Chỉ vì ngộ nhận mà các bị cáo đã đánh một người không quen biết gây thương tích nên phải ra tòa lãnh án.
Chỉ vì ngộ nhận mà các bị cáo đã đánh một người không quen biết gây thương tích nên phải ra tòa lãnh án.
Các bị cáo Phạm Văn Nhờ (SN 1993- ngụ đường Lò Rèn, Phường 4- TP Vĩnh Long), Nguyễn Đức Nhân (SN 1995), Ngô Thanh Tiến (SN 1995- cùng ngụ đường Mậu Thân, Phường 3), Phạm Quang Vinh (SN 1993), Đặng Phú Bé (SN 1992)- cùng ngụ ấp Long Thuận B, xã Long Phước- Long Hồ và Phan Đặng Vĩnh Tân (SN 1995- ngụ ấp Quý Trinh, xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy- Tiền Giang) bị Viện KSND TP Vĩnh Long truy tố tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 BLHS.
Trước tòa, các bị cáo thừa nhận: Khoảng 23 giờ ngày 25/2/2012, Nhờ điều khiển xe chở Tân và Nhân đến quán cháo trên đường Phó Cơ Điều (Phường 8) nhậu. Trong lúc chờ chủ quán mang thức ăn ra, Nhờ kêu Tân đưa đoạn dây xích dài 1,5m Tân đang giữ cho Nhờ cất. Việc này đã làm cho 3 thanh niên ngồi nhậu bàn kế bên “thấy ghét” nên khi Nhờ vừa cất sợi dây xích vào túi áo khoác thì bị nhóm thanh niên dùng ghế đánh. Sự việc được mọi người can ngăn, Nhờ và Nhân không bị thương tích gì bỏ ra về.
Tuy nhiên, do trong lòng vẫn còn ấm ức chuyện bị đánh nên nhóm của Nhờ đã đi tìm hung khí (2 cây dao) và điện thoại rủ thêm Ngô Thanh Tiến, Nguyễn Văn Sơn trở lại quán cháo đánh nhóm thanh niên trả thù. “Lúc Nhân điện thoại kể lại việc bị đánh, Nhân hỏi bị cáo có hung khí không và rủ bị cáo đi đánh nhóm thanh niên kia trả thù nhưng bị cáo đã từ chối. Sau đó, Nhân tiếp tục điện bảo nhóm bên kia đông quá sợ đánh không lại nhờ bị cáo phụ nên bị cáo đã nhận lời. Khi đến quán cháo, thấy số thanh niên kia đông hơn nhiều nên bị cáo kêu Nhờ chở đến Long Phước rủ thêm Bé và Vinh”- Tiến khai với HĐXX. Còn Nhờ thừa nhận: Sau khi gặp nhau trước cổng Trường Xây dựng Miền Tây, Nhờ hứa là khi đánh trả thù xong sẽ dẫn cả nhóm đi uống rượu. Nhưng khi trở lại quán cháo trên đường Phó Cơ Điều, phát hiện nhóm thanh niên kia đã ra về, Nhờ kêu cả nhóm chạy về hướng bến xe Vĩnh Long tìm. Vừa đến dốc cầu Vòng, Nhờ thấy một người nữ và 2 thanh niên, trong đó có một người mặc áo trắng giống người trong nhóm đã đánh Nhờ ở quán cháo liền hô lên “nó kìa bây ơi” rồi dừng xe lại cùng Vinh, Nhân, Tiến dùng dây thắt lưng, dao, nón bảo hiểm đánh, chém 2 người thanh niên đang đi bộ trên đường. Cùng lúc, lực lượng cảnh sát giao thông đi tuần ngang thấy đánh nhau đã dừng xe lại truy bắt. Cả nhóm bỏ chạy tán loạn, riêng Nhờ và Nhân bị cảnh sát giao thông bắt tại chỗ, thu giữ một cây dao, một sợi dây xích.
Bị hại Tạ Văn Cảnh và Nguyễn Đăng Khoa khai rằng “không quen biết và cũng không có mâu thuẫn gì với nhóm của Nhờ”. Đêm đó, Cảnh, Khoa và chị Nguyễn Thị Thu Hà đang đi bộ từ hướng chợ Phường 8 về cầu Vòng thì bị Nhờ và đồng bọn vây đánh.
Kết quả giám định của Phòng Pháp y Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Anh Cảnh bị đánh, chém thương tích ở vai phải, ngón tay trái, bàn tay phải, cổ tay phải hạn chế vận động gấp duỗi do đứt gân, tỷ lệ thương tật chung 12%. Cảnh yêu cầu các bị cáo bồi thường các khoản trên 51 triệu đồng. Hiện Tân và gia đình không khả năng bồi thường nên gia đình Nhờ và các bị cáo Nhân, Tiến, Vinh, Bé đã liên đới bồi thường xong khoản tiền này. Riêng anh Nguyễn Đăng Khoa cũng bị đánh nhưng không bị thương tích nên từ chối giám định và không yêu cầu bồi thường.
Quá trình điều tra cũng như tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận đã đánh nhầm anh Cảnh và Khoa “xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt”. Nhưng theo HĐXX: Hành vi của Nhờ và đồng bọn thể hiện tính côn đồ, nguy hiểm. Chỉ vì ngộ nhận mà các bị cáo đã dùng hung khí đánh bị hại gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe người khác và mất an ninh trật tự địa phương nên TAND TP Vĩnh Long đã tuyên bản án sơ thẩm phạt các bị cáo Nhờ, Nhân, Tân, Tiến, Vinh, Bé từ 9 tháng đến một năm 6 tháng tù giam tội “Cố ý gây thương tích” (ảnh).
Riêng hành vi của Nguyễn Văn Sơn tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng xét tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn. Mặt khác, khi đi đánh nhau phát hiện Tân có mang theo dao, Sơn không đồng ý đã chở Tân lên cầu Vòng kêu Tân ném bỏ dao xuống sông. Việc làm này đã ngăn chặn làm giảm bớt hậu quả xảy ra của tội phạm nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ giao Sơn cho địa phương quản lý giáo dục.
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin