Hơn nửa đời người gắn bó với miền Tây sông nước, hình ảnh những ngôi nhà sàn, nhà gỗ bình dị in đậm trong ký ức ông Nguyễn Tấn Tài (phường Trường An, TP Vĩnh Long). Với những vật liệu tái chế đơn giản như tấm nhựa, vỏ chai, mảnh kính vụn… ông Tài đã thổi hồn thành những ngôi nhà miền Tây độc đáo, đầy thân thương.
(VLO) Hơn nửa đời người gắn bó với miền Tây sông nước, hình ảnh những ngôi nhà sàn, nhà gỗ bình dị in đậm trong ký ức ông Nguyễn Tấn Tài (phường Trường An, TP Vĩnh Long). Với những vật liệu tái chế đơn giản như tấm nhựa, vỏ chai, mảnh kính vụn… ông Tài đã thổi hồn thành những ngôi nhà miền Tây độc đáo, đầy thân thương.
Cha con ông Nguyễn Tấn Tài hy vọng những mô hình sẽ giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn hình ảnh miền Tây những ngày xưa cũ. |
Sáng tạo từ vật liệu tái chế
Về miền Tây những thập niên trước, không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà gỗ, nhà lá, nhà sàn in bóng xuống dòng kinh. Theo thời gian, cuộc sống càng sung túc hơn, những ngôi nhà bê tông kiên cố mọc lên, những ngôi nhà đơn sơ chỉ còn trong ký ức của những người trung niên.
Góp nhặt những kỷ niệm và tình cảm dành cho quê nhà, ông Nguyễn Tấn Tài mày mò, phục chế những ngôi nhà để trưng bày, trang trí.
“Trước đây tui có sở thích làm tiểu cảnh, đắp tượng… Sau đó hơn 1 năm nay, tình cờ thấy mô hình ngôi nhà trên internet nên bắt tay vô thực hiện mà mê tới nỗi quên ăn, quên ngủ”- ông Tài chia sẻ.
Điều đặc biệt là những mô hình này được thực hiện từ vật liệu đơn giản, dễ tìm, thân thiện với môi trường.
Ông Tài cho biết: “Tui hái lá cau trong vườn nhà, gom góp vỏ lon bia, lon nước ngọt, lượm những tấm nhựa formex mà người ta làm biển quảng cáo rồi tháo bỏ, lượm mấy miếng kiếng vỡ… rồi kết nối những nguyên liệu này bằng đinh và dán keo.
Từ những vật liệu tái chế nhưng mô hình có thể chịu được mưa nắng, có độ bền cao. Thấy đơn giản nhưng mỗi chi tiết đều nhỏ nên đòi hỏi rất nhiều vào sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. Mô hình đầu tiên, tui phải mày mò tới nửa tháng mới xong”.
Mô hình ngôi nhà tái hiện những chi tiết thật nhất, giữ trọn vẹn hồn cốt của công trình thực ngoài đời, tỉ mỉ ở từng cái giá võng, bộ bàn ghế, cái chum đựng nước bên hiên nhà, chiếc xuồng, chiếc vỏ lãi...
Khi đã có ý tưởng trong đầu, ông Tài đo đạc tỷ lệ chiều cao và chiều dài, rộng phù hợp. Sau đó cắt, ghép, nối các tấm nhựa dựng thành khung nhà, cắt vỏ lon bia mô phỏng những tấm tôn... Sau đó, sơn lên vật liệu rồi làm ra các vật dụng trong nhà sao cho đầy đủ và giống nhất.
Theo ông Tài, khâu khó nhất là lúc đi màu để mô hình có hồn nhất, từ tấm tôn gỉ sét, màu của cột gỗ thấm nước lâu năm đều phải phối trộn thật chuẩn. Đó là màu của ký ức mà những người con miền Tây thấy nhớ lắm, thân thương lắm!
Lưu giữ hình ảnh quê hương
Mô hình những ngôi nhà sàn có thể trưng bày trong hồ thủy sinh, hồ cạn, trang trí tiểu cảnh hay trưng bày trong nhà đều phù hợp. Mỗi sản phẩm được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy theo kích thước và số lượng chi tiết cho căn nhà nhiều hay ít.
Mỗi đồ vật đều được thổi hồn đầy ắp tình cảm thân thương. |
Anh Nguyễn Tấn Phát- con trai ông Tài, giúp cha quảng bá mô hình trên mạng xã hội như Facebook, TikTok và giúp ông gửi mô hình bán tận TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Anh Phát cho biết: “Sau khi hình ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội, được nhiều nhóm đam mê chơi tiểu cảnh thích thú và đặt mua.
Không chỉ đơn thuần là thú chơi, những mô hình tiểu cảnh góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây. Họ yêu quý bởi sự gần gũi, mộc mạc và hoài niệm về cuộc sống của người dân miền sông nước”.
Vừa qua, anh Phát còn đem những mô hình giới thiệu tại lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long với các cơ quan, doanh nghiệp.
“Có nhiều vị khách nước ngoài đến ngắm và thích thú với hình ảnh chiếc tivi, bộ bàn ghế… cho đến những vật dụng thông thường như sào phơi đồ, lò củi.
Những người Việt ở xa quê thì không khỏi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà gần gũi, thân thương của mình hiện ra trước mắt sau nhiều năm xa cách”- anh Phát kể.
Ở tuổi 64, ông Tài mới bắt đầu làm mô hình những ngôi nhà. “Gia tài” vài chục ngôi nhà tăng lên theo thời gian và ông cho biết nếu còn sức khỏe thì sẽ còn làm.
Đó là “gia tài” mà ông Tài một đời gắn bó, thân thương, nâng niu gìn giữ và hy vọng những mô hình mình làm sẽ giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn hình ảnh miền Tây những ngày xưa cũ, hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người dân miền sông nước.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