Nương theo cơn gió chướng và bầu trời trong xanh như mời gọi, tôi chạy xe tìm về huyện Mang Thít. Ôi cái tên huyện nghe vừa lạ lẫm, vừa dễ thương, rồi từ đó tìm hiểu thêm về các tên gọi khác như Cái Nhum, Minh Đức, Măng Thít, Mân Thít với bao câu chuyện về con người, về dòng sông, bến nước, con tôm, con cá của xứ này…
|
Một trong những con cá hô bị ngư dân Mang Thít bắt được trên sông Cổ Chiên. |
Nương theo cơn gió chướng và bầu trời trong xanh như mời gọi, tôi chạy xe tìm về huyện Mang Thít. Ôi cái tên huyện nghe vừa lạ lẫm, vừa dễ thương, rồi từ đó tìm hiểu thêm về các tên gọi khác như Cái Nhum, Minh Đức, Măng Thít, Mân Thít với bao câu chuyện về con người, về dòng sông, bến nước, con tôm, con cá của xứ này…
Dòng Cửu Long khi đưa nước về đến Vĩnh Long phải đi qua các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang. Tỉnh An Giang có con sông tên rất lạ- sông Vàm Nao.
Đây là con sông không dài lắm chỉ khoảng 6,5 cây số, nhưng đặc biệt sông Vàm Nao chảy theo chiều ngang nối sông Hậu với sông Tiền, đi qua địa phận huyện Phú Tân và huyện Chợ Mới. Đây con sông rộng có nơi đến 700m, có độ sâu lớn khoảng 17m, ngoài sóng dữ, dòng nước chảy xoáy uy hiếp ghe xuồng còn có nhiều loài cá lớn, hung dữ trú ngụ ở khúc sông này.
Vẫn còn lưu lại nhiều câu chuyện nao lòng về việc mất người, mất của trên sông Vàm Nao. Hồi Pháp thuộc dân mình bị bắt đi làm sưu dịch (sưu dịch hay lao dịch là một loại thuế thân nhưng không nộp bằng tiền hay vật chất mà bằng ngày công lao động.
Sưu dịch huy động sức người để thực hiện những công trình công ích như làm đường, đào kinh, xây dựng công trình… nhưng nhiều khi bị lạm dụng để xây cất theo sở thích của chính quyền thực dân).
Có câu chuyện như vầy: Dân lao dịch đến An Giang đa số là người của miệt dưới, tức vùng Sa Đéc, Long Hồ, Trà Vinh... Việc lao dịch vất vả, nặng nhọc nên nhiều người không kham nổi, sinh ra đau bệnh đành bỏ mạng ở xứ người, một số khác nhớ nhà, nhớ quê… nên đã tìm cách bỏ trốn. Khi trốn, họ thường chọn đường tắt, để tránh trạm gác, lính canh xét hỏi, nên phải chọn đường đi qua rừng bụi, chỗ vắng người.
Và đoạn nguy hiểm nhất là vượt sông Vàm Nao vốn là con sông sâu, sóng lớn và cũng có nhiều loài cá dữ hay tấn công người như cá sấu, cá bông gấm (bà con còn gọi là cọp nước)...
Để vượt sông, mọi người tập hợp thành đoàn cho đông, đợi đến đêm khuya, mỗi người ôm một cây chuối để làm dụng cụ nổi vượt sông với hy vọng xuống nước cùng một lượt để cá dữ không kịp tấn công.
Họ tính như vậy nhưng khi sang đến bờ bên kia, nghe đâu mười người chỉ còn sống sót được năm ba người, một phần do bị sóng dữ cuốn trôi, một phần bị cá dữ ăn thịt hoặc táp cụt mất tay chân… còn ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao nếu không biết cách điều khiển chạy vòng tránh, dễ bị sóng lưỡi búa đánh chìm.
Người dân địa phương cho biết thời trước cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu cứu của những người bị chìm ghe, sông Vàm Nao có thể còn hàng trăm xác ghe tàu bị chìm nằm xếp lớp ở dưới đáy sông, trở thành chỗ trú ngụ lý tưởng cho các loài “thủy quái”.
Một trong những loài cá được nhắc đến ở Vàm Nao đó là con cá hô. Cá hô là loài cá khổng lồ, nặng tới vài trăm ký là bình thường, chúng có mặt tại vùng nước sâu, sóng dữ để tranh giành lãnh địa cùng cá sấu, cá tra dầu, cá đuối,…
Nhưng gần đây nhiều người dân làm nghề bà cậu ở Vàm Nao nhận thấy cá hô đã dần dần mất biệt trên khúc sông nổi tiếng hung tợn này.
Có người lý giải vì thiên nhiên, vì môi trường, vì đánh bắt quá mức làm cá tuyệt chủng… nhưng có người ví von- con cá hô mỗi khi nghe hơi gió chướng cuối năm thổi về, chúng như kẻ ly hương nghe tiếng gọi trong tiềm thức lập tức tìm về với hạ nguồn. Một số con rủ nhau bỏ vàm sông sâu xuôi theo nhánh Cửu Long về miệt dưới đồng bằng để “du xuân” một chuyến.
Điều này nghe qua cũng rất “có lý”. Phải vậy chăng mà thời gian qua vào những tháng cuối năm- tháng 11, tháng 12- bà con ngư dân đã phát hiện cá hô xuất hiện trên các dòng sông lớn chảy qua tỉnh Vĩnh Long.
Chắc chúng định ghé vào “thăm vương quốc gốm đỏ” bên dòng Cổ Chiên hay bơi vào kinh Thầy Cai không chừng?! nhưng có lẽ vì mê mẩn trước vẻ đẹp của các tòa “lâu đài thành quách”- những lò gốm ven sông- nên nhiều con cá hô mắc lưới ngư dân, đành ôm mối hận trở thành món nhậu ở mấy nhà hàng.
Nhớ lại cách đây mấy năm có một con cá hô sau khi đã vượt qua các “cửa ải” tuyến trên là các giàn câu, miệng lưới ở miệt Chợ Mới, Lấp Vò, Cao Lãnh, Sa Đéc… rồi vượt qua luôn “trạm” cầu Mỹ Thuận… nhưng đành sa lưới ở vàm sông Măng Thít.
Vào chiều ngày 6/12/2014 một ngư dân ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít đã bắt được một con cá hô có chiều dài 1,8m, đường kính thân khoảng 1,6m, nặng 127kg. Để đưa được cá vào bờ, hai cha con ngư dân phải nhờ đến nhiều người dân gần đó hỗ trợ. Con cá sau đó được bán với giá 162 triệu đồng.
Vào sáng ngày 15/11/2016 cũng trên sông Cổ Chiên. Một con cá hô “khủng” khác có màu vàng óng đã sa lưới một ngư dân ở xã An Phước, huyện Mang Thít. Con cá hô nặng trên 125kg, được bán cho thương lái với giá 314 triệu đồng.
Ngày 9/12/2018 một ngư dân ở cầu Cái Gia Lớn, thuộc phường Tân Hội, TP Vĩnh Long, khi đi thả lưới trên sông Tiền đoạn gần cầu Mỹ Thuận đã bắt được một con cá hô dài khoảng 1,5m, nặng trên 125kg, có lẽ con cá này định “vượt trạm” Mỹ Thuận tìm về "vương quốc gốm" du xuân nơi miền sông nước hữu tình, đâu ngờ ước nguyện chưa thành đã dính lưới, bị kéo lên bờ bán cho nhà hàng với giá trên 300 triệu đồng…
Có nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn về loài cá lớn, quý hiếm trên sông Cửu Long như cá nược (loài cá heo nước ngọt, bà con hay gọi là ông nược), theo những lão ngư lớn tuổi những năm 1960, 1970 còn thấy chúng trên sông Tiền, sông Hậu.
Chạy ghe mà gọi “nược đua, nược đua” là chúng lập tức xuất hiện, nhào lộn khỏi mặt nước, bơi đua theo chiếc ghe đang chạy. Còn cá tra dầu, một loại cá lớn, nặng hàng trăm ký cũng chẳng thiếu.
Chuyện kể có lần một chủ ghe chờ lấy gạch, nên neo đậu dưới rặng bần ngoài sông. Nửa đêm bỗng bị “ai đó” lấy nước tát, còn chiếc ghe thì rung lắc mạnh như thể bị sóng lớn đánh vào. Chủ ghe liền lấy đèn pin lia theo mạn ghe, rồi vội tắt phụt đèn ngay lập tức. Đứa con trai đang ngái ngủ liền hỏi: Chuyện gì vậy cha?
Người cha mặt không còn chút máu, đè đầu đứa con xuống ra hiệu nằm im. Một lúc sau khi nghe xung quanh im ắng, ông vội vã mở dây, nổ máy chạy ghe rời khỏi hàng bần thật nhanh như bị ma đuổi.
|
Con cá tra dầu nặng 295kg bắt được trên sông Mekong. Ảnh: Internet |
Thì ra vật mà ông bắt gặp dưới ánh đèn pin chính là đầu con cá tra dầu khổng lồ lớn bằng chiếc bàn tròn dùng để 10 người ngồi ăn cơm!
(Cá tra dầu là một loại cá da trơn sống ở vùng hạ lưu sông Mekong), lúc này con cá đang rướn mình lên ăn trái bần trên cây, đuôi cá quẫy mạnh nước văng vô ghe làm hai cha con mình mẩy ướt mem, còn chiếc ghe tròng trành suýt chút nữa là chìm!
TRẦN THẮNG