì tình trạng cho “vay nặng lãi”, “tín dụng đen” cũng ẩn chứa nhiều bất an đối với cộng đồng, xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin đề cập về tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen hiện nay.

Theo Công an huyện Bình Tân, thủ đoạn hoạt động chủ yếu của đối tượng là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, những đối tượng cho vay nặng lãi tổ chức cấp phát, dán tờ rơi ở khu đông dân cư, các điểm họp chợ, ngã tư, cột điện,… với những nội dung rất hấp dẫn như:

“Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày” hoặc chỉ cần “A lô, là có tiền”… kèm theo số điện thoại liên lạc nhằm lừa người vay tiền với các thủ đoạn rất đơn giản, nhanh gọn. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy” họ giăng ra đối với người cần vay tiền.

Tìm hiểu về đối tượng cho vay, đa số họ là những người từng có tiền án, tiền sự, mình mẫy xăm trổ, mặt mũi dữ tợn, tụ tập dưới trướng là bọn đàn em côn đồ, sẵn sàng bắt giữ, hành hung con nợ khi cần thiết. Họ thường là người có gốc ở các tỉnh phía Bắc (vào thuê nhà tạm trú trong các chung cư, kể cả những khu nhà trọ giá rẽ).

Cách thức cho vay, có thể là cho vay trực tiếp bằng tiền mặt (như lời quảng cáo) hoặc dưới vỏ bọc là tiệm cầm đồ, thế chấp tài sản, bán hàng trả góp có giá trị lớn (sau đó mua lại những hàng hóa đó để tiếp tục thực hiện hành vi,…).

Để trốn tránh pháp luật, thường họ yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản… với lãi suất thấp bằng quy định Nhà nước, nhưng thực tế thì người vay phải trả với lãi suất rất cao, có khi lên tới 40%/tháng.

Ví dụ: người vay 20 triệu đồng nhưng trên thực tế chỉ nhận được 16 triệu, còn 4 triệu chi vào tiền “hoa hồng” và góp luôn kỳ trả nợ thứ 1.

Sau đó, cứ 5 ngày là phải góp 2,8 triệu đồng (góp trong 9 lần). Như vậy, người vay được 16 triệu, sau 2 tháng phải trả góp lên tới 29,2 triệu đồng. Lưu ý, các khoản vay này sẽ tăng theo cấp độ “lãi mẹ đẻ lãi con”, nếu con nợ không có khả năng thanh toán theo hợp đồng ban đầu.

Đến hạn mà người vay không trả đủ, họ cho “đàn em” kéo đến gây áp lực, từ hù dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần (thường là tạt chất bẩn vào nhà) đến hành hung, đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản,…

Có rất nhiều trường hợp (ở các địa phương khác), người vay phải bán nhà trả nợ, bỏ trốn khỏi địa phương, gây mất an ninh- trật tự xã hội, gây bất an trong cộng đồng dân cư.

Một hình thức chiếm đoạt tài sản khác của đối tượng là “lừa huy động vốn”, “vay tiền với lãi suất cao”. Để huy động được vốn, bọn họ thường tạo cho mình có vỏ bọc sang trọng, giàu có, uy tín trong giới kinh doanh,… nhằm “đánh bóng thương hiệu” để dễ bề thực hiện hành vi lừa đảo.

Để lấy lòng tin của người cho vay, họ đã trả lãi suất cao, đều đặn trong thời gian đầu; sau đó, vay của người sau trả cho người trước theo hình thức vòng quanh. Để thực hiện trót lọt mưu đồ của mình, họ tìm mọi cách che đậy mục đích vay tiền và cố gắng thu hút sự tham gia của nhiều người.

Đến khi lượng tiền vay lên cao, hết khả năng chi trả (có thể đã vun vén làm của riêng) thì đối tượng bỏ trốn hoặc tuyên bố phá sản, vỡ nợ nhằm trốn tránh pháp luật và người cho vay.

Được biết, các giao dịch vay tiền này thường không có hợp đồng cụ thể, thiếu minh bạch, thậm chí chỉ là những “hợp đồng miệng”, nên khi xảy ra sự việc đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý của ngành chức năng.

Công an huyện Bình Tân khuyến cáo, người dân khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức “tín dụng đen” như: thấy có nhiều người lạ (thanh niên) thuê nhà tạm trú trên địa bàn hoặc phát hiện đối tượng vay tiền, huy động vốn bất thường, biểu hiện lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… thì chủ động điện báo ngay cho công an địa phương để ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, bà con cũng cần cảnh giác khi cho người khác vay mượn với số tiền lớn. Nếu có thì phải tìm hiểu kỹ về nhân thân, mục đích vay, điều kiện kinh tế của người vay; không hám lợi trước những đối tượng hứa hẹn trả lãi suất cao bất thường thì cũng rất dễ dính “bẫy”.

PHÚC THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh