Nhộn nhịp mùa lũ rút

12:17, 26/11/2024

(VLO) Năm nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào ngày 4/10, sau đó xuống dần. Đến tháng 11, lũ trong vùng ĐBSCL rút nhanh. Theo mùa lũ rút là mùa nhộn nhịp đánh bắt cá ra sông và là mùa gieo trồng lúa, rau màu vụ Đông Xuân, vụ Tết của người dân miền sông nước…

Người dân đánh bắt tôm, cá trên kênh, rạch sau khi nước rút.
Người dân đánh bắt tôm, cá trên kênh, rạch sau khi nước rút.

Lũ rút, cá từ đồng ra sông

Vào mùa lũ ở ĐBSCL, ruộng đồng, ao, hồ, mương, vũng ven cánh đồng ngập nước là nơi ở mới, là không gian rộng mở cho các loài thủy sản nước ngọt bản địa và thủy sản di trú vào đồng tìm thức ăn, sinh sản và lớn lên.

Mặc dù là tỉnh ở hạ nguồn sông Cửu Long nhưng nguồn lợi thủy sản nước ngọt ở tỉnh ta đa dạng và phong phú. Các loài bản địa và các loài động vật hoang dã trong đồng có: cá lóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá chạch, cá sặt, cá rằm, rắn, rùa, ếch, nhái, lươn, lịch, cua đồng, tép rong, tép rêu… Các loài di trú vào đồng trong mùa lũ như cá linh, cá thều, cá mè vinh, cá hô, tôm lóng, tôm càng xanh, cá bống trứng…

Mùa lũ rút là mùa di chuyển của các loài thủy sản từ đồng xuống ao, đìa, mặt đập, kênh, mương, vũng hay ra sông, rạch. Nắm bắt quy luật này, từ lâu dân miền sông nước đã có nhiều cách khai thác, đánh bắt tôm, cá ra sông với sản lượng và kích cỡ tôm, cá lớn hơn.

Sau những ngày triều cường rằm tháng 9 và đầu tháng 10 âl vừa qua, người viết có đi dọc theo một số tuyến sông, kênh, rạch ở vùng “rốn lũ” Bình Tân, Bình Minh và Long Hồ, nhận thấy, khi nước lớn thì người dân đăng dớn (loại đăng đó giăng bằng lưới cước), giăng lưới, đặt lờ, lọp, vó bật... để bắt tôm, cá; còn lúc nước ròng, nước gần cạn đáy kênh thì dùng vợt, câu cần, câu giựt, chài quăng, kéo lưới...

Bên cạnh những cách đánh bắt tôm, cá bằng dụng cụ khai thác “thân thiện với môi trường” này, thỉnh thoảng còn bắt gặp người dân dùng ngư cụ “nguy hiểm hơn” như xiệt điện, thuốc cá giữa ban ngày!

Qua tìm hiểu từ một số người dân đánh bắt thủy sản, thì đa số đều cho rằng, mùa này bắt được tôm, cá nhiều hơn mùa khô nhưng số lượng bắt được không nhiều và ngày càng giảm dần. Do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến sự suy giảm sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên là môi trường sống không thuận lợi và bị “đánh bắt” với cường độ cao.

Trước đây, mỗi năm ruộng chỉ làm có một vụ lúa mùa, vả lại bờ bao, đê bao thủy lợi không có nên thời gian sinh sản của tôm, cá trên đồng trong mùa lũ có thể kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Sau mùa lũ, nước đồng rút dần, cá, tôm đủ lớn gom xuống ao, đìa, kênh, mương, ao, vũng, rồi dân ở ruộng đồng vừa thu hoạch lúa mùa, vừa vào mùa bắt cá đồng. Tôm, cá vừa nhiều mà lại lớn, ăn không xuể.

