Không biên nhận trả nợ, bị thua kiện

01:12, 07/12/2012

Trước tòa, con nợ bảo đã trả rồi, còn chủ nợ thì nói không và trình ra đầy đủ các tờ biên nhận nợ. Chốn pháp đình không thể nói suông mà phải có chứng cứ nên cuối cùng con nợ đã thua kiện.

Trước tòa, con nợ bảo đã trả rồi, còn chủ nợ thì nói không và trình ra đầy đủ các tờ biên nhận nợ. Chốn pháp đình không thể nói suông mà phải có chứng cứ nên cuối cùng con nợ đã thua kiện.

Theo đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long ngày 10/5/2012, nguyên đơn là bà V.T.N. ở xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long) trình bày: Do cần tiền làm ăn nên trong thời gian từ 25/11/2010 đến 19/12/2011, bà H.T.B ngụ cùng xã Tân Ngãi có vay của vợ chồng bà tổng cộng 7 lần bằng 420 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận từ 3- 6%/ tháng. Do sau khi vay, bà B. không trả nợ và lãi như đã hứa nên bà N. gửi đơn ra tòa yêu cầu bà B. phải trả đủ vốn vay và lãi tổng cộng 466,2 triệu đồng.

Bị đơn là bà H.T.B. thừa nhận có vay của vợ chồng bà N. số tiền trên nhưng trong thời gian vay, bà đã trả cho bà N. được 180 triệu đồng vốn và đóng lãi 105 triệu đồng. Cụ thể, số nợ 200 triệu đồng vay ngày 25/11/2010, lãi suất 3%/ tháng, bà đóng lãi đầy đủ và đã trả cho bà N. 100 triệu đồng vốn vào ngày 23/3/2011, chỉ còn thiếu 100 triệu đồng. Đến ngày 2/9/2011, vợ chồng bà N. không đồng ý cho vay mức lãi 3% nên 2 bên thỏa thuận nâng lên 5% và bà N. yêu cầu bà B. phải viết lại biên nhận nợ. Lúc đó, bà B. có kêu bà N. trả lại biên nhận cũ nhưng bà N. nói “kiếm không thấy” nên bà B. có ghi thêm vào biên nhận nợ ngày 2/9/2011 là “biên nhận cũ không còn tác dụng”. Nay bà N. lấy biên nhận cũ đó đòi thêm 100 triệu đồng, bà B. không đồng ý trả.

Ngoài lần trả 100 triệu đồng nói trên, bà B. còn trả cho vợ chồng bà N. 2 lần tiền vốn, mỗi lần 40 triệu đồng nhưng không lấy lại biên nhận và cũng không nhớ cụ thể thời gian trả. Tất cả các lần mượn nợ, bà B. đều đóng lãi cho vợ chồng bà N. đầy đủ, đến tháng 3/2012 mới ngưng trả lãi. Hiện bà chỉ còn thiếu vợ chồng bà N. 240 triệu đồng chứ không phải 420 triệu đồng và yêu cầu vợ chồng bà N. không tính lãi thêm nữa. Riêng số tiền lãi 105 triệu đồng đã đóng cho vợ chồng bà N., bà B. xin được khấu trừ vào tiền vốn.

Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự ngày 19/11/2012, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra, tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định: Xét các lần vợ chồng bà N. cho bà B. vay tiền đều có làm biên nhận do bà B. ký tên. Hai bên hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm pháp luật nên căn cứ Điều 80 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa công nhận hợp đồng vay giữa vợ chồng bà N. và bà B. là có thật và hợp pháp. Xét yêu cầu vợ chồng bà N. đòi bà B. trả 420 triệu đồng là có căn cứ vì tại biên bản hòa giải ngày 16/7/2012, bà B. cũng thừa nhận còn nợ vợ chồng bà N. số tiền trên.

Xét yêu cầu của bị đơn cho rằng số nợ vay ngày 25/11/2010 đã trả xong 100 triệu đồng, chỉ còn thiếu 100 triệu đồng. Tuy nhiên, so biên nhận này với biên nhận ngày 2/9/2011 nội dung không giống nhau. Cụ thể, biên nhận ngày 25/11/2010, bà B. ghi có mượn của vợ chồng bà N. 200 triệu đồng, còn biên nhận ngày 2/9/2011, bà B. ghi mượn của cá nhân ông S. (chồng bà N.) 100 triệu đồng nên yêu cầu chỉ còn thiếu 100 triệu đồng đối với biên nhận ngày 25/11/2010 của bà B. không được chấp nhận. Riêng 2 biên nhận nợ ngày 30/9/2011 và ngày 26/10/2011 (mỗi biên nhận vay 40 triệu đồng) bà B. cho rằng cũng đã trả xong nhưng không lấy lại biên nhận, vợ chồng bà N. không thừa nhận. Bà B. cũng không có chứng cứ chứng minh đã trả số tiền trên cùng với 105 triệu đồng tiền lãi nên yêu cầu được khấu trừ tiền lãi đã đóng vào vốn gốc của bà B. không được chấp nhận. Do đó, HĐXX TAND TP Vĩnh Long tuyên bản án sơ thẩm dân sự chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà B. phải trả cho vợ chồng bà N. vốn vay và lãi tổng cộng 466,2 triệu đồng.

Phần bà B. chỉ có biết khóc ròng, bảo: “Chỉ vì tin vào chủ nợ và chủ quan không đòi lại biên nhận nợ mà giờ phải trả nợ đến 2 lần”.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh