Về nơi cửa biển

Cập nhật, 06:10, Chủ Nhật, 17/09/2023 (GMT+7)

Một tấm ảnh lưu trong điện thoại của anh bạn làm ở Bảo tàng Vĩnh Long nhá qua, khiến mắt tôi không rời. Sự kích thích vì nguồn gốc bức ảnh khiến tôi tự hứa phải xác tín cho bằng được. Lỡ lần hẹn trước, lần này chúng tôi quyết phải đi. Nơi ấy có tên gọi Ba Tri…

Cống ngăn mặn Ba Lai.
Cống ngăn mặn Ba Lai.

Chiếc Exciter 150 phân khối đưa chúng tôi theo QL57 qua ngả phà Đình Khao hướng về Chợ Lách. Xe không đi thẳng mạch về Ba Tri mà theo đường phà Tân Phú để sang cầu Rạch Miễu. Điểm đến là đình Mỹ Chánh thuộc TP Mỹ Tho. Vòng vo hỏi đường mấy bận, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến.

Mái đình ẩn sâu trong con hẻm nhỏ. Đón chúng tôi là ông Trần Văn Phúc, tên thường gọi Tám Phúc, Trưởng Ban đình Mỹ Chánh. Năm nay ông 86 tuổi, dáng vẻ nho nhã, nói năng nhẹ nhàng, khiêm tốn…

Anh bạn đi cùng tôi tên Tào Phú Vinh, tuy còn khá trẻ nhưng giao tiếp thân tình với người cao niên khiến tôi vượt qua cái cảm giác thiếu tự nhiên ban đầu. Tập tài liệu dày cộm Vinh nhờ tôi giữ trong cặp được lấy ra. Đó là bản phiên âm và dịch nghĩa của 46 đạo sắc thần đang được thờ tại đình Mỹ Chánh.

Tôi nhận ra sự xúc động khi ông Phúc trang trọng nhận món quà từ Vinh trao tặng. Đây là ước mơ, tâm nguyện của người quản lý đình và dân trong vùng. Theo lệ, hàng năm, lễ cúng đình có nghi thức khám sắc thần, người giữ sắc hoặc bậc cao niên trong làng sẽ tuyên đọc sắc cho mọi người nghe. Từ đó dân làng thực hành nghi lễ, giữ gìn phong tục, tiếp nối truyền thống.

Sắc thần do triều đình ban và viết bằng chữ Hán, chỉ những người theo nho học mới đọc được. Thế sự đổi dời, người biết chữ Hán ngày càng ít đi. Có những đình khi làm lễ khám sắc không có người tuyên đọc, đình thần như bớt thiêng…

Sau buổi cơm trưa, chúng tôi lại qua cầu Rạch Miễu để về Ba Tri. Cầu đã hẹp như càng hẹp hơn, khi hàng dài xe nối đuôi nhau ở hai bên ngược chiều. Chúng tôi lách nhanh theo lối dành cho xe hai bánh, chiếc cầu có vẻ chênh vênh khi từng đợt gió đi qua. Cơn mưa bất chợt khá nặng hạt làm ẩm ướt cả áo quần, quán nước bên đường giữ chân chúng tôi hơn tiếng đồng hồ. Rồi hành trình tiếp tục…

Theo Hương lộ 10, chúng tôi về Khu di tích Cây Da Đôi xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre gắn liền tên tuổi của ông Nguyễn Văn Cung. Trên đường, chúng tôi cảm nhận vùng đất này có những thay đổi về hạ tầng, nhà cửa khang trang nằm dọc theo tuyến lộ, nhưng nhìn sâu hơn thấy phảng phất cái nghèo của một vùng nông thôn chậm chuyển mình.

Mùi ngai ngái của phân bò theo gió phảng phất vào mũi, những mảnh ruộng người ta không trồng lúa mà trồng cỏ. Rơm được vận chuyển bằng xe từ nơi khác về chất thành cây bên vệ đường. Trồng cỏ nuôi bò bán thịt là nghề chính của nhiều hộ dân trong vùng. Mùa này trời mưa bất chợt, nông dân hay nhìn trời, theo dõi tin thời tiết, tranh thủ lúc nắng phơi lấy phân bò để bán có thêm thu nhập.

Buổi chiều, một mình tôi ra đập Ba Lai.

Từ ngã ba Tân Xuân quẹo trái khoảng 3 cây số là đến đập Ba Lai. Nhìn từ xa, cống đập có vẻ đồ sộ, trên cống là đường giao thông nối liền huyện Bình Đại và Ba Tri. Đứng trên đập nhìn về hạ lưu thấy sông mở rộng mênh mang, hai bên bờ là rừng cây xanh rì kéo dài tít tắp.

Sang phía bờ Thạnh Trị thuộc huyện Bình Đại, tôi đi dọc theo sông và dừng lại trước cây cổ thụ nơi mép nước, chụp vài tấm ảnh. Tôi hỏi cô hàng nước ven đường, cô đáp: “Đó là cây mắm, nó bằng tuổi ông ngoại em!” Ông ngoại cô đã ngoài tám mươi, cây và người lớn lên cùng thời. Người già thì về với tổ tiên, cây già thêm rắn rỏi, chắn sóng giữ đất cho người…

Trời đổ mây đen, sợ mưa nên tôi quay lại đường cũ. Bấy giờ tôi mới phát hiện cống chỉ là một phần của hệ thống đập dài 544m. Khẩu độ cống 84m với 10 cửa vận hành bằng van tự động 2 chiều. Theo quy hoạch, cống đập Ba Lai sẽ phục vụ cho hơn 115.000ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành và TP Bến Tre và cung cấp nước sinh hoạt cho dân trong vùng.

Đến cuối con đập, tôi dừng lại hỏi chuyện người phụ nữ bán cá bên đường và mua gần 1kg cá úc với giá 60.000đ. Có mớ cá, tôi mường tượng đến nồi canh chua nóng lúc chiều buông cùng những người bạn mới quen…

Hôm sau, sáng điểm tâm bằng tô phở bò, tuy còn hơi sậc sừ vì cuộc chạm cốc đêm qua nhưng tôi cũng cảm nhận được vị ngọt sớ thịt mềm mại của thịt bò đất Ba Tri. Bạn Thanh- Trưởng Ban Quản lý Di tích Cây Da Đôi, bảo đây là quán ruột. Tôi cũng nghĩ vậy qua cách bạn ấy giao tiếp với chủ quán kiêm thợ nấu.

… Đến ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, chúng tôi vào viếng mộ danh sư Võ Trường Toản.

Nghe người làng nói, khoảng 1975, khu mộ cụ Võ nằm trên gò cao, phía sau nhà dân, cỏ mọc um tùm. Về sau, chính quyền và Nhân dân tôn tạo nhiều lần, làm nên vẻ đẹp, thanh tịnh như ngày nay.

Ngồi trong nhà mát nghỉ chân, tưởng niệm công tích người xưa, tôi nhận ra cốt cách tao nhã của các bậc danh sư như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản… Họ là người tài của đất nước nhưng không màng danh lợi, lấy việc dạy học để phát dương điều nhân nghĩa, lấy thơ phú làm thú tiêu dao, thích an nhàn nơi tĩnh mịch để dưỡng tâm. Danh sư xuất danh thần, học trò các cụ nhiều người là rường cột quốc gia, là nhân vật nổi tiếng cùng thời.

Trong điện thờ cụ Võ có bài Hoài Cổ Phú, đọc bản văn, suy ngẫm ta nhận ra vì sao ông chọn điều nhân nghĩa để giáo huấn học trò!

Gió thổi mạnh, chúng tôi rời đi trong tiếng lá lao xao. Ngược trở ra 300m là khu mộ cụ Phan Thanh Giản. Đường vào khu mộ cụ Phan tôi nhìn thấy bên đường có nhiều ngôi mộ mới trùng tu, ốp gạch kiếng sáng bóng chen lẫn cỏ bụi úa vàng. Tháng 8 trên trời mây đen, mây trắng vờn nhau, những cơn mưa bất chợt làm dịu cái nắng hè…

Tiếp chúng tôi là Phan Thanh Nhàn- người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, cánh tay thô ráp của anh cuồn cuộn cơ bắp, một đôi mắt nhìn có thần. Chúng tôi không hẹn trước, dự định mang quà xuống tặng để tạo bất ngờ, nhưng không biết sao anh Nhàn lại mở cửa, quét dọn đền thờ. Tâm linh tương thông chăng?!

Sau khi thắp nhang, trong khói hương trầm mặc, Tào Phú Vinh trao tặng di ảnh cụ Phan cho người đại diện dòng họ. Đây là bản sao bức tranh vẽ truyền thần của họa sĩ người Pháp, có chữ ký tác giả. Món quà này là tấm lòng của người bạn trẻ đối với bậc tiền nhân.

Khuôn viên khu mộ ước khoảng 500m2, gồm điện thờ và khu mộ. Cách bài trí điện thờ đơn giản như phong cách của người chuộng tiết nghĩa với 2 câu đối:

Tam triều ánh nhật thanh liêm khiết,

Lục tỉnh thanh danh chỉ độc tôn.

Tạm dịch:

Rạng cả ba triều, sáng đức thanh liêm,

Danh vang sáu tỉnh, duy chỉ mình ông.

Nơi phần mộ cụ Phan, chắc rằng người đến viếng đều có cảm xúc khác nhau bởi sự giản đơn đối với bậc đại thần. Trong khi các bạn trẻ ngón tay dò theo nét khắc trên bia phủ đầy rêu, tôi lại tần ngần trước bức phong hậu có đại tự: “Truy tư” hai bên có câu đối:

“Xuân lộ thu sương cảm,

Sơn hoa dã thảo bi”.

Tạm dịch:

Hơi xuân sương thu cảm,

Hoa núi cỏ đồng đau.

Đọc tiểu sử và công tích của tiền nhân, lòng cảm khái, bồi hồi vì trường đoạn bi tráng của dân tộc. 156 năm đi qua kể từ ngày cụ Phan mất. Hậu sinh mấy ai thấu lòng kẻ sĩ, người đồng điệu tiếc chí hiền nhân!

Bên bàn nước trà, tôi hỏi chuyện về dòng tộc, chuyện làm ăn, về con cái, anh Phan Thanh Nhàn, người trông giữ khu mộ cụ Phan càng lúc càng cởi mở. Câu chuyện được dẫn dắt từ bức ảnh cũ.

Đây là bức ảnh hiếm- tuy cũ, ngả màu, bị mọt đục thủng lỗ chỗ nhưng còn sắc nét. Ảnh nhìn từ trái qua: Phan Hương, Phan Thanh Hân, Phan Tôn, Phan Liêm.

Tài liệu lịch sử chỉ ghi cụ Phan Thanh Giản có 2 người con trai là Phan Liêm và Phan Tôn. Nhưng trong gia phả họ Phan do anh Phan Thanh Nhàn cung cấp, cụ Phan còn có người con trai lớn tên Phan Hương. Anh Nhàn là cháu đời thứ năm thuộc chi Phan Hương.

Phan Hương (1831-1903) vợ họ Trần , sinh 1 trai 4 gái. Căn cứ gia phả thì người trẻ tuổi, đi chân trần trong bức ảnh chính là Phan Thanh Hân (1856-1932). Ông Hân sinh ông Phan Thanh Hoài (1897-1978). Ông Hoài sinh ông Phan Thanh Ngọc. Ông Ngọc sinh ông Phan Thanh Nhàn (1961).

Nghe vợ tôi nói cô giáo của mình gọi cụ Phan là tổ ngoại, tôi lần dò tra thêm:

Cô giáo tên Phạm Thị Thái Lan mẹ là Phan Thị Thái Hà (1929), cha là Phạm Gia Ninh. Cha bà Thái Hà là Phan Thanh Thiệu (2/1/1897-27/4/1985), mẹ là Công Tằng Tôn Nữ Thị Xuân Điền. Cha ông Thiệu là Phan Đôn Khác (1862-1906) làm ở Viện Cơ mật triều đình Huế. Cha ông Khác là Phan Thanh Tòng (Phan Liêm) còn gọi là Cậu Ba, là con trai thứ của cụ Phan Thanh Giản. Như vậy, cô Phạm Thị Thái Lan là đồng cấp với anh Nhàn, thuộc họ ngoại, vai em.

Cũng theo gia phả, tính từ cụ Phan Thanh Giản, ngược lên 5 đời thì cụ tổ có tên Phan Văn Chơn là di thần triều Minh sang nước Việt năm 1659. Ông Chơn sinh ông Phan Văn Biện. Ông Biện sinh ông Phan Văn Huỳnh (có mộ tại vùng Bàu Sen, ấp Hội Trung, xã Ô Liêm, huyện Bồng Sơn, Bình Định). Ông Huỳnh sinh ông Phan Thanh Tập (1730-1790).

Năm Tân Mão (1771) nhà Tây Sơn dấy binh nổi dậy chống lại triều đình, Phan Thanh Tập dắt gia quyến vào Nam. “Ban đầu gia quyến họ Phan Thanh về ở Trang Tông thuộc tỉnh Định Tường, Mỹ Tho ngày nay, rồi dời xuống Mân Thít, thuộc trấn Vĩnh Thanh, Vĩnh Long ngày nay. Sau về huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng ở trong tỉnh Vĩnh Long, sau mới dời qua lập nghiệp tại làng Tân Thành, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (sau đổi ra làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long; nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)”- Wikipedia.

Ông Tập sinh ông Phan Thanh Ngạn (tự Xán, 1768-1842). Ông Ngạn cưới bà Lâm Thị Búp (1776-1802), sinh cụ Phan Thanh Giản.

Tổ tiên của bà Búp ngược lên 5 đời là ông Lâm Tư Hoa. Ông Hoa sinh ông Lâm Tư Mỹ, người Thành Bát Đô, huyện Hải Trường, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ông Mỹ sinh ông Lâm Thiên Khánh. Ông Khánh sang nước Việt ngụ tại xã Phú Đăng, tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Khánh sinh ông Lâm Văn Thẩm. Ông Thẩm sinh ông Lâm Văn Diệu, là ông ngoại cụ Phan Thanh Giản. Thời ông Diệu, gia đình dời về cù lao Minh, Mỏ Cày- Bến Tre.

Theo lời anh Nhàn, họ Phan trong ấp có trên 10 hộ, còn tính trong gia phả đạt con số trăm, có người thành danh, đóng góp lớn cho xã hội. Qua câu chuyện, tôi thấy ở anh Nhàn có gì đó phảng phất giống tiền nhân. Anh biết chữ Hán, điềm đạm, đôi mắt nghiêm nghị. Tôi đùa: “Nếu để râu, thêm chiếc khăn đóng thì giống cụ tổ!”. Anh cười: “Nếu làm vậy con gái khó lấy chồng!”

Khi nói câu ấy, trong tiếng cười có sự tự hào của một diêm dân nhọc nhằn cả đời bên ruộng muối. Con gái anh Nhàn là bác sĩ hiện đang công tác tại Bến Tre, đang có dự định học lên tiến sĩ. Con trai học chuyên ngành kỹ thuật, chuẩn bị ra trường.

Thời chiến tranh, nhà anh Nhàn ở TP Bến Tre, sau 1975 về Bảo Thạnh. Vợ chồng anh canh tác 6 công ruộng muối. Nghề muối mỗi năm một vụ. Vụ muối năm 2023, anh thu được 800 giạ- giạ muối bằng 20 lít.

 Tặng bản sao tranh vẽ cụ Phan cho đền thờ họ.
Tặng bản sao tranh vẽ cụ Phan cho đền thờ họ.

Năm nay muối có giá, nằm mức 80.000đ một giạ. Anh thu hơn 60 triệu đồng, số tiền này dùng để chi phí sinh hoạt, giỗ chạp, tái đầu tư… Đó là gặp năm nắng tốt thuận lợi vụ mùa, được giá. Gặp năm thất giá xuống 40.000-50.000 đ/kg thì gia đình chật vật hơn. Những năm thời tiết bất lợi, lúc gần thu hoạch, trời đổ vài cơn mưa, tất cả hoàn không, người làm muối thấm được cái lạnh co ro của xứ biển. Từng cơn gió đi qua mặn chát!

Trong câu chuyện của chúng tôi chen lẫn tiếng heo kêu đòi ăn, tiếng gà túc tác đuổi nhau có mấy mươi con. Tôi chợt nghĩ, đây là dàn hậu bị dành cho lễ giỗ cụ Phan. Như hiểu được ánh nhìn và suy nghĩ của tôi, anh nói: “Năm nay dự kiến làm 7, 8 mâm đón dòng tộc từ xa về viếng cụ tổ!”

Ngày 22/8/2023

LÊ MINH HÀ

 

 

Các tin khác: