Vụ nổ đầu đạn cối– nhìn từ góc độ quản lý nhà nước

08:12, 12/12/2012

Thế hệ sinh ra sau chiến tranh- ngoại trừ các đối tượng thanh niên được kinh qua các lớp huấn luyện và thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự trong quân đội, công an- đa số vẫn còn mù mờ với nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ.

Thế hệ sinh ra sau chiến tranh- ngoại trừ các đối tượng thanh niên được kinh qua các lớp huấn luyện và thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự trong quân đội, công an- đa số vẫn còn mù mờ với nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ.


Tăng cường giáo dục tính năng các loại vũ khí, chất nổ cho lớp trẻ ngoài quân đội vẫn là điều cần thiết.


Dư âm sau vụ nổ

Như đã thông tin, vụ nổ đầu đạn cối còn rơi rớt lại sau chiến tranh tại ấp Hiếu Trung A (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) ngày 2/12/2012 làm thiệt mạng 4 trẻ em và 4 người khác bị thương (có 2 trẻ em, 2 người lớn). Vụ nổ đã làm cho những gia đình có người thân bị thương vong đau khổ tột cùng. Những người lớn có liên quan phải hối hận vì thiếu hiểu biết khi xác định đó là chất nổ có thể gây chết người nhưng không kịp thời báo cáo và giao nộp cho cơ quan chức năng thu gom, quản lý. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng lấy làm tiếc vì chưa làm tốt việc tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ còn rơi vãi hoặc có người tàng trữ đâu đó phải có trách nhiệm giao nộp hoặc báo cáo cho cơ quan công an và quân sự địa phương đến xử lý. Còn trẻ nhỏ thấy vật lạ tinh nghịch phá chơi, chớ đâu biết đó là chất nổ chết người!

Có lẽ đây là một trong những trường hợp đáng tiếc lại xảy ra trên đất nước Việt Nam khi mà chiến tranh đã đi qua hơn 37 năm về trước. Mặc dù chưa thể thống kê một cách đầy đủ, nhưng ai cũng biết đất nước này vẫn còn hàng triệu tấn bom, đạn, chất nổ các loại chưa nổ còn nằm trong lòng đất mà chưa được phát hiện thu gom, xử lý. Thực trạng này khiến thỉnh thoảng đó đây lại phát lên một vụ nổ từ bom, mìn khi con người lao động, sản xuất hoặc xây dựng các công trình, tiếp tục gây thương vong cho nhiều người, nhất là trẻ em.

Góc độ quản lý nhà nước

Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy để quản lý vũ khí, vật liệu nổ,… nhằm hạn chế thương vong vì bom, đạn sau chiến tranh. Gần đây nhất, ngày 5/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Để thi hành Nghị định này, ngày 29/5/2012, Bộ Công an cũng vừa ban hành Thông tư số 31 quy định chi tiết việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Hiện nay, cơ quan công an và quân sự đang tham mưu giúp chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, trong đó có nghị định và thông tư nêu trên. Tại khoản 4, Điều 3 Thông tư số 31 hướng dẫn: “UBND các cấp thành lập ban chỉ đạo đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ở địa phương”, trong đó có ghi rõ thành phần tham gia. Tại khoản 4, Điều 5 thông tư này hướng dẫn: “Đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành của cơ quan quân sự xử lý thì cơ quan công an hoặc UBND nơi tiếp nhận thông tin phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quân sự từ cấp huyện trở lên để phối hợp thu gom, xử lý.

UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cơ quan công an cùng cấp nơi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ cần thu gom thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, giải quyết các tình huống phát sinh trước và trong thời gian thu gom, xử lý”.

Thiết nghĩ, để tránh tái diễn những nỗi đau từ các loại vũ khí, vật liệu nổ như đã nói trên, chính quyền, lực lượng công an, quân sự các cấp, nhất là các địa phương có khả năng còn nhiều bom, đầu đạn chưa nổ trong chiến tranh, nên tích cực tuyên truyền vận động mọi người đề cao ý thức trách nhiệm khi phát hiện chúng. Thông qua các văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước mới ban hành để quản lý tốt vũ khí, vật liệu nổ còn rơi vãi và những người tàng trữ, sử dụng chúng một cách trái pháp luật. Gia đình và nhà trường cũng nên giới thiệu cho các em nhỏ, học sinh hiểu thêm về một số loại vũ khí, vật liệu nổ nguy hiểm chết người nếu vô tình đùa nghịch với chúng.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh