Doanh nghiệp mua dừa tại Bến Tre nỗ lực giải quyết khoản nợ đối với nhà vườn

Cập nhật, 19:47, Thứ Ba, 23/05/2023 (GMT+7)

 

 Vườn dừa trồng theo mô hình hữu cơ của tỉnh Bến Tre
Vườn dừa trồng theo mô hình hữu cơ của tỉnh Bến Tre

Do gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp thu mua dừa khô ở tỉnh Bến Tre chậm trả tiền cho khách hàng làm cho nhiều nhà vườn gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hiện tại, các doanh nghiệp đã nỗ lực giải quyết đầu ra, tìm nguồn vốn để hoàn trả số tiền "nợ" đối với nhà vườn, không để đứt gãy chuỗi liên kết đã tạo dựng trong nhiều năm.

Công ty TNHH MTV dừa Lương Quới (tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre) là một trong những doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết với nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trong tỉnh để tiêu thụ trái dừa hữu cơ của nhà vườn với giá cao hơn giá thị trường từ 8.000- 10.000 đồng/chục.

Gần đây, do đầu ra trái dừa khó khăn nên doanh nghiệp cũng chậm trả tiền mua dừa của nhà vườn. Chia sẻ khó khăn đó, phía doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn và đã hoàn trả gần xong tiền nợ trên.

Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dừa Lương Quới chia sẻ: "Đầu ra trái dừa, xuất khẩu rất khó, sức mua của thế giới giảm, hàng tồn kho của công ty rất lớn. Khi tôi giao dịch ngân hàng cũng khó khăn hơn trước. Hiện nay, sản lượng đã hợp tác với người dân và có bao tiêu vùng nguyên liệu nên tôi vẫn mua hết cho nông dân.

Dù khó khăn do hàng hóa tồn kho còn nhiều nhưng tôi vẫn phải mua hết lượng dừa của dân. Người dân, tổ hợp tác hay hợp tác xã có liên kết với công ty, công ty đều mua hết sản lượng. Cơ bản giải quyết với dân nhanh hơn trước, có lẽ đến đầu tháng 6 này mua bán trở lại bình thường".

Với sự quan tâm, chia sẻ, động viên của chính quyền và các ngành chức năng, hầu hết các doanh nghiệp thu mua dừa của nhà vườn đều ráo riết hoàn trả số tiền chậm trả theo hợp đồng. Một số doanh nghiệp còn chịu trả tiền lãi mà các tổ hợp tác, hợp tác xã đã vay tiền ngân hàng ứng trả tiền trước cho nhà vườn.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Bến Tre cho biết: "Hiện nay tình trạng đó không còn nhiều, nói chung các doanh nghiệp đã liên kết với dân lâu rồi, nhưng thời gian qua hàng hóa bán ra ngoài thị trường bị chậm lại. Hiện nay, các doanh nghiệp mà mua dừa chậm trả có tính thêm giá giống như bù tiền lãi. Thứ hai cũng có doanh nghiệp gắn với ngân hàng để cho vay các tổ hợp tác, HTX trong chuỗi để doanh nghiệp thu mua giá cao hơn để bù tiền lãi".

Nhiều doanh nghiệp chậm trả tiền khi mua dừa khô của nhà vườn ở tỉnh Bến Tre là thực tế và do nguyên nhân khách quan, chưa có trường hợp nào "quỵt nợ" nhà vườn.

Tuy nhiên qua thực tế này cũng cần rút kinh nghiệm trong khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm nhất là giải pháp để ứng phó khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn cục bộ. Trong đó, phải quan tâm giải quyết quyền lợi của người trồng dừa để nhà vườn đảm bảo cuộc sống và tái đầu tư cho vườn dừa. 

Ông Nguyễn Trung Tuấn, nhà vườn trồng 1,2 ha dừa hữu cơ tại ấp Định Thái, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, chia sẻ: "Dừa hữu cơ mà doanh nghiệp mua trả tiền chậm là do khâu hoạt động của doanh nghiệp nên buộc mình phải chịu chung cảnh đó. Những người có mô hình trồng nhỏ lẻ đã “bán chạy”, để lo cơm gạo. Đơn vị thu mua và nhà vườn cần gắn bó với nhau, nếu chậm tiền vì lý do nào đó phải có nguồn phân bón hỗ trợ cho người dân cấp thời”.

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, đến nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ của tỉnh đã phát triển diện tích hơn 16.000 ha, trong đó, diện tích đạt chứng nhận hơn 13.000 ha. Toàn tỉnh có 47 tổ hợp tác và 27 hợp tác xã với quy mô hơn 6.400 ha và 6.900 thành viên tham gia sản xuất dừa tiêu chuẩn hữu cơ.

Tình trạng doanh nghiệp nợ tiền nhà vườn đến nay cơ bản đã được khắc phục nhưng chính quyền, các ngành chức năng cùng với doanh nghiệp thu mua trái dừa ở tỉnh Bến Tre cần quan tâm, hoàn thiện chuỗi liên kết này, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để nhà vườn yên tâm gắn bó với mô hình sản xuất dừa hữu cơ./.

Theo Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

 

 

Các tin khác: