Chín nhánh sông Cửu Long mang phù sa ngọt bồi đắp nên vùng đất châu thổ, với những vườn trái cây xum xuê, những cánh đồng ruộng "thẳng cánh cò bay", nguồn tôm cá dồi dào.
Phương Nam với sông nước bình dị và thơ mộng. |
Chín nhánh sông Cửu Long mang phù sa ngọt bồi đắp nên vùng đất châu thổ, với những vườn trái cây xum xuê, những cánh đồng ruộng “thẳng cánh cò bay”, nguồn tôm cá dồi dào. Ẩm thực mang đậm hương vị sông nước miệt vườn. Người dân hiếu khách, thật thà chất phác. Chính những điều ấy đã làm nên văn hóa truyền thống sông nước đặc biệt của người và đất vùng châu thổ sông Cửu Long.
Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long là một đồng bằng phù sa ngọt lớn nhất nước do trời ban tặng con sông lớn hiền hòa mang tên Cửu Long bồi đắp nên.
Vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa ngọt cổ, được bồi đắp dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, kéo theo sự hình thành những giồng cát chạy dọc theo ven bờ biển. Hành trình trải qua cả hàng ngàn năm con người tiến xuống khai phá vùng đồng bằng sông nước châu thổ này:
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai”.
Để có vùng đất phương Nam những người khẩn hoang đã phải đổi bằng không ít mồ hôi và máu xương. Vùng đất hoang sơ với những cánh đồng cỏ lác, những rừng tràm, những thú dữ.
Theo Vương Hồng Sển, những năm 1670-1680, ngay nơi đồn trú của Phó Vương Cao Miên Prei Norkor, sau này là Sài Gòn, “Prei Norkor vào thời bấy giờ, cũng chỉ là một thôn nhỏ trong rừng già dựa kề một đồn kiên cố, dân cư thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, cột cây nóc lá, tập trung trên các gò nổng cao ráo, chung quanh là ao sình nước đọng quanh năm, sâu vô trong nữa thì toàn là rừng rú. Thiên nhiên đã có từ tạo thiên lập địa, không ai khai phá, đầy rẫy muỗi mòng, đỉa vắt và thú dữ: tây, tượng, hùm beo, khỉ, sấu...”
Và theo “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” của Trần Ngọc Thêm chủ biên: “Với những người đi khai hoang theo từng tốp nhỏ lẻ và công cụ thô sơ, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi trước hết là những vùng cao ráo ven biển hoặc dọc theo sông rạch. Sau khi định cư và số dân đông dần lên, người ta sẽ tiếp tục mở rộng dần ra. Đến khi sáng tạo ra những thuật “đào mương lên liếp”, người Tây Nam Bộ mới tiến đến làm chủ những vùng trũng thấp”.
Từ vùng đất hoang vu đã trở thành vùng đất trù phú, đó là xương máu, mồ hôi của những người khai hoang phải vật lộn với những khắc nghiệt lúc khai hoang. Họ là những người nông dân và thợ thủ công nghèo khổ ở các tỉnh phía ngoài bị cùng cực điêu đứng vì chiến tranh, bị giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột tàn bạo, những thầy đồ nghèo… không thể sống nổi, buộc lòng phải rời bỏ quê hương, làng xóm di cư vào vùng đất mới xa xôi đi tìm đường sống, để tìm cuộc sống mới.
Với tính cách đặc biệt của những người ra đi tìm vùng đất mới là tính mạnh mẽ, quyết liệt, bản lĩnh cứng rắn. Không có trở ngại khó khăn nào làm họ chùn bước. Có phải chăng, đã tạo nên tính cách liều lĩnh, ngang tàng, tính cộng đồng xã hội.
Với những hiểm nguy và bất trắc từ những buổi đầu đặt chân đến. Nét hoang sơ của thiên nhiên phương Nam buổi đầu khai phá: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội đầy như bánh canh” hay “Tháp Mười nước mặn, đồng chua/ Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng”.
Nơi được gọi là rừng thiêng nước độc thú bầy. Những loài vật luôn đe dọa mạng sống của họ: “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường/ Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”. Họ phải sống nơi đầy cỏ dại, lác, tràm,... Họ đả hổ, diệt sấu, chống chọi với các loài vật hung hãn ấy còn có những loài vật nhỏ như muỗi, đỉa... Nét hoang sơ của vùng đất khẩn hoang, cảnh vật làm cho người khai phá phải sợ: “Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê”.
Bù lại, thiên nhiên có phần ưu đãi cho họ với sản vật rất phong phú: “Má ơi con vịt nó chết chìm/ Thò tay con bắt con cá lìm kìm cắn con” hay “Ai ơi về miệt Tháp Mười/ Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”. Họ tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phục vụ cho sinh kế hàng ngày. Họ đã để lại cả kho tàng kinh nghiệm phong phú trong cách ăn cách ở thuận với tự nhiên. Vùng đất với những con người hào hiệp, thật thà chất phác, trọng tình.
Vùng đất thuận lợi với hai mùa mưa và nắng, đất đai màu mỡ. Giàu có về động vật, thủy sản, chim muôn, hoa dại,…
Nhất là vào mùa nước nổi. Tạo ra thế giới ẩm thực đầy màu sắc và hương vị đặc sắc riêng mà những vùng miền khác không có. Đó là sự ứng xử khôn khéo của con người trước tự nhiên. Những món ăn dân dã một thời mở đất đã trở thành những món ăn đặc trưng đại diện cho triết lý văn hóa của một vùng đất, một cộng đồng dân cư. Làm nên nét văn hóa đặc sắc của người và đất vùng châu thổ sông Cửu Long.
Nay con nước không còn vận hành theo đúng quy luật, không còn đem lại tài nguyên (thủy sản, phù sa…) giúp vùng đất phù sa ngọt thau chua rửa phèn cho ruộng vườn như những năm về trước. Theo các nhà khoa học, lượng phù sa về đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đã giảm đáng kể.
Và người dân không còn sống chung với nước (ngăn đập, bờ kè), tận dụng nước, coi nước nổi là một phần cuộc sống của mình nữa. Nguồn nước chịu tác động nặng nề. Đây không còn là “nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận lợi”.
Thiên nhiên có phần ưu đãi với sản vật rất phong phú, người dân tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phục vụ cho sinh kế hàng ngày. |
Dù thời kỳ khẩn hoang mở đất đã lùi xa nhưng người dân ĐBSCL vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán của thời kỳ này thông qua những nét ăn ở thường nhật. Dù có sự thay đổi theo thời cuộc, do nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhưng vùng đất mới vẫn giữ được nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc như ẩm thực mang đậm hương vị sông nước miệt vườn, những người dân đôn hậu, thật thà chất phác ở người dân phương Nam.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin