Chiều 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn hoả tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục ngập úng do mưa lớn, triều cường gây ra.
Chiều 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn hoả tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục ngập úng do mưa lớn, triều cường gây ra.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa to đến rất to. Như vào ngày 2/10, lượng mưa đo được trung bình từ 101 mm trở lên, có nơi lên đến hơn 317 mm. Mưa lớn diễn ra ngay cao điểm triều cường đã gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường và một số khu vực trũng thấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị chức năng và người đứng đầu chính quyền các địa phương trong tỉnh, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó.
Ngập lụt ở Cà Mau gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của người dân |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để tiêu thoát nước, ngăn triều cường, bảo vệ sản xuất.
Sở Giao thông - Vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí, đoạn đường bị hư hỏng, ngập úng, vị trí cống bị hư hỏng nắp cống, chủ động có giải pháp phòng ngừa, hướng dẫn, cảnh báo để đảm bảo giao thông đi lại an toàn.
Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm nâng cao nhận thức của học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, có phương án điều tiết thời gian học phù hợp.
Người dân tát nước ở trong nhà ra |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các đơn vị cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ vuông, bờ thửa, bờ bao khuôn hộ bảo vệ sản xuất.
Hướng dẫn người dân bảo vệ, di dời tài sản để tránh ngập gây hư hỏng. Thực hiện các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị.
Vận động người dân tích cực khơi thông cống, rãnh để tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường nhà ở, khu vực xung quanh nhà ngay sau khi hết ngập nước, để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh.
Theo Trần Hiếu/VOV