Dần dà đồng ruộng được khép kín thủy lợi, nhiều nơi bị dí khô nên lũ không vào đồng được hoặc có nơi “xả lũ” nhưng thời gian lưu lũ trên đồng rất ngắn, khoảng chừng 1-1,5 tháng, cuối tháng 8 âl xả đồng thì cuối tháng 9 đầu tháng 10 âl lại cho nước ra, sạ lúa Đông Xuân, nên các loài thủy sản ở đồng, thủy sản di trú vào đồng không nhiều, không đủ thời gian sinh trưởng, có con chưa kịp đẻ đã lại trôi ra sông, ra rạch. Môi trường sống ngày càng bị thu hẹp, vì vậy lượng cá ra sông cũng giảm dần.

Tất bật gieo trồng vụ Đông Xuân

Cùng với hoạt động khai thác cá sông, nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh cũng tất bật cho gieo trồng vụ lúa, rau màu Đông Xuân 2024-2025 sau khi lũ rút.

Ông Ngô Văn Sương (59 tuổi) ở ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu (huyện Long Hồ) cho hay, sau con nước rằm tháng 9 âl, ông đã dọn cỏ, xới đất những liếp ở 2 công rẫy để chuẩn bị xuống giống trồng lại hành, cải xà lách lụa vụ Đông Xuân 2024-2025.

Theo ông, trồng sớm để kịp bán trước Tết Nguyên đán để được giá cao; rau cải vụ này trồng tốt hơn, năng suất và lợi nhuận cũng cao hơn rau trồng trong mùa mưa, vì thời tiết thuận lợi và chi phí thấp hơn.

Theo các chuyên gia của ngành nông nghiệp tỉnh, hàng năm, nước nổi về ĐBSCL mang lại lợi ích cho đồng ruộng và cho cả nông dân sống ở vùng này. Nước lũ mang nhiều phù sa theo lũ qua kênh, rạch vào đồng vừa làm sạch môi trường nước, đất, hạn chế đối tượng gây hại cho cây trồng, vừa cung cấp lượng “dưỡng chất” đáng kể giúp bồi bổ cho đồng ruộng sau khi lũ rút.

Canh tác vào mùa khô, nhất là vụ Đông Xuân, tuy nguồn nước tưới khó khăn, nhưng trong mùa này thường có diện tích trồng rau màu ở trong tỉnh nhiều hơn trong mùa mưa, bởi mùa khô rau màu phát triển tốt hơn, không bị ngập lụt, sản lượng nhiều hơn, chất lượng rau, mẫu mã tốt hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, môi trường sống của lúa, rau màu gồm thời tiết, nguồn nước tưới và đất canh tác. Thời tiết và nước tưới ở vụ Đông Xuân, nhất là đầu vụ, rất thích hợp và thuận lợi nhất để cây trồng sinh trưởng và phát triển hơn so với những vụ mùa khác trong năm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng nước về đồng ruộng không nhiều vì lũ đầu nguồn đều là lũ nhỏ; cộng thêm sự bất thường của thời tiết, đã gây ra nhiều bất lợi, thiệt hại và nguy cơ đối với cây trồng vụ Đông Xuân của vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh ta.

Đó là, lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng ít nên nông dân phải sử dụng nhiều phân bón hơn; những dịch hại trên đồng như cỏ dại, ốc bươu vàng, chuột và sâu bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển, người làm nông phải sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn; việc tháo rửa chua, phèn, mặn và độc chất hữu cơ bị hạn chế làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, nên nông dân phải tốn chi phí cải tạo đất nhiều hơn; và nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ, đồng thời mặn có điều kiện để xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng làm cho việc thiếu nước ngọt tưới trở nên trầm trọng hơn.

Bên cạnh những lợi ích từ đánh bắt thủy sản và đẩy mạnh phát triển sản xuất cây trồng, sau mùa lũ rút, các hoạt động kinh tế- xã hội khác như giao thông, xây dựng, du lịch, thương mại… cũng nhộn nhịp hẳn lên, nhờ thời tiết khô ráo và đi lại, vận chuyển thuận tiện hơn. Sau mùa nước rút cũng là thời gian để cho người dân và các tổ chức chuẩn bị các hoạt động đón chào năm mới, Tết đến…

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh