Hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù

05:11, 03/11/2017

Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Các sở ban ngành, mặt trận cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng (2015- 2016) vừa được tổ chức, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- chỉ đạo: Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Các sở ban ngành, mặt trận cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

 

Công an đến thăm, động viên và tặng quà cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.
Công an đến thăm, động viên và tặng quà cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

Thời gian qua, nhiều địa phương chú trọng thực hiện tốt, giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa dần kỳ thị, mặc cảm và tạo cơ hội cho họ hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống.

Giúp xóa dần những kỳ thị, mặc cảm

Báo cáo của Công an Vĩnh Long, trong 2 năm (2015- 2016), công an tiếp nhận 1.134 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

Tâm lý chung của người chấp hành xong án phạt tù là sợ bị kỳ thị, xã hội xa lánh và cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm.

Bởi thế xã hội cần thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ có cơ hội ổn định cuộc sống và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian qua, chính quyền địa phương và nhất là quần chúng nhận thức về công tác tái hòa nhập cộng đồng có chuyển biến tích cực.

Tình trạng phân biệt không còn như trước mà thay vào đó là sự đồng cảm chia sẻ, gần gũi, giúp đỡ họ xóa mặc cảm, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tiếp nhận, quản lý, tạo công ăn việc làm được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Một số nơi xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay, thu hút đông đảo người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tích cực tham gia, từ đó hạn chế được tỷ lệ tái phạm tội và phát huy được công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Để tạo cơ hội hoàn lương “bền vững”, nhiều địa phương gắn công tác tái hòa nhập cộng đồng với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để vận động cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Công an Vĩnh Long chỉ đạo phòng nghiệp vụ (PC81), đơn vị huyện, xã xây dựng mô hình “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú địa phương”.

Các ban ngành, đoàn thể địa phương quản lý, giáo dục, giới thiệu 49 người có việc làm ổn định và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hàng trăm triệu đồng cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có vốn sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.

Công an các cấp thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm hỏi, sức khỏe, cuộc sống những người chấp hành xong án phạt tù và vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà động viên họ cố gắng vượt qua kỳ thị xã hội, làm lại cuộc đời.

Qua đó, ngày càng có nhiều người chấp hành xong án phạt tù được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống trở thành những tấm gương được biểu dương, khen thưởng, như anh Lê Minh Phụng (Vũng Liêm), Trương Văn No, Võ Văn Thắng Em (Mang Thít).

Cần sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng

Thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Một số nơi cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành công an nên thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát.

Theo đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú chỉ dừng lại ở việc quản lý, giáo dục mà chưa quan tâm đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Số người được giúp đỡ, hỗ trợ còn hạn chế so với hơn 2.500 người chấp hành xong án phạt tù toàn tỉnh.

Trong khi đó, đa phần họ gặp khó khăn về kinh tế, bị kỳ thị, phân biệt khi xin việc làm, nên nguy cơ tái phạm tội là rất cao.

Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo:

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng công tác quản lý, cảm hóa giáo dục người vi phạm pháp luật; làm tốt công tác tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng để từng cấp ngành, người dân hiểu và tích cực tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng hoàn lương.

Công tác tái hòa nhập cộng đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nên cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng.

Ông Lữ Quang Ngời yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề với loại hình đào tạo phải đa dạng.

Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cá nhân tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vào làm việc.

Sở Nội vụ và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh sớm có đề án thành lập quỹ “Xã hội với an ninh trật tự” để đáp ứng nhu cầu công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Hiện, toàn tỉnh có 2.547 người chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng, đa phần họ đều thiếu việc làm, gặp khó khăn trong cuộc sống, cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

Công an Vĩnh Long đề nghị UBND tỉnh trích kinh phí sớm thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất, mua bán, học nghề tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: HOÀI NAM

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh